Samsung Việt Nam sẵn sàng cho lao động tham gia vào nền kinh tế số

Samsung không chỉ chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên gia nhập vào lực lượng lao động thời kỳ công nghiệp 4.0 mà còn góp phần vào hệ sinh thái nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai.
Nhân viên Samsung tham gia chương trình đào tạo Kỹ thuật cao tại công ty. (Ảnh: Linh Trang/Vietnam+)
Nhân viên Samsung tham gia chương trình đào tạo Kỹ thuật cao tại công ty. (Ảnh: Linh Trang/Vietnam+)

Tại Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng Lực lượng lao động sẵn sàng cho Nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam,” đại diện Samsung đã có những chia sẻ về các bước đi chiến lược trong việc  đào tạo, nâng cao năng lực nhằm chuẩn bị tốt nhất cho lực lượng lao động thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Khoảng trống cần được lấp đầy

Tại MSF 2021, các chuyên gia đã nêu ra các vấn đề của Việt Nam xét từ góc độ sẵn sàng, khả năng hội nhập và thích ứng của lực lượng lao động trước những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế số mang lại.

[Thúc đẩy hợp tác xây dựng lực lượng lao động cho nền kinh tế số]

Trước diễn đàn chính ngày 28/10/201, hàng loạt các hoạt động bao gồm hai nghiên cứu và một hội thảo bên lề đã được các bên liên quan triển khai trong suốt hơn 6 tháng.

Là một phần trong chuỗi hoạt động của MSF 2021, nghiên cứu về Thực trạng tham gia của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ công nghiệp 4.0, do Viện Phát triển doanh nghiệp – VCCI và LIGHT đã được thực hiện.

Kết quả cho thấy, xét về sự tham gia của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực lao động phục vụ công nghiệp 4.0, trong số hơn 400 doanh nghiệp được khảo sát, có 80% doanh nghiệp biết được các công nghệ đặc thù cho công nghiệp 4.0 nhưng chưa đến 18% trong số đó hoàn thành việc xây dựng hay triển khai kế hoạch chuẩn bị lực lượng lao động cho cuộc cách mạng công nghiệp này.

Khảo sát trên thực trạng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động trong doanh nghiệp cho thấy có 80% doanh nghiệp trong nghiên cứu chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lao động. Trong số đó, đào tạo nâng cao từ những kỹ năng sẵn có chiếm 65,1%; đào tạo kỹ năng cơ bản cho lao động chưa có kỹ năng chiếm 57,6%; việc đào tạo thêm các kỹ năng mới chiếm khoảng 46,1% và đặc biệt, kỹ năng chuyên biệt bao gồm kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm phục vụ cho công nghiệp 4.0 chỉ chiếm 17,6%. Con số thống kê thể hiện khoảng cách khá lớn từ nhận thức đến hành động của hầu hết doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị cho người lao động của mình gia nhập vào nền kinh tế số.

Samsung Việt Nam sẵn sàng cho lao động tham gia vào nền kinh tế số ảnh 1Các chuyên gia chia sẻ tại MSF 2021. (Ảnh: Linh Trang/Vietnam+)

Từ thực trạng được nêu lên, nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược và lộ trình phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là những doanh nghiệp lớn trong việc dẫn dắt, thúc đẩy việc hợp tác trong đào tạo lao động giữa các bên.

Chiến lược đón đầu thời kỳ mới dựa trên giá trị cốt lõi

Tại MSF 2021, ông Kim Dea Wook – Giám đốc Đào tạo và Phát triển Samsung Việt Nam đã chia sẻ triết lý, chiến lược đào tạo của “gã khổng lồ” này nhằm chuẩn bị cho nhân viên của mình tham gia vào lực lượng lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Kim Dea Wook, triết lý kinh doanh “Con người là số 1” với ý nghĩa “Doanh nghiệp chính là con người” là giá trị cốt lõi quan trọng nhất của Samsung. Samsung đang vận hành các chương trình đào tạo nâng cao năng lực nhân viên và bồi dưỡng nhân tài dựa trên nền tảng hệ thống đào tạo đồng nhất được áp dụng tại Samsung trên toàn cầu. Hệ thống đào tạo của Samsung gồm có 3 trụ cột chính là Core, Leadership và Expertise.

Theo đó, chương trình thuộc hạng mục Core tập trung vào việc chia sẻ các giá trị và văn hóa của Samsung; Leadership tập trung vào việc bồi dưỡng năng lực lãnh đạo dành cho lãnh đạo thế hệ mới trên toàn cầu; Expertise tập trung vào việc bồi dưỡng các chuyên gia có năng lực tốt nhất theo các lĩnh vực.

Đặc biệt, với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chuyên môn tay nghề cao, Samsung đã thành lập nên Trung tâm Đào tạo công nghệ cao Samsung (SATTI) từ năm 2014. Đây là trung tâm đào tạo công nghệ cao thứ 2 của Tập đoàn Samsung trên thế giới và là Trung tâm đào tạo công nghệ cao duy nhất của Samsung ở nước ngoài. SATTI có một hệ thống các chương trình đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực cho các đối tượng cụ thể như kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên sản xuất.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, rất nhiều công nghệ mới được ra đời và ngày càng được ứng dụng nhiều trong sản xuất. Vì vậy, để bắt kịp xu hướng phát triển, trong thời gian tới, SATTI sẽ định hướng để phát triển thêm các chương trình mới liên quan đến các lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn… giúp nhân viên có thể nhanh chóng tiếp cận và đào tạo những kỹ năng cần thiết.

Vẫn theo đại diện của Samsung Việt Nam, một triết lý kinh doanh quan trọng khác đơn vị này luôn theo đuổi là “Đồng thịnh vượng” - sự phát triển của Samsung sẽ không tách rời với sự phát triển chung của các đối tượng liên quan. Trên lĩnh vực đào tạo, Samsung cũng áp dụng các chương trình đào tạo có cùng tiêu chuẩn với Samsung về kỹ năng, kỹ thuật dành cho các nhà cung cấp để tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp cung ứng, từ đó tạo nên sự cùng thịnh bền vững.

Đối với thế hệ tương lai, Samsung cũng triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như chuỗi Trường học Hy vọng áp dụng mô hình giáo dục STEM (phương pháp giáo dục liên môn: Khoa Học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), cuộc thi Solve for Tomorrow (Giái pháp cho tương lai) nhằm trao cơ hội cho thế hệ trẻ tiên phong ứng dụng công nghệ vào trong thực tiễn tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng…

“Với tất cả những nỗ lực của mình, Samsung không chỉ chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên của mình gia nhập vào lực lượng lao động thời kỳ công nghiệp 4.0 mà còn góp phần tạo nên hệ sinh thái nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong tương lai,” đại diện Samsung Việt Nam chốt lại./.

Diễn đàn đa phương (MSF) 2021 với chủ đề “Hợp tác xây dựng Lực lượng lao động sẵn sàng cho Nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” do Phòng VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung, dưới sự hợp tác kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng - LIGHT tổ chức.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục