Ranh giới giữa giàu và nghèo ngày càng nới rộng ở Đức

Theo Hiệp hội Phúc lợi bình đẳng của Đức, tỷ lệ người nghèo ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu chiếm tới 15,2%, mức cao nhất từ trước tới nay.
Ranh giới giữa giàu và nghèo ngày càng nới rộng ở Đức ảnh 1Giàu nghèo ở Đức ngày càng nới rộng khoảng cách. (Nguồn: DPA)

Hiệp hội Phúc lợi bình đẳng của Đức ngày 24/4 cho biết, ngày càng có ít người được hưởng cái gọi là "sự phồn vinh" ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Và một thực tế là ranh giới giữa giàu và nghèo ngày càng nới rộng ở Đức.

Trong bản đánh giá lần đầu tiên về tình hình xã hội, hiệp hội trên cho biết tỷ lệ người nghèo ở Đức chiếm tới 15,2%, mức cao nhất từ trước tới nay và sự phát triển này về lâu dài sẽ gây nguy hại cho nước Đức.

Theo hiệp hội trên, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Tuy số lượng việc làm được tạo ra ở mức cao kỷ lục, song bên cạnh đó có rất nhiều người chỉ làm những công việc vặt, những vị trí với thu nhập thấp hoặc tạm thời, trong khi tình trạng thất nghiệp dài hạn vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, có trên 2 triệu trẻ em và thanh thiếu niên là thuộc các gia đình nghèo. Họ thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ nhà nước để có thể tham gia vào đời sống xã hội.

Sự mất cân đối còn thể hiện rõ trong việc phân phối tài sản cá nhân. 20% số dân nghèo nhất nước trung bình phải gánh khoản nợ 4.600 euro trên vai, trong khi 10% số giàu nhất lại sở hữu trung bình số tài sản lên tới 1,15 triệu euro. Không một nước nào trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại có một sự chênh lệch lớn như vậy.

Theo hiệp hội trên, chính sách xã hội là yếu tố chính dẫn tới tình trạng trên. Bản hiệp ước liên minh được liên đảng bảo thủ CDU/CSU và đảng trung tả SPD thông qua mùa Thu năm 2013 không có nhiều điểm sáng trong lĩnh vực chính sách xã hội.

Biện pháp đáng mừng nhất là áp đặt mức lương tối thiểu 8,50 euro/giờ, song điều đó là chưa đủ cho cuộc chiến chống nghèo ở nước này. Hiệp hội trên cho rằng chính phủ liên bang trong khi quan tâm tới phát riển kinh tế, lại không tính tới những hậu quả xã hội ở nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục