Rạn nứt và bất hòa của giới chức Mỹ trong cách tiếp cận với Triều Tiên

Ba tháng sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những rạn nứt và bất hòa bắt đầu xuất hiện trong biện pháp tiếp cận Triều Tiên của chính quyền Trump.
Rạn nứt và bất hòa của giới chức Mỹ trong cách tiếp cận với Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng abcnews đưa tin ba tháng sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những rạn nứt và bất hòa bắt đầu xuất hiện trong biện pháp tiếp cận Triều Tiên của chính quyền Trump.

Tổng thống Trump nói ông đánh giá vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là “rất khác” so với quan điểm của các cố vấn.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã không gọi những vụ phóng này là “tên lửa đạn đạo” hoặc nói rằng họ (Triều Tiên) đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thậm chí ngay cả sau khi Lầu Năm Góc sử dụng thuật ngữ “tên lửa đạn đạo” và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói họ đã vi phạm các nghị quyết.

Và trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các cuộc đàm phán với Triều Tiên đang “tiếp diễn,” ông Bolton nói rằng Triều Tiên “đã không chấp nhận” trưởng đoàn đàm phán của Mỹ.

[Triều Tiên: Mỹ giữ tàu hàng là trở ngại lớn nhất nối lại đàm phán]

Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội (Việt Nam) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, và kể từ đó, cả hai bên ngày càng nhấn mạnh đến các quan điểm đàm phán của họ.

Mỹ yêu cầu Triều Tiên tháo gỡ toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng khẳng định nước này sẽ không thực hiện bất kỳ bước đi nào cho đến khi được xóa bỏ cấm vận.

Mặc dù các quan chức Mỹ, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, nói rằng ông Kim đã đồng ý “phi hạt nhân hóa,” thì hai bên vẫn không nhất trí được điều đó có nghĩa là gì bởi có quá nhiều định nghĩa khác nhau về phạm vi những thứ mà Triều Tiên phải thực hiện.

Bất chấp bế tắc này, Tổng thống Trump tiếp tục tô vẽ một bức tranh màu hồng về các cuộc đàm phán, khẳng định rằng ông “không vội vã” để đạt được một thỏa thuận và rằng ông Kim "hiểu" đường đi đúng đắn ở phía trước.

Điều đó khác hẳn với những tuyên bố đầy khiêu khích trên các phương tiện truyền thông Triều Tiên và những vụ phóng tên lửa gần đây mà ông Bolton khẳng định hôm 25/5 là sự vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

"Người của tôi nghĩ rằng đó có thể là một sự vi phạm, như các bạn biết đấy. Tôi thì có quan điểm khác," ông Trump nói hôm 27/5 vừa qua tại Nhật Bản. "Có lẽ (ông Kim) muốn gây sự chú ý, và có lẽ là không. Ai mà biết được? Đó không phải là vấn đề."

Ông Michael Fuchs, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Obama, lưu ý rằng: "Điều đó cho thấy những thông điệp lẫn lộn và các chính sách không gắn kết. Điều mà ông Trump không hiểu là Mỹ có thể duy trì các lợi ích về ngoại giao với Triều Tiên trong khi vẫn chỉ trích cách hành xử hiếu chiến của nước này."

Ông Pompeo, người tiên phong trong chính quyền Mỹ đưa ra quan điểm về Triều Tiên, đã cố đi theo đường hướng này hôm 27/5.

Nữ phát ngôn viên Morgan Ortagus thì không nói liệu ông Pompeo và Bộ ngoại giao có tin đó là một sự vi phạm hay không, mà thay vào đó cố gắng đề cập vấn đề một cách nửa vời.

Bà nói: "Toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Triều Tiên đi ngược lại với các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đó là điều mà Ngoại trưởng chú trọng và cố gắng đàm phán chấm dứt một cách hòa bình chương trình WMD của Triều Tiên như Tổng thống Trump mong muốn."

Bà Ortagus đã không gọi những vụ phóng đó là “tên lửa đạn đạo,” mà chỉ sử dụng thuật ngữ “phóng.” “Việc đánh giá Triều Tiên bắn thử cái gì đã không được chia sẻ công khai,” bà nói.

Nhưng Lầu Năm Góc đã gọi chúng là “tên lửa đạn đạo.” Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Thiếu tá Dave Eastburn, nói hôm 9/5 rằng đó là “những tên lửa đa nòng mà Triều Tiên đã thử nghiệm."

Sự khác biệt này là rất quan trọng để xác định liệu Triều Tiên có hay không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Cơ quan quốc tế này "(đã) yêu cầu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không được tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hay sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo nào thêm nữa” trong các nghị quyết năm 2006 và 2013.

Trong khi ông Trump bác bỏ vụ phóng này, Bộ Ngoại giao có thể đã bóng gió giải thích tại sao họ có giọng điệu nhẹ nhàng hơn: "Chúng tôi muốn những cuộc đàm phán và thảo luận vẫn tiếp diễn," bà Ortagus phát biểu trước các phóng viên hôm 27/5. "Chúng tôi tập trung vào mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un và tiếp tục các cuộc đàm phán và đối thoại."

Rạn nứt và bất hòa của giới chức Mỹ trong cách tiếp cận với Triều Tiên ảnh 2Các vật thể bay rời khỏi bệ phóng rocket trong cuộc diễn tập của các đơn vị phòng vệ Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở phía Tây nước này, ngày 9/5/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhưng kể từ hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, Mỹ đã "thực sự... không nghe được gì nhiều từ phía Triều Tiên," ông Bolton nói hôm 25/5 tại Nhật Bản.

Chuyên gia đàm phán hàng đầu của Mỹ, ông Stephen Biegun, "đã nôn nóng" muốn được "nói chuyện với người đồng cấp Triều Tiên, nhưng họ đã không trả lời," ông Bolton nói thêm.

Bộ Ngoại giao từ chối cho biết liệu ông Bolton nói có đúng hay không.

Một phát ngôn viên nói với ABC News: "Mỹ vẫn sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận mạng tính xây dựng. Chúng tôi tiếp tục mời các đối tác của mình đàm phán."

Tuần trước, bà Ortagus nói: "Các cuộc đàm phán và thảo luận vẫn tiếp tục."

Trong khi có một số cuộc tiếp xúc, thì ông Biegun vẫn không có bất kỳ cuộc gặp nào ở cấp chuyên viên trong ba tháng qua kể từ hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn "hy vọng vào các cuộc đàm phán này," bà Ortagus nói, "bởi vì (ông Trump và ông Pompeo) đã có các cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà họ cảm thấy giống như họ đã có một cam kết thực sự từ phía ông Kim về phi hạt nhân hóa."

Đó có thể là trường hợp bằng văn bản, khi tuyên bố Singapore cam kết cả hai bên tiến tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên."

Vấn đề lại là hai bên có những định nghĩa khác nhau, mà ông Bolton nhấn mạnh rằng họ đã không tìm thấy sự nhất trí tại hội nghị ở Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục