Sản lượng năng lượng nhiên liệu hóa thạch của EU thấp chưa từng có

Theo Tổ chức Tư vấn Ember Climate, nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm "tỷ trọng thấp nhất từ trước đến nay trong hỗn hợp năng lượng" của Liên minh châu Âu (EU), ở mức 33%.
Sản lượng năng lượng nhiên liệu hóa thạch của EU thấp chưa từng có ảnh 1Than được lưu trữ tại một nhà máy ở Duisburg, miền Tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sản lượng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm nay, mặc dù các nguồn năng lượng xanh đang vật lộn để lấp đầy khoảng trống.

Tổ chức Tư vấn Ember Climate ngày 29/8 cho biết hoạt động sản xuất than và khí đốt sụt giảm là do mức tiêu thụ điện trên toàn khối giảm 4,6% trong bối cảnh giá điện tăng cao, với nguồn cung khí đốt bị đảo lộn sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo Ember, sản lượng than đã giảm 23%, chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng điện của EU lần đầu tiên trong tháng Năm vừa qua. Mặc dù giá xăng đã giảm từ mức "đỉnh khủng hoảng" trong năm ngoái nhưng vẫn cao gấp đôi so với nửa đầu năm 2021.

Mức tiêu thụ điện giảm là do các biện pháp khẩn cấp được gần như tất cả các thành viên EU thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 3/2023 để đối phó với tình trạng tăng giá - nhà phân tích Matt Ewen thuộc Ember cho hay.

Nhu cầu công nghiệp, đặc biệt là ở Đức, cũng đã giảm trong giai đoạn này. Nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm "tỷ trọng thấp nhất từ trước đến nay trong hỗn hợp năng lượng" ở mức 33% - theo Ember.

Mức độ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại các nước như Bồ Đào Nha, Áo, Bulgaria, Estonia và Phần Lan giảm nhiều nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khoảng 30%. Ember cảnh báo việc nhu cầu giảm, dẫn đến việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm, là không “bền vững.”

[Hậu quả thảm khốc nếu thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch]

Việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn thay thế cần phải diễn ra nhanh hơn, vì nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong tương lai. Sản lượng điện Mặt Trời đã tăng 13% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022, trong khi năng lượng gió tăng 4,8%.

Tại Đan Mạch và Bồ Đào Nha, năng lượng tái tạo chiếm hơn 75% tổng nguồn điện; còn ở Hy Lạp và Romania, nguồn năng lượng tái tạo lần đầu tiên vượt quá 50% nguồn cung.

Tuy nhiên, mức tăng năng lượng sạch vẫn không đủ để bù đắp khoảng trống do sự sụt giảm nhiên liệu hóa thạch để lại. Cần có một sự thúc đẩy lớn, đặc biệt là trong năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, để củng cố nền kinh tế bền vững trên khắp châu Âu - theo báo cáo của Ember.

Mới đây, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường của Đại học Pennsylvania (Mỹ), Michael E. Mann, cảnh báo nếu không có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả, thế giới có thể rơi vào tình huống không thể kiểm soát các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và cuộc sống của con người.

Nhiều khu vực trên thế giới đang gặp phải các hiện tượng thời tiết cực đoan: Nhiệt độ vượt quá 50°C ở Mỹ và Trung Quốc, khoảng 45 °C tại Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp, cùng với những trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại Hàn Quốc, những vụ cháy rừng hoành hành ở Canada và kỷ lục nhiệt độ chưa từng thấy của Bắc Đại Tây Dương.

Tháng Bảy vừa qua có thể sẽ là tháng nóng nhất từ trước đến nay, sau tháng Sáu.

Các tác động sẽ tiếp tục tồi tệ hơn và diễn ra ở khắp nơi trên thế giới, nếu con người vẫn tiếp tục sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt… và phát thải khí nhà kính.

Điều quan trọng bây giờ là tốc độ giảm phát thải. Đó là lý do vì sao Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đề cập đến việc giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và đạt mức 0% vào giữa thế kỷ này, để có thể tránh được sự nóng lên quá 1,5°C.

Theo chuyên gia Michael E. Mann , việc đạt được giới hạn nhiệt độ tăng không quá 1,5°C là một mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và "vách đá" này hoàn toàn có thể vượt qua nếu có sự quyết tâm hành động của toàn thế giới.

Báo cáo thường niên Đánh giá Thống kê Năng lượng Thế giới công bố cuối tháng Sáu vừa qua cho thấy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 1% trong năm ngoái, và đà tăng trưởng cao kỷ lục của năng lượng tái tạo không làm lay chuyển vị thế vượt trội của nhiên liệu hóa thạc - vốn vẫn chiếm 82% nguồn cung năng lượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục