Rủi ro khi tái đàn lợn: Nông hộ đang chờ vaccine và chính sách hỗ trợ

Cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các nông hộ nhỏ vẫn còn đó nỗi lo gặp phải rủi ro sẽ “trắng tay” khi tái đàn mà chẳng may lợn bị dịch bệnh, do đó vẫn cần có các giải pháp hỗ trợ tái đàn.
Rủi ro khi tái đàn lợn: Nông hộ đang chờ vaccine và chính sách hỗ trợ ảnh 1Nông hộ chăn nuôi vẫn còn tâm lý thận trọng trong việc tái đàn lợn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hiện nay, giá lợn hơi đang tăng sát mức 70.000 đồng/kg, với mức giá lợn hơi này thì người nông dân đã có lãi, giúp họ có động lực duy trì sản xuất. Tuy nhiên, đa số những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn rất e dè khi mà thức ăn chăn nuôi đã tăng cao, giá lợn giống cũng tăng và còn chờ đợi vào hiệu quả của vaccine phòng, chống tả lợn châu Phi.

Sản lượng của nông hộ chiếm hơn 50%

Trước đây gia đình anh Kiều Văn Hảo (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) mỗi năm đều nuôi khoảng 30-40 con lợn, trong đó có khoảng 5 con lợn nái, thế nhưng sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ năm 2020 đến nay gia đình chưa dám nuôi lợn trở lại mà sửa chuồng lợn để nuôi 10 con bò.

Anh Hảo chia sẻ nuôi lợn mỗi ngày chỉ mất khoảng 4 tiếng cho ăn, vệ sinh chuồng trại… thời gian còn lại sẽ làm các công việc khác còn nuôi bò thì vất vả và mất nhiều thời gian hơn do phải trồng cỏ, cắt cỏ, trông thả bò… Vẫn biết nuôi lợn nhàn hơn nhưng từ sau dịch bệnh, gia đình anh Hảo đành chuyển sang nuôi bò vì nỗi lo dịch bệnh vẫn sẽ bùng phát trở lại.

Theo ông ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện đối với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, giá thành nuôi lợn vào khoảng 55.000 đồng/kg lợn hơi, còn người chăn nuôi nhỏ phải hơn 60.000 đồng/kg lợn hơi. Việc giá thị lợn hơi tăng cao quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi là tín hiệu đáng mừng, giúp người dân phần nào có tâm lý mong muốn tái đàn.

[Hà Nội mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn]

Tuy nhiên, ông Tống Xuân Chinh cũng chỉ ra một thực tế là từ nay đến cuối năm giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao nên đối với người chăn nuôi nhỏ sẽ còn rất nhiều khó khăn. Do đó nông hộ nhỏ sẽ phải tìm cách giảm chi phí hoặc nếu thua lỗ mãi, không bám trụ được thì phải chấp nhận chuyển đổi nghề.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sản lượng thịt lợn hơi hàng năm là khoảng 3,8 triệu tấn thịt lợn, trong đó sản lượng của các doanh nghiệp chiếm chưa đến 50%, của bà con nông dân chiếm hơn 50%. Như vậy, giá thị lợn tăng cao thì lợi ích sẽ cả doanh nghiệp và người chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Đặc biệt, khi có vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thì các bà con nông dân sẽ được hưởng an toàn dịch bệnh trực tiếp và ngay lập tức. Còn đối với doanh nghiệp thì ngoài sử dụng vaccine họ đang có các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học rất tốt. Như vậy, việc vaccine ra đời sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển chăn nuôi của cả nông hộ và của cả doanh nghiệp,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Rủi ro khi tái đàn lợn: Nông hộ đang chờ vaccine và chính sách hỗ trợ ảnh 2Chăm sóc đàn lợn nái. (Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Giá lợn hơi tăng và sẽ có xu hướng ổn định cho đến Tết khiến những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ như gia đình anh Hảo cũng đang thấp thỏm hy vọng vào hiệu quả của vaccine phòng, chống tả lợn châu Phi khi chính thức được tiêm rộng rãi. Đây sẽ là động lực cho các nông hộ chăn nuôi yên tâm nếu tái đàn trở lại.

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ

Trước đây, Chính phủ có các chính sác hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh như: Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ đối với lợn bị thiệt hại do dịch bệnh là 38.000 đồng/kg; Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi, đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác 30.000 đồng/kg lợn hơi. Trong năm 2020, Chính phủ hỗ trợ áp dụng theo Quyết định số 2254/QĐ-TTg, đối với lợn con, lợn thịt các loại hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác là 35.000 đồng/kg lợn hơi.

Tuy nhiên, kể từ năm 2021 chưa có quyết định quy định mức hỗ trợ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Do đó, các nông hộ nhỏ lại càng lo lắng vì phải chịu nhiều rủi ro sẽ “trắng tay” khi tái đàn mà chẳng may lợn bị dịch bệnh.

“Ngày trước đợt dịch cao điểm cả đàn lợn đều nhiễm bệnh, may mà Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiêu hủy nên gia đình cũng không lỗ nặng. Thế nhưng bây giờ không còn chính sách hỗ trợ nữa nên tôi không dám nuôi lợn trở lại. Đầu tư mua lợn nái, lợn con tái đàn phải gần 100 triệu đồng, rồi giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao, nếu bị dịch nữa thì xác định là mất trắng số vốn bỏ ra, chưa kể đến công sức,” anh Hảo chia sẻ.

Hiểu được nỗi khó khăn của các nông hộ khi chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, theo đó nâng mức hỗ trợ lên 1,25-2 lần cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ xin tách hai phần hỗ trợ thiệt hại cho chăn nuôi và thủy sản quy định riêng trong 1 nghị định. Dự kiến, năm 2023 sẽ có văn bản ban hành chính sách mới để hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi, trong thời gian đó các quy định sẽ tiếp tục được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, ông Tiến nhấn mạnh hiện nay vaccine phòng, chống tả lợn châu Phi đã được kiểm nghiệm, khảo  nghiệm với độ bảo hộ trên 90% và độ dài miễn dịch trên 4-6 tháng phù hợp với chu kỳ nuôi lợn thịt.  Như vậy, đến nay đã có giải pháp xử lý cho các dịch bệnh như: Lợn tai xanh, lở mồm long móng, tả lợn châu Phi để đảm bảo an toàn cho các hộ chăn nuôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục