Quyền người tiêu dùng: Luật có, nhưng khó đòi!

Quyền lợi người tiêu dùng: Luật có, nhưng khó đòi!

Thế giới đã dành hẳn một ngày gọi là ngày "Quyền người tiêu dùng thế giới" (15/3), nhưng xem ra "thượng đế" trong nước vẫn còn rất lận đận trong công cuộc đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Điển hình là tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng cáo sai sự thật, gian luận thương mại ngày càng tinh vi đang xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng.
Thế giới đã dành hẳn một ngày gọi là ngày "Quyền người tiêu dùng thế giới" (15/3), nhưng xem ra "thượng đế" trong nước vẫn còn khá lận đận trong việc đòi quyền lợi chính đáng của mình.

Điển hình là số vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như gian luận thương mại liên tục bị phát hiện gần đây nhưng rồi "đâu lại vào đấy" khiến dư luận không khỏi bức xức.

Trông vào doanh nghiệp?

Tối 28/12/2011, tại số nhà 28, tổ 15 Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đội Quản lý thị trường số 11 kết hợp với đội kiểm tra tuyến Công an thành phố Hà Nội (PA65), Công an kinh tế quận Tây Hồ và Trạm thú ý quận Hoàng Mai kiểm tra và thu giữ hàng chục tấn chân bò đã bốc mùi hôi thối.

Qua kiểm tra tại địa điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện một xe container biển số ghi trên đầu kéo là 60P-2068 chứa 20 tấn chân bò thối và mở rộng kiểm tra trong hai kho đông lạnh cùng số nhà trên cơ quan chức năng còn tịch thu thêm 3 tấn chân bò thối, đang trong quá trình phân hủy và bốc mùi.

Lái xe Lê Văn Đối, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình khai nhận, đã thu gom số hàng trên để đưa vào các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương tiêu thụ.

Tiếp đến, ngày giáp tết Nguyên Đán vừa qua, đội quản lý thị trường số 7 phối hợp cùng phòng cảnh sát kinh tế, công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, bắt quả tang khoảng 8 tấn thực phẩm sắp hết hoặc đã quá hạn sử dụng trong kho của Công ty Bách Hợp, thuê tại nhà máy xe lửa Gia Lâm, số 551 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên.

Qua kiểm tra, nhiều sản phẩm đã mốc trắng nhưng vẫn được sơ chế, thái lát và đóng gói, số lượng cực lớn thực phẩm quá hạn sử dụng trong kho hàng của Công ty này.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, cán bộ đội quản lý thị trường số 5, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các chủ hàng thường viện lý do vì "vội" nên chưa tiêu hủy được số hàng quá hạn sử dụng; hoặc tường trình tập kết hàng quá hạn để chờ tiêu hủy một mẻ cho đỡ tốn kém.

Nhưng thực chất, đó chỉ là sự ngụy biện. Chủ hàng sẵn sàng “phù phép”, thay đổi “date”, từ đó bán ra thị trường.

Gần đây nhất, đầu tháng 3/2012, người tiêu dùng lại được một phen "thót tim" khi giá gas, giá sửa liên tục nhảy múa, rồi nhiều doanh nghiệp xăng dầu lợi dụng việc giá xăng thế giới tăng cao để găm hàng trục lợi gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quá chú trọng vào những lợi ích tài chính trong ngắn hạn mà quên đi việc thỏa mãn những nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng. Thậm chí, có những doanh nghiệp còn gây ra tổn thất cho người tiêu dùng bằng những sản phẩm khiếm khuyết và sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, những hình thức quảng cáo không đúng sự thật, cường điệu đang tràn lan, như máy điều hòa có chức năng khử virus H1N1, thực phẩm chức năng quảng cáo như thần dược, dịch vụ truyền hình khuyếch đại số kênh… trong khi giá trị, chất lượng thật không có.

"Chiếu theo các điều khoản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tất cả những hình thức này là vi phạm, đánh lừa người tiêu dùng đồng thời cũng là hình thức cạnh tranh không lành mạnh," ông Mừng nói.

Theo thống kê của Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội thì năm 2011 đơn vị này đã xử lý 591 vụ vi phạm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt hành chính gần 2,5 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 3 tỷ đồng, bao gồm: 206 hộp sữa, gần 4.000 hộp thực phẩm chức năng, trên 3.000 chai rượu, 2,4 tấn bánh kẹo và hơn 100 tấn sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
 
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Luật bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, trong đó có quy định người tiêu dùng có thể kiện doanh nghiệp vì những sản phẩm lỗi hoặc không đúng với công bố, nhưng trên thực tế, khâu khiếu kiện mất rất nhiều thời gian, thậm chí đến hàng năm mà chưa có kết quả. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của người khác lại bị xử lý còn nhẹ.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, phó Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Luật bảo vệ người tiêu dùng có 15 điểm mới rất quan trọng mà người tiêu dùng cần nắm vững và sử dụng như công cụ tự bảo vệ mình.

Chẳng hạn, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; trách nhiệm bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin; trách nhiệm bảo hành, trách nhiệm thu hồi hàng hóa của nhà sản xuất; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra; yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khởi kiện vụ án dân sự của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chứng minh lỗi trong vụ án liên quan đến người tiêu dùng…

Câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng bảo vệ mình bằng cách nào khi hàng giả ngày càng tinh vi và phổ biến, khi sản xuất hàng giả không chỉ trong nước mà còn nhập từ nước ngoài về và hợp thức hóa thành hàng nội địa bằng hình thức nhập khẩu linh kiện, bán thành phẩm, qua các cơ sở chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới của các thương hiệu uy tín trong nước.

Hơn nữa, cơ quan bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện vẫn chưa đủ lực để yêu cầu nhà sản xuất trả lại quyền của người mua bị xâm hại một cách đầy đủ.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là cái tâm và đạo đức của nhà sản xuất, nhà kinh doanh, phân phối.

“Không thể cứ thấy có Luật là cho rằng người tiêu dùng từ nay sẽ trở nên thông thái, làm cho các nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối phải có trách nhiệm. Quan trọng là các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, cần xây dựng sớm luật về hội, hiệp hội để hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, xứng đáng là người đại diện hợp pháp có hiệu lực trước quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài ra, để luật đi vào cuộc sống một cách bền vững thì các bên cần sử dụng tối đa quyền của mình. Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng cục quản lý cạnh tranh cũng khuyến nghị, khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng nên sẵn sàng phối hợp với các cơ quan hữu quan để tiến hành các biện pháp “đòi” quyền lợi hợp pháp.

Mặt khác, các cơ quan chức năng Nhà nước cũng phải chủ động, tích cực phát huy quyền của mình trong việc phát hiện, xử lý và thông tin công khai các vụ việc vi phạm./.

Khánh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục