Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch đặt mục tiêu tới năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước.

Lâm Đồng là một trong năm tỉnh vùng Tây Nguyên được coi là “cửa ngõ” thông ra biển của khu vực Trung và Nam Tây Nguyên, điểm kết nối của 3 vùng kinh tế: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung nhờ nằm trên 2 hành lang cao tốc chính là Dầu Giây-Liên Khương-Đà Lạt-Quốc lộ 20 và Buôn Mê Thuột-Khánh Hòa.

Lâm Đồng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với thành phố Đà Lạt là vùng đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc.

Lâm Đồng cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè... thích ứng với biến đổi khí hậu; trung tâm công nghiệp khai thác và chế biến quặng bauxite; alumin; công nghiệp chế biến nhôm và chế tạo.

Quy hoạch đặt mục tiêu tới năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá...

Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục