Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn

Tròn 50 năm trước, trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên thông tấn đã rời Hà Nội, ra chiến trường để bảo đảm dòng tin thông suốt.
Các nữ phóng viên GP10 xúc động trong ngày gặp mặt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Các nữ phóng viên GP10 xúc động trong ngày gặp mặt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười, những giọt nước mắt rưng rưng đã hòa trong không khí xúc động của buổi lễ kỷ niệm 50 năm phóng viên, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ra chiến trường (16/3/1973).

Sáng 16/3, buổi lễ diễn ra long trọng tại Hà Nội. Đến dự có lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam qua các thời kỳ cùng hơn 100 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên GP10 – những người tham gia khóa đào tạo thứ 10 của Thông tấn xã Giải phóng để đi tác nghiệp tại các mặt trận nóng bỏng từ Liên khu V tới cực Nam của Tổ quốc.

Mốc son hào hùng của Thông tấn xã Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã hồi tưởng lại hoàn cảnh lịch sử cách đây đúng 50 năm.

Trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, chuyến tàu xuyên qua những vùng bom đạn chở những phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên thông tấn rời ga Thường Tín lên đường chi viện cho mặt trận.

Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn ảnh 1Bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tặng hoa cho đại diện các phóng viên GP10. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Những thanh niên, sinh viên tuổi đôi mươi với tri thức, lòng yêu nước và trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ đã không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng nhận mệnh lệnh của Trung ương và cơ quan, xa gia đình để lên đường thực hiện nhiệm vụ của những nhà báo-chiến sỹ.

[GP10: Những cán bộ thông tấn xông pha lửa đạn, giữ dòng tin chảy mãi]

“Những dòng tin, bức ảnh nóng hổi của các phóng viên thông tấn được truyền phát về hậu phương, báo tin mừng thắng lợi trên từng bước tiến quân; viết lên bài ca anh dũng, quả cảm của những người lính Cụ Hồ và để Tổng xã truyền đi toàn thế giới thông điệp về cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam,” nhà báo Vũ Việt Trang xúc động.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tri ân những hy sinh to lớn của thế hệ GP10 đã hy sinh xương máu trong quá khứ và những người hiện nay vẫn chịu di chứng của chất độc hóa học và bom đạn. Bà khẳng định đó là sự đóng góp vô giá của các thế hệ làm báo thông tấn đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, ghi những mốc son hào hùng trong trang sử truyền thống vẻ vang của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn ảnh 2Bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh báo chí cho các phóng viên tại căn cứ Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Những phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên trưởng thành trong đạn lửa khi trở về từ chiến trường đã trở thành những nhà báo, kỹ thuật viên kỳ cựu, giữ những trọng trách trong cơ quan, truyền ngọn lửa cống hiến để các thế hệ kế cận viết tiếp trang sử hảo hùng của cơ quan thông tấn quốc gia.

Nhà báo Vũ Việt Trang cho rằng vai trò và vị thế của Thông tấn xã Việt Nam hôm nay được vun đắp, dựng xây bởi các thế hệ đi trước, trong đó có công sức của các phóng viên chiến trường GP10.

Các phóng viên thông tấn có mặt trên mọi miền đất nước, tỏa đi khắp năm châu, dù ở địa bàn hiểm nguy vì bão lũ, thảm họa hay nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; dù ở nơi biên viễn, đảo xa hay vùng chiến sự ở nước ngoài, có phóng viên đã ngã xuống khi tác nghiệp trong thời bình. Nhiều giải thưởng báo chí các cấp, ở cả trong và ngoài nước ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của phóng viên thông tấn.

“Đó là những minh chứng khẳng định lòng quả cảm, sự dấn thân của những phóng viên thông tấn luôn được hun đúc, trao truyền qua nhiều thế hệ,” nhà báo Vũ Việt Trang nhấn mạnh.

Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn ảnh 3Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cùng chung quan điểm, ông Hồ Tiến Nghị, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (1996-2001) khẳng định lực lượng GP10 là “thế hệ vàng” cán bộ nền của Thông tấn xã Việt Nam, đã có mặt khắp mọi miền Tổ quốc ngay trong lúc gian khổ nguy hiểm nhất.

“Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nhận định rằng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tin chiến lược của Đảng và nhà nước. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận thông tin, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Hôm nay, tôi xin nhắc lại để thấy rằng nhận định này rất đúng với thế hệ GP10,” ông Hồ Tiến Nghị nói.

Chia nhau củ khoai, củ sắn... để giữ dòng tin thông suốt

Tại buổi lễ, Trưởng Ban liên lạc khóa GP10, ông Nguyễn Sỹ Thủy, điểm lại lịch sử thành lập khóa GP10.

“Sau những ngày học tập khẩn trương, gần 200 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên hành quân vượt Trường Sơn với những ngày đói cơm, thiếu rau, nhạt muối, trên đầu máy bay kẻ thù ngày đêm quần đảo dội bom, nhưng không một ai nản chí, vẫn tiến ra mặt trận với khí thế ‘xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.’ Trang sử vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam ghi đậm mãi mãi dấu chân của anh chị em trên đường mòn Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao,” ông Nguyễn Sỹ Thủy chia sẻ.

Theo đó, các phóng viên GP10 đã tỏa đi các chiến trường từ Bình Trị Thiên cho đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, có mặt kịp thời phản ánh những tin tức, hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân miền Nam làm náo nức lòng người, cùng cả nước một thời hào hùng, một thời đi vào lịch sử của dân tộc.

“Điểm lại chặng đường 50 năm qua, chúng tôi tự hào rằng GP10 đã góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của Thông tấn xã Việt Nam. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào sức trẻ và lớp trẻ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó, tạo bước đột phá, xây dựng Thông tấn xã Việt Nam trở thành hãng thông tấn quốc gia mạnh, đa phương tiện, tiếp tục giữ vững vị thế là dòng thông tin chủ lực, tin cậy của Đảng và Nhà nước,” ông Thủy bày tỏ.

Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn ảnh 4Các điện báo viên của Thông tấn xã Việt Nam làm việc ở chiến trường. (Ảnh tư liệu)

Đại diện các kỹ thuật viên lên đường ra chiến trường năm 1973, ông Hoàng Văn Tùng, cán bộ kỹ thuật Đài Minh ngữ (thu phát chữ bình thường, không phải mật ngữ) tại Ban Tuyên huấn Khu ủy khu V chia sẻ sự xúc động khi gặp gỡ các đồng đội, ôn lại những ngày tháng gian khổ mà tự hào.

Ông cho rằng GP10 đã vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ nhờ có chỉ đạo mọi mặt của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng, lòng dũng cảm làm người lính đi đầu và tình đoàn kết một lòng giữa những người đồng đội.

“Tình đồng đội lúc đó ví như anh em như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi với nhau từng bát cơm, củ sắn, hạt muối, sống chết có nhau để giữ vững dòng tin được thông suốt từ khi thành lập cho đến ngày toàn thắng,” ông Hoàng Văn Tùng bày tỏ.

Rưng rưng ngày hội ngộ của những cán bộ TTXVN xông pha nơi lửa đạn ảnh 5Nhà báo Triệu Thị Thùy thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cùng chung cảm xúc đó, bà Triệu Thị Thùy, nguyên Quyền Giám đốc Văn phòng Đại diện Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung-Tây Nguyên, kể lại một kỷ niệm mà bà nhớ mãi không quên khi mới bắt đầu gia nhập “đội quân” GP10.

“Lúc đó, trưởng đoàn GP10 là nhà báo Vũ Đảo nói với chúng tôi rằng ở chiến trường thì một củ khoai, một củ sắn, bất kỳ cái gì cũng là của chung, phải biết chia sẻ với tất cả mọi người. Từ lời dặn đơn giản ấy, chúng tôi đã cùng nhau trải qua những giờ phút sinh tồn, tác nghiệp ở các mặt trận, vượt qua những cơn sốt rét rừng khủng khiếp để hoàn thành nhiệm vụ,” bà Triệu Thị Thùy chia sẻ.

Bà từng viết bài thơ xúc động “Bài ca tóc rụng” để tặng cho mình và các nữ đồng nghiệp cùng sống chết với nhau ở chiến trường. Sau những trận sốt rét, mái tóc dài của họ rụng nhiều đến nỗi phải cắt ngắn đi.

Bà cũng bày tỏ sự tự hào khi là một trong những phóng viên cuối cùng ra chiến trường, đưa tin về chiến dịch mùa Xuân thống nhất đất nước. “Đó là những ngày tháng thật sự gian khổ, ác liệt song cũng đầy tự hào. Xin cảm ơn lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam đã tạo điều kiện cho chúng tôi hội ngộ ngày hôm nay,” bà xúc động Thùy nói./.

Ngày 16/3, tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra buổi gặp mặt 50 năm GP10 - khóa đào tạo phóng viên thứ 10 của Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngày 16/3, tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã diễn ra buổi gặp mặt 50 năm GP10 - khóa đào tạo phóng viên thứ 10 của Thông tấn xã Giải phóng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
 Tới nay, đã tròn 50 năm ngày họ lên chuyến tàu rời miền Bắc (16/3/1973), mang theo hành trang là cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ảnh... để chiến đấu và tác nghiệp, giữ cho dòng tin chảy mãi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tới nay, đã tròn 50 năm ngày họ lên chuyến tàu rời miền Bắc (16/3/1973), mang theo hành trang là cuốn sổ, cây bút, chiếc máy ảnh... để chiến đấu và tác nghiệp, giữ cho dòng tin chảy mãi. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đầu năm 1972, chiến sự leo thang, Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: ‘Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.’ (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đầu năm 1972, chiến sự leo thang, Hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa III) đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: ‘Với tinh thần kiên trì kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, phải động viên toàn lực, cố gắng vượt bậc, anh dũng tiến lên, đẩy mạnh kháng chiến.’ (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Trên tinh thần đó, Việt Nam Thông tấn xã tổ chức tuyển chọn, đào tạo lớp phóng viên đặc biệt (GP10) để chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung và Thông tấn xã Giải phóng nói riêng, nhằm đảm bảo cho dòng tin không bị gián đoạn. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tháng 4/1972, gần 150 sinh viên ưu tú của các trường (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao...) được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, tham gia khóa đào tạo phóng viên chiến trường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tháng 4/1972, gần 150 sinh viên ưu tú của các trường (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Ngoại giao...) được tuyển chọn về Việt Nam Thông tấn xã, tham gia khóa đào tạo phóng viên chiến trường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngày ấy, không chỉ học cách tác nghiệp, phóng viên GP10 còn phải học cách sinh tồn và chiến đấu bởi có bảo toàn tính mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngày ấy, không chỉ học cách tác nghiệp, phóng viên GP10 còn phải học cách sinh tồn và chiến đấu bởi có bảo toàn tính mạng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngoài các phóng viên, lực lượng GP10 còn bao gồm các kỹ thuật viên phụ trách vận hành, sửa chữa máy ảnh, máy teletype… phục vụ cho công tác thông tin được thông suốt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ngoài các phóng viên, lực lượng GP10 còn bao gồm các kỹ thuật viên phụ trách vận hành, sửa chữa máy ảnh, máy teletype… phục vụ cho công tác thông tin được thông suốt. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đoàn cựu phóng viên, kỹ thuật viên dâng hương tại phòng tưởng niệm các liệt sỹ đã hi sinh của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đoàn cựu phóng viên, kỹ thuật viên dâng hương tại phòng tưởng niệm các liệt sỹ đã hi sinh của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Có những tiếng cười trong buổi gặp mặt, đan xen là những xúc động khi nhớ về một thời oanh liệt đã qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Có những tiếng cười trong buổi gặp mặt, đan xen là những xúc động khi nhớ về một thời oanh liệt đã qua. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đoàn GP10 thăm phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam, nơi lưu giữ những hình ảnh về thời giữ mạch tin thông suốt trong khói lửa chiến tranh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Đoàn GP10 thăm phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam, nơi lưu giữ những hình ảnh về thời giữ mạch tin thông suốt trong khói lửa chiến tranh. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ai cũng xúc động và tự hào khi nhìn lại bức ảnh vào tháng 3 năm 1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Ai cũng xúc động và tự hào khi nhìn lại bức ảnh vào tháng 3 năm 1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày gian khổ giữ cho dòng chảy tin tức thông suốt mặc mưa bom bão đạn vẫn luôn in đậm trong tâm trí các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những tháng ngày gian khổ giữ cho dòng chảy tin tức thông suốt mặc mưa bom bão đạn vẫn luôn in đậm trong tâm trí các phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bài ca tóc rụng

(Thân tặng các cô gái ở chiến trường)

Cứ mỗi năm ở chiến trường

Mái tóc em lại rụng thêm một ít

Sông Trà Nô sớm ngày em gội tóc

Vẫn vuốt ve như bà mẹ hiền từ

Ru em về những giấc ngủ ngày xưa

Lúc còn thơ ngồi nghe bà kể chuyện

Ngày xửa ngày xưa có con chim nhạn

Rút lông dệt áo cho chồng

Chiếc áo thành, chim nhạn rụng hết lông

Ừ có phải lời nhủ từ thưở trước

Chẳng hạnh phúc nào không có hy sinh

Mái tóc em giờ ngắn ngang lưng

Dù rất nhỏ cũng góp phần hạnh phúc

Rồi một mai khi tuổi già tóc bạc

Em sẽ ngồi kể chuyện giữa cháu con

Câu chuyện mở đầu rằng ngày ấy ở miền Nam

Bà đã gặp những người tóc rụng./.

Triệu Thị Thùy (1973)

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục