Quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn trong dịp Tết Trung Thu

Để bảo vệ người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã vào cuộc tổng kiểm tra, kiểm soát thị trường bánh Trung Thu nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn.
Quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn trong dịp Tết Trung Thu ảnh 1Đội quản lý thị trường số 4, Cục quản lý thị trường Hà Nội thu giữ 2400 sản phẩm bánh Trung thu nhân trứng do nước ngoài do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Mặc dù chưa đầy 10 ngày nữa là đến ngày Tết Trung Thu nhưng các góc phố, vỉa hè vẫn hoàn toàn vắng bóng những cửa hàng, kiot bánh Trung Thu rực rỡ sắc màu như những năm trước.

Nếu như mọi năm, đây là thời điểm người dân xếp hàng dài, chen nhau mua bằng được vài hộp bánh nướng, bánh dẻo thương hiệu nổi tiếng thì năm nay, mọi chuyện hoàn toàn thay đổi.

Lợi dụng bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn, bằng mọi phương thức thủ đoạn, từ nhiều nguồn khác nhau bánh Trung Thu không nguồn gốc vẫn được tuồn vào thị trường nội địa và rao bán trực tiếp cũng như qua mạng xã hội.

Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã vào cuộc tổng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn.

Thay đổi thói quen

Tại cửa hàng bánh Trung Thu Bảo Phương trên phố Thụy Khuê, Hà Nội, vào một buổi chiều tháng 8 âm lịch, nếu như thời điểm này mọi năm, người ta rất dễ bắt gặp cảnh khách xếp hàng dài hàng trăm mét dọc phố.

Tuy nhiên, hiện tại các loại bánh và hộp đã được sắp xếp sẵn tại quầy. Hai nhân viên bán hàng thỉnh thoảng lại lướt điện thoại để kiểm tra xem có đơn hàng đặt online hay không.

[Hà Nội: Thu giữ trên 11.000 bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc]

Theo ông Phạm Hải Đăng, chủ cơ sở bánh Bảo Phương, mọi năm, mỗi ngày tiệm bán khoảng 100 chiếc, dịp Rằm tháng Bảy hay Trung Thu tăng lên 1.000-2.000 chiếc, trung bình một năm tiêu thụ khoảng 65.000 chiếc, doanh thu 2,6-5,2 tỷ đồng.

Thế nhưng, năm nay, với dự đoán mức tiêu thụ giảm 80%, số lượng bánh tiêu thụ chỉ còn khoảng 13.000 chiếc, doanh thu chỉ khoảng 520 triệu đến 1 tỷ đồng, giảm đến 4 tỷ đồng so với năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân lượng bánh Trung Thu tiêu thụ giảm bởi dịch COVID-19 kéo dài khiến thói quen mua sắm cũng thay đổi.

Bởi vậy, nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng, các doanh sản xuất bánh kẹo truyền thống như Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương, Kinh Đô... đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... và những ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin.

Ngoài ra, với các tiểu thương sản xuất bánh thủ công (handmade) cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, mức giá bánh Trung Thu loại “bình dân” dao động từ 50.000-70.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 300.000-750.000 đồng/chiếc.

Đặc biệt khi mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử người mua sẽ được hưởng ưu đãi chiết khấu từ 5-10%.

Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook, Zalo đã liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán “Bánh Trung Thu siêu ngon, siêu rẻ” là hàng “xách tay” từ nhiều nơi khác nhau hoặc sản phẩm handmade nhà làm với giá bán rẻ tới bất ngờ.

Chẳng hạn như trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều gian hàng đang quảng cáo, rao bán combo bánh nướng Trung Thu mini do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất chỉ 39.000 đồng/10 chiếc. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua theo kg giá chỉ còn 68.000-71.000 đồng/kg (20 chiếc).

Thậm chí, tại một fanpage chuyên bán buôn đồ ăn vặt trên Facebook đang rao bán bánh Trung Thu do Hongkong (Trung Quốc) sản xuất với giá chỉ 90.000 đồng/kg (18 chiếc), tính ra giá chỉ 5.000 đồng/bánh.

Không chỉ rao bán bánh Trung Thu do nước ngoài sản xuất giá rẻ, nhiều cơ sở sản xuất cũng “quảng cáo” bánh handmade với nguyên liệu sạch, giá rẻ thu hút một lượng tương đối người tiêu dùng.

Quyết tâm ngăn chặn thực phẩm bẩn trong dịp Tết Trung Thu ảnh 2Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện xe vận tải luồng xanh vận chuyển bánh Trung Thu nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia những chiếc bánh này không được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Thận trọng nguồn gốc

Thực tế, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trên cả nước liên tiếp phát hiện bánh Trung Thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên thị trường.

Cụ thể, mới đây nhất, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Công an Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Hà Nội) do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 11.130 chiếc bánh Trung Thu, do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hay trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành đối với một hộ kinh doanh số tiền 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.524 chiếc bánh Trung Thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, khi kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” tại thôn La Lâm, xã La Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường cũng Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139kg sản phẩm thực phẩm được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 cái bánh Trung Thu các loại.

Toàn bộ số hàng hóa trên là bánh Trung Thu có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Đáng lưu ý, ở Thái Nguyên phát hiện 2 xe vận chuyển số lượng lớn bánh Trung Thu, thực phẩm các loại nhập lậu; trong đó, xe thứ nhất chở gần 2.500 gói bánh Trung Thu, chả cay các loại. Xe thứ 2 có gần 2.000 sản phẩm thực phẩm các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có xuất xứ nước ngoài, trên bao bì sản phẩm thể hiện “Made in China.”

Siết chặt quản lý

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, ngày 20/8/2021 Tổng cục Quản lý thị trường ( Bộ Công Thương) đã ban hành Công văn số 1799/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Trung Thu năm 2021.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong dịp Tết Trung Thu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Cùng với đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vị phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung Thu như bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi...

Ngoài ra, trong dịp này lực lượng quản lý thị trường cả nước cũng tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.

Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm.

Mặt khác, Cục Quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường hậu an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung Thu lưu thông trên thị trường.

Là một trong những thị trường trọng điểm của cả nước, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho hay vài năm trở lại đây, các loại bánh Trung Thu quảng cáo tự làm, bán trực tuyến (online) có xu hướng tăng mạnh. Khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm với bánh Trung Thu tự làm là nguồn gốc nguyên liệu.

Theo quy định, ngoài hợp đồng, hóa đơn mua bán, cơ sở kinh doanh phải có thêm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh và giấy chứng nhận kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những loại bánh do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán lẻ, khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.

Vì thế, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường chủ động tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung Thu, nhất là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh Trung Thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...), chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).

Quá trình rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đội tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch COVID-19 do Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân thành phố và địa phương quy định.

Đặc biệt, sau dịp Tết Trung Thu, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, ngăn chặn việc tái sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ bánh Trung Thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng bánh Trung Thu cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Ngoài ra chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục