Routes Asia 2022 - Khôi phục vị thế cho ngành du lịch Đà Nẵng

Qua việc đăng cai sự kiện Routes Asia 2022, thành phố Đà Nẵng đang từng bước kích hoạt ngành du lịch; định vị thành phố biển như một trung tâm kinh doanh, đổi mới, logistics, tài chính, văn hóa.
Routes Asia 2022 - Khôi phục vị thế cho ngành du lịch Đà Nẵng ảnh 1Thành phố Đà Nẵng - nơi tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022-Routes Asia 2022, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8/6, tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) là sự kiện kết nối, xúc tiến và phát triển mạng lưới đường bay duy nhất và lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Diễn đàn sẽ hội tụ các nhà hoạch định chính sách từ các hãng hàng không, sân bay, điểm đến và nhà cung ứng của ngành hàng không để phác thảo các kế hoạch hành động nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành hàng không, dịch vụ của khu vực.

Khôi phục các đường bay châu Á

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 cho biết diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và tái thiết các dịch vụ hàng không trên thế giới sau thời gian dài bị ngưng trệ do dịch COVID-19.

Đà Nẵng đăng cai sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng cho sự phục hồi trở lại của ngành hàng không và du lịch. Thành phố đang có nhiều tiềm năng để trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, là trung tâm kinh tế, tài chính, hàng không và du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế trong tương lai.

Diễn đàn phát triển đường bay châu Á-Routes Asia 2022 chào đón hơn 550 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự; trong đó có các Chủ tịch/Phó Chủ tịch và các lãnh đạo hoạch định mạng lưới đường bay từ hơn 80 hãng hàng không hàng đầu khu vực. Tại sự kiện, diễn ra hơn 1.500 cuộc họp giữa các bên liên quan, gồm hãng hàng không, sân bay và điểm đến.

[Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022]

Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào phương thức các bên có thể phối hợp để khôi phục mạng lưới đường bay, tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những nhân sự có vai trò quyết định của các hãng hàng không quốc tế tham dự sự kiện như Tổng Giám đốc Thương mại, hãng hàng không Air India; Giám đốc Khối Kế hoạch Doanh nghiệp, hãng hàng không Bamboo Airways; Giám đốc quản lý mạng lưới đường bay, Cebu Air Pacific; Phó Chủ tịch hoạch định kế hoạch và khai thác đường bay, hãng hàng không IndiGo…

Ngoài ra còn có đại diện hơn 20 hãng hàng không hàng đầu của Trung Quốc cũng sẽ tham gia vào các cuộc họp trực tuyến, do các hạn chế đi lại hiện tại, bao gồm Air China, China Eastern, China Southern và Hainan Airlines.

Sự kiện cũng sẽ quy tụ hơn 25 diễn giả từ các hiệp hội thương mại, Ban giám đốc hãng hàng không, sân bay và các bộ, ngành của Chính phủ trong ba ngày diễn ra các hoạt động chính thức của diễn đàn, để cung cấp hơn 15 giờ hội thảo, tọa đàm nhằm đề ra kế hoạch hành động cho các đại biểu.

Các chủ đề sẽ được trao đổi tại sự kiện bao gồm, tác động của COVID-19 đối với hành vi của người tiêu dùng và xu hướng du lịch, và các chiến lược hiệu quả nhất để khôi phục nhu cầu thị trường.

Sẵn sàng cho Routes Asia 2022

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban tổ chức sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 Trần Phước Sơn chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam đăng cai sự kiện Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022. Từ sự kiện này, Đà Nẵng sẽ tiếp tục khẳng định với các đại biểu quốc tế là một điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, là trung tâm phát triển hàng không, du lịch năng động của Việt Nam và khu vực. Chúng tôi đã sẵn sàng mọi công tác chuẩn bị chào đón Diễn đàn phát triển đường bay châu Á đến với thành phố Đà Nẵng.”

Routes Asia 2022 - Khôi phục vị thế cho ngành du lịch Đà Nẵng ảnh 2Hành khách quốc tế làm thủ tục trước giờ bay đi Singapore tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Mặc dù việc đi lại bị hạn chế do dịch bệnh ở một số nước, song triển vọng giao thông của ngành hàng không trong khu vực vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều này đã tạo động lực để Đà Nẵng tự tin thúc đẩy các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay nhằm tăng công suất lên 28 triệu hành khách vào năm 2030 và tăng 200.000 tấn hàng hóa vào mỗi năm.

Qua việc đăng cai sự kiện Routes Asia 2022, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đang từng bước kích hoạt ngành du lịch địa phương và định vị thành phố biển như một trung tâm kinh doanh, đổi mới, logistics, tài chính và văn hóa trong thập kỷ tới.

Ông Steven Small, Giám đốc thương hiệu Informa Routes, cho biết: "Chúng tôi tự hào đã có thể tập hợp rất nhiều thành viên của cộng đồng hàng không – du lịch, mặc cho các hạn chế đi lại vẫn hiện hữu. Routes cũng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số vào sự kiện để phục vụ các đối tác không thể tham dự trực tiếp. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình, với tư cách là một doanh nghiệp, để hỗ trợ khu vực này trong quá trình phục hồi đang tiếp diễn."

Kết nối, xúc tiến phát triển đường bay

Diễn đàn với hơn 1.500 cuộc gặp gỡ giữa các đối tác đã được hẹn trước trên hệ thống của Routes Asia. Riêng thành phố Đà Nẵng có 22 cuộc gặp đặt hẹn trước với các đối tác gồm International Airlines Group, AirAsia Group, Thai Vietjet Air, Eva Air, Lion Air, Philippine Airlines, Airports Authority of India (AAI), Malaysia Airlines, Japan National Tourism Organization….

Ngoài ra, còn có các buổi tiếp và làm việc của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với các đối tác, hãng hàng không để xúc tiến mở các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, xúc tiến - quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng đến các thị trường tiềm năng…

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kỳ vọng Diễn đàn phát triển đường bay châu Á sẽ mở ra cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp hàng không nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối, trao đổi khách, sản phẩm du lịch; phục hồi và mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế đến Đà Nẵng; thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hàng không, phát triển công nghệ cao và logistics.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn đối với hoạt động du lịch từ tháng 3/2022, Đà Nẵng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp linh hoạt nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch. Hiện thành phố đang tập trung khôi phục các thị trường trọng điểm đã có các chính sách mở cửa như: Hàn Quốc, Nhật Bản và xúc tiến thị trường ASEAN, Ấn Độ theo lộ trình phù hợp.

Tính đến cuối tháng 5, đã có 9 hãng hàng không khai thác lại 4 đường bay quốc tế gồm Singapore Airlines, Jetstar Asia, Vietnam Airlines (khai thác đường bay Singapore), Thai Vietjet (đường bay Bangkok), Air Asia (đường bay Malaysia), Vietjet Air, Jin Air, T’way, Air Seoul (đường bay Seoul). Tổng số chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng sau khi mở cửa bầu trời quốc tế là 137 chuyến với 16.660 lượt khách.

Ngoài các cuộc gặp gỡ, hội thảo, tọa đàm, các đại biểu sẽ được đi khảo sát sân bay, các điểm đến du lịch, thưởng thức ẩm thực Việt Nam, xem biểu diễn nghệ thuật, tham quan các danh lam thắng cảnh tại Đà Nẵng…

Diễn đàn phát triển đường bay châu Á-Routes Asia 2022 do Công ty Informa Routes chủ trì với sự đồng hành tổ chức của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Công ty cổ phần Thương mại Duy Anh (IPP Travel Retail).

Hiện công tác tổ chức đã được thành phố Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng để tạo ấn tượng tốt đẹp với đại biểu quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động hàng không du lịch quốc tế đến/đi Đà Nẵng và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục