Rạn nứt đang gia tăng trong tam giác Nga-Ấn Độ-Trung Quốc?

Các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ ngày càng khác biệt với những gì mà Nga và Trung Quốc ưu tiên - một trong nhiều nguyên do khiến những căng thẳng ngày càng gia tăng trong nhóm RIC.
Rạn nứt đang gia tăng trong tam giác Nga-Ấn Độ-Trung Quốc? ảnh 1Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar dự kiến tới Nga vào cuối tháng Ba để thảo luận về các diễn biến địa chính trị lớn đang ảnh hưởng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo các thông tin, nội dung cuộc gặp nhiều khả năng sẽ xoay quanh thỏa thuận hòa bình sơ bộ tại Afghanistan, hoạt động của nhóm Bộ Tứ (diễn đàn an ninh có sự tham gia của Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tác động từ việc Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị hủy bỏ.

Hội nghị RIC gần đây nhất được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka hồi tháng 7/2019, ngay sau hội nghị ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ (JAI).

RIC trở thành một tam giác chiến lược vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20 theo đề xuất của Thủ tướng Nga Yevgeny Primakov (1998-1999) nhằm trở thành “đối trọng với liên minh phương Tây.”

Mục tiêu của Nga là “chấm dứt việc bị Mỹ chi phối về chính sách đối ngoại” và tái thiết mối quan hệ với các bè bạn cũ như Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy các mối bang giao mới như với Trung Quốc.

Những mục tiêu này phần nào có sự tương đồng với những gì Ấn Độ đề ra ở thời điểm đó, song không rõ liệu chúng có còn phù hợp với các mục tiêu ngày nay của New Delhi hay không, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này thúc đẩy nhiều hoạt động chiến lược với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Trên thực tế, mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng lớn mạnh giữa Ấn Độ và Mỹ, Nhật Bản, cùng Australia mâu thuẫn với các mục tiêu của RIC, đặc biệt là việc kiềm chế vai trò của Washington tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Việc Washington ủng hộ Ấn Độ trong nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là khi Trung Quốc nêu vấn đề Kashmir tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là điều đáng lưu ý.

Thực tế, chính sự trỗi dậy của Trung Quốc mới là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nhiều tính toán chiến lược của New Delhi.

Ấn Độ có truyền thống tránh lựa chọn đứng về bên nào trong các vấn đề chính trị quốc tế, đặc biệt là những gì diễn ra giữa các siêu cường, và có xu hướng thực hiện chính sách không can thiệp.

Tuy nhiên, thái độ thù địch những năm gần đây từ phía Trung Quốc buộc các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ phải tìm hiểu và cân nhắc các tác động từ sức mạnh ngày càng lớn của cường quốc này đối với đất nước mình.

[Có phải quan hệ Nga-Ấn-Trung đang được định hình?]

Cuộc khủng hoảng kéo dài 72 ngày tại Doklam, những hành động liên tiếp của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn khác phản ánh thực tế quốc gia này không mấy thân thiện với Ấn Độ.

Điều này càng khiến các hoạt động hợp tác thông qua những nền tảng như RIC, BRICS hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) khó có thể tác động tới bản chất mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Dù Nga vẫn là “người bạn cũ” của Ấn Độ, New Delhi dường như nhận ra rằng Moskva ngày càng gánh chịu nhiều áp lực trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Tháng Một vừa qua Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã công khai phản đối khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Đối thoại Raisina, một hội nghị địa chính trị do Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu Giám sát (ORF), một viện nghiên cứu chính sách uy tín của Ấn Độ, tổ chức.

Trả lời câu hỏi về quan điểm và vai trò của Nga tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng khái niệm này không có ý nghĩa gì ngoài việc là một sáng kiến “nhằm kiềm chế Trung Quốc,” và có nhiều mâu thuẫn ở bản chất.

Thậm chí, ngay cả trong những vấn đề như Jammu hay Kashmir mà Trung Quốc nêu lên ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga cũng thường tỏ thái độ trung lập.

Có vẻ như đối với Moskva, dù mối quan hệ với Ấn Độ quan trọng song tình hữu nghị với Bắc Kinh thậm chí còn có ý nghĩa nhiều hơn và đáng được ưu tiên hơn hẳn mọi quan hệ khác.

Trong khi đó, tại những phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga mới thể hiện rõ lập trường của mình.

Đại diện Nga cho biết “Nga tiếp tục ủng hộ không ngừng nghỉ tiến trình bình thường hóa quan hệ Ấn Độ-Pakistan. Chúng tôi hy vọng rằng những bất đồng đang tồn tại về vấn đề Kashmir sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương qua các biện pháp chính trị và ngoại giao… với nền tảng là Thỏa thuận Simla 1972 và Tuyên bố Lahore 1999, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và các thỏa thuận song phương giữa Ấn Độ với Pakistan.”

Việc nhấn mạnh nên sử dụng nghị quyết của Liên hợp quốc để giải quyết các tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan “đã đánh dấu thay đổi lớn trong lập trường truyền thống của Nga về Kashmir.”

Nhìn chung, các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ ngày càng khác biệt với những gì mà Nga và Trung Quốc ưu tiên.

Một ví dụ tiêu biểu khác cho thấy thực tế là dù Nga, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiến hành hội nghị thảo luận về thỏa thuận hòa bình Afghanistan, Moskva không hề mời New Delhi tham sự hội nghị gần đây mà họ chủ trì tại quốc gia Nam Á này.

Việc Ấn Độ dường như đã bị gạt ra ngoài lề trong các nỗ lực khu vực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho Afghanistan rất có thể xuất phát từ đề nghị của Pakistan và Trung Quốc.

Việc hợp tác với Nga và Trung Quốc đem lại nhiều ý nghĩa cho Ấn Độ, song thực tế ấy cũng không thể phủ nhận những căng thẳng ngày càng gia tăng trong nhóm RIC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục