Sacombank xử lý được 72.000 tỷ đồng nợ xấu trong 5 năm

Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu ngân hàng.
Sacombank xử lý được 72.000 tỷ đồng nợ xấu trong 5 năm ảnh 1Giao dịch tại Sacombank. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 31/3, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) thông tin sau gần 5 năm tập trung tái cơ cấu theo “Đề án tái cơ cấu Sacombank,” ngân hàng đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án. Đặc biệt, Sacombank đã xử lý được gần 15.900 tỷ đồng lãi dự thu khoanh, tương đương giảm 73,7%.

Trong đó, năm 2021, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, gần 14.100 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (trong đó thuộc Đề án gần 11.800 tỷ đồng) được thu hồi, xử lý. Nếu tính cả những khoản nợ đã bán tài sản để xử lý khoản vay thành công và đang thu theo tiến độ thì tổng doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm 2021 đạt hơn 22.100 tỷ đồng.

Con số này vượt xa so với kế hoạch 10.000 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm gần 20% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo giảm về 1,47%.

[Sacombank dành 20.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng phục hồi sản xuất]

Cũng trong năm 2021, mặc dù đối mặt với bối cảnh vĩ mô nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lợi nhuận trước dự phòng đề án của Sacombank vẫn đạt 12.660 tỷ đồng, song do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí đề án, lợi nhuận trước thuế đạt 4.400 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.

Ngoài ra, tổng tài sản hợp nhất đạt 521.117 tỷ đồng, tăng 6%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 8,9%. Tổng huy động đạt 464.521 tỷ đồng với gần 97% huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Dư nợ tín dụng đạt 388.216 tỷ đồng, tăng 14%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh doanh cải thiện tích cực, trong đó thu thuần dịch vụ đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 16% với sự đóng góp khá lớn từ mảng bảo hiểm, thẻ và ngân hàng điện tử. Chi phí điều hành được kiểm soát chặt chẽ, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ lãi dự thu theo đề án 8.260 tỷ đồng, tăng 46,6% và vượt 87,9% so với mục tiêu tại đề án.

Các chỉ toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số an toàn vốn (CAR) luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn. Quy mô khách hàng thường xuyên giao dịch của Sacombank đến cuối năm 2021 chạm mốc gần 10 triệu. 

Năm 2022, Sacombank sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; đẩy mạnh phát triển công nghệ số trên tất cả các hoạt động trọng yếu; tiếp tục hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục