"Sao đổi ngôi" trên thị trường công nghệ tài chính Trung Quốc

Việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát với doanh nghiệp tài chính công nghệ đồng nghĩa với cán cân quyền lực trong ngành tài chính khổng lồ sẽ được đẩy về phía hệ thống ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.
"Sao đổi ngôi" trên thị trường công nghệ tài chính Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Theo Bloomberg, đã 8 tháng trôi qua kể từ lần xuất hiện trước công chúng gần đây nhất của Jack Ma, vị doanh nhân nổi tiếng nhất Trung Quốc. Đây cũng là khoảng thời gian mà giá trị của tập đoàn Ant Group thuộc sở hữu của ông sụt giảm đến 70 tỷ USD.

Giới quan sát cho rằng 70 tỷ USD là một ước tính khá lạc quan về những thất thoát mà Ant Group đã ghi nhận kể từ khi vị doanh nhân 56 tuổi lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, và sau đó là việc giới chức Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn kế hoạch Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn này. Các chi phí thực tế hiện vẫn đang được cập nhật.

Một thời kỳ biến động lớn

Theo một số nguồn tin thân cận, một nhóm các cơ quan quản lý tài chính lớn nhất Trung Quốc đã yêu cầu Giám đốc điều hành Ant Group Eric Jing và các nhân viên báo cáo đều đặn về tiến trình cải tổ doanh nghiệp theo yêu cầu của nhà nước.

Các kế hoạch mới của Ant Group giờ đây cần có sự cho phép của các quan chức nhà nước. Theo một nguồn tin ẩn danh, các nhà cầm quyền đã cân nhắc về khả năng sẽ "cài cắm" một đại diện từ phía chính phủ vào hàng ngũ điều hành cấp cao của Ant Group để kiểm soát hoạt động của tập đoàn.

Không chỉ Ant Group, kịch bản tương tự đang xảy ra với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, nơi sở hữu những thuộc tính được cho là xung đột với mục tiêu và tham vọng của nước này.

Hậu quả là, quá trình mà các nhà quản lý mô tả là "cải chính" đang được tiến hành, khiến hoạt động tài chính của nhiều "gã khổng lồ" như Tencent Holdings, JD.com, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và Didi Chuxing bị ảnh hưởng.

Lâu nay, giới chức Mỹ và châu Âu vẫn tự hỏi rằng họ cần ứng phó như thế nào với các công ty công nghệ lớn đã tích lũy được rất nhiều quyền lực, và câu trả lời từ phía Trung Quốc chính là giành lấy quyền kiểm soát đối với những doanh nghiệp này.

Trong lĩnh vực tài chính công nghệ, điều này có nghĩa là buộc những "ngôi sao mới nổi" như Ant Group phải hoạt động như những ngân hàng truyền thống. Bằng cách này, cán cân quyền lực trong ngành tài chính khổng lồ sẽ được đẩy về phía hệ thống ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.

Bắc Kinh cho rằng những công ty công nghệ tài chính (fintech) và Internet lớn của nước này đang lạm dụng sức mạnh thị trường của họ. Do đó, Chủ tịch Tập Cận Bình vừa muốn điều khiển nhân tố đổi mới lại vừa không muốn làm mất đi sự sáng tạo của họ, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tài chính mà không làm giảm lợi nhuận kinh tế.

Lúc này, câu hỏi đặt ra là liệu ông có làm được điều đó?

"Vòng kiềm tỏa" đối với các fintech

Ant Group và các công ty đối thủ đã chịu tổn thất nặng nề. Tầm ảnh hưởng của họ bị kiểm soát chặt chẽ và trong tương lai chắc chắn họ sẽ không thể có nhiều lợi nhuận như trước đây.

Theo dự đoán của đơn vị nghiên cứu độc lập Bloomberg Intelligence thuộc Bloomberg, hoạt động cho vay trực tuyến đối với hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ sụt giảm đến 23% trong 5 năm tới. Ngoài ra, dòng tiền chảy vào kênh đầu tư của các nền tảng công nghệ tài chính cũng chịu ảnh hưởng tương tự.

Liao Ming, đồng sáng lập Prospect Avenue Capital, công ty quản lý tài sản trị giá 500 triệu USD ở Bắc Kinh, nhận định: "Chúng ta đang đối mặt với một thời kỳ biến động lớn. Khi Bắc Kinh điều chỉnh chính sách đối với các ‘gã khổng lồ’ công nghệ, sẽ có những chính sách quản lý gắt gao hơn mang tính dài lâu. Sự ưu tiên của Bắc Kinh đã thay đổi."

[Điều gì đang xảy ra đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc?]

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 1/2020, khi ông Jack Ma công khai chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu và các quan chức ngành ngân hàng rằng sự lỗi thời của họ đã "bóp nghẹt" tính sáng tạo.

Hơn một tuần sau đó, sự kiện IPO của Ant Group đã phải dừng lại. Song song với đó, chính quyền bổ sung thêm quy định mới trong nhiều khía cạnh từ cho vay tiêu dùng đến đòn bẩy tài chính hay sự độc quyền trong thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông nhà nước đã tận dụng sự phẫn nộ của người dân đối với những "ông trùm" siêu giàu có của Trung Quốc để chỉ trích họ đã đẩy những người lao động trẻ tuổi và người nghèo vào cảnh nợ nần.

Tiếp theo đó, hàng chục công ty công nghệ được thông báo rằng họ có thể phải tái cơ cấu bộ phận tài chính, trở thành những bộ phận tương tự như ở các ngân hàng và chịu sự quản lý của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương).

Theo đó, từ cách thu thập và sử dụng thông tin khách hàng tới cách cho vay và đối tượng cho vay cũng như hoạt động ở nước ngoài và cơ cấu sở hữu doanh nghiệp, tất cả đều được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ.

"Nạn nhân" đầu tiên là Ant Group. Mảng kinh doanh béo bở nhất của tập đoàn này - bao gồm việc liên kết với ngân hàng để cung cấp các khoản vay trực tuyến nhỏ cho người mua hàng - bị giới hạn tối đa ở mức 300 tỷ nhân dân tệ (46 tỷ USD) cho mỗi lần cấp mới, so với con số lớn gấp đôi và thậm chí cao hơn của một năm trước đó, theo chuyên gia phân tích Shujin Chen thuộc ngân hàng đầu tư Jefferies có trụ sở tại Hong Kong.

Cùng với đó, những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước từng là đối tác với các công ty công nghệ tài chính cũng có xu hướng rút khỏi các hợp đồng hợp tác. Joel Gallo, Giám đốc điều hành của văn phòng tư vấn Columbia China League tại Quảng Châu, cho biết: "Cán cân quyền lực đã thay đổi bởi các cơ quan nhà nước giờ đây đang tỏ ra cảnh giác hơn bao giờ hết với hoạt động của các công ty công nghệ tài chính."

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các "ông lớn" về công nghệ của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều biến động hơn nữa. Ant Group và địch thủ Tencent đã được lệnh phải cắt đứt "những liên kết không phù hợp" từng giúp các nền tảng thanh toán phổ biến của họ (như AliPay của Ant Group và WeChat Pay của Tencent) thu hút lượng người dùng lên đến 1 tỷ người, để hướng tới các dịch vụ có giá trị hơn như cho vay và quản lý quỹ.

Mặc dù vậy, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể quyết định được cách mà hai công ty thống trị lĩnh vực thanh toán trực tuyến này có thể điều hướng người dùng trên các phần mềm của họ, và cách sử dụng lượng thông tin khổng lồ mà họ thu thập được.

PBoC đang cân nhắc về những luật lệ chống độc quyền mới trong thanh toán trực tuyến, đồng thời cố gắng tung ra một kế hoạch nhằm kiểm soát lượng dữ liệu mà những nền tảng thanh toán kể trên thu thập được.

Zennon Kapron, Giám đốc điều hành của văn phòng tư vấn Kapronasia của Singapore, cho biết: "Chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc quá muộn để ngăn chặn việc Alipay và Tencent chiếm lĩnh ngành công nghiệp này. Mặc dù họ đều là những nhà vô địch ‘cây nhà lá vườn’ song Trung Quốc muốn hướng tới một thị trường cân bằng hơn."

Những thay đổi đột ngột này đang mang lại không ít sự bất mãn. Lion Niu, Giám đốc điều hành của công ty tuyển dụng CGL có trụ sở tại Bắc Kinh, cho hay một số nhân viên của Ant Group, bao gồm cả các giám đốc điều hành cấp cao, đang tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm mới giữa bối cảnh giá cổ phiếu của tập đoàn ngày càng giảm.

Giám đốc điều hành Ant Group Eric Jing, người đã lên nắm quyền sau khi cựu CEO Simon Hu bất ngờ từ chức vào tháng 3/2021, đã hứa với các nhân viên rằng tập đoàn này cuối cùng sẽ được niêm yết. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định rõ những biến động gần đây sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị của Ant Group.

Tập đoàn dịch vụ tài chính Fidelity Investments, đơn vị hiện nắm giữ khoảng 0,14% cổ phần của Ant Group, đã giảm ước tính về giá trị của Ant Group từ 295 tỷ USD xuống chỉ còn 144 tỷ USD. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Alibaba, tập đoàn mẹ sở hữu khoảng 1/3 số cổ phần tại Ant Group, đã giảm tới 30% giá trị kể từ tháng 11.

Hồi tháng Ba, giá cổ phiếu của Tencent đã tuột dốc sau khi một báo cáo của hãng thông tấn Bloomberg cho rằng bộ phận tài chính của họ sẽ phải sáp nhập vào một tổng công ty dưới sự chỉ đạo bởi ngân hàng trung ương.

Thông tin này đã "quét" khoảng 37 tỷ đô la giá trị thị trường của Tencent chỉ trong một ngày. Hai tháng sau đó, truyền thông địa phương thông báo về định hướng cải tổ doanh nghiệp của các cơ quan quản lý.

Các ngân hàng truyền thống được hưởng lợi

Joel Gallo, Giám đốc điều hành của văn phòng tư vấn Columbia China League, nhận định: "Những điều luật mới đã phần nào tước đi sự bất khả xâm phạm lâu nay của các công ty công nghệ tài chính."

Trong khi đó, các ngân hàng lớn lại đang tận dụng những lợi thế này. Trong năm 2020, các ngân hàng đã đầu tư tổng cộng 31 tỷ USD vào fintech. Tại ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới tính về tài sản, chi tiêu đã tăng vọt tới 40%.

Trong năm này, ICBC đã tuyển dụng thêm 800 nhân viên mảng công nghệ, đưa lực lượng lao động trong mảng này lên con số 35.400 người. Ngoài ra, ứng dụng thanh toán trực tuyến của ICBC đang ngày càng giống với Alipay, trong đó tích hợp những lựa chọn về du lịch, giải trí và ăn uống với hàng loạt dịch vụ tài chính khác để phục vụ 416 triệu người dùng.

Giá cổ phiếu của ngân hàng China Merchants Bank, có trụ sở tại trung tâm công nghệ của Thâm Quyến, đã tăng vọt gần 60% sau khi IPO của Ant Group bị trì hoãn. Giữa lúc Ant Group được định hướng phải thu nhỏ Quỹ thị trường tiền tệ (một quỹ tương hỗ mở đầu tư vào chứng khoán nợ ngắn hạn) từng là lớn nhất thế giới, China Merchants Bank lại mở rộng các sản phẩm đầu tư vốn chỉ phục vụ cho người giàu đến cả các khách hàng đại chúng với số tiền đầu tư ít nhất là 100.000 nhân dân tệ.

Điều này giúp tài sản trong lĩnh vực bán lẻ của China Merchants Bank tăng kỷ lục 650 tỷ nhân dân tệ trong quý đầu tiên của năm nay, lên 9.600 tỷ nhân dân tệ.

Những ngân hàng truyền thống của Trung Quốc vốn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá những khách hàng không có lịch sử tín dụng hay tài sản thế chấp. Trong bối cảnh đó, các nền tảng như của Ant Group mang tới sự đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay bằng cách sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ hệ thống thanh toán, mạng xã hội và những nguồn khác để đánh giá tín nhiệm của người vay.

Ngay cả khi những nhà quản lý yêu cầu 13 nền tảng lớn nhất thu nhỏ hoạt động tài chính của mình, họ vẫn phải công nhận vai trò tất yếu của những fintech này trong việc nâng cao hiệu suất và mức độ truy cập, đồng thời giảm thiểu chi phí thanh toán.

Đâu là điều người dân mong muốn?

Những người dân có điều kiện kinh tế bình thường tại Trung Quốc đang rất cần các khoản vay. Yang Mei là chủ một cửa hàng làm đẹp nhỏ tại thành phố Thành Đô. Tháng Chín năm ngoái, người phụ nữ 30 tuổi này đã vay 5.000 tệ qua Ant Group để mua một số sản phẩm làm đẹp với mức lãi suất 185 nhân dân tệ trong 3 tháng, tương đương 14,8% mỗi năm, một mức được cho là hợp lý.

Chị Yang Mei cho biết chị thường không muốn vay từ các nguồn khác Ant Group bởi chị tin tưởng vào tập đoàn này. Tuy nhiên, ý định vay thêm để mở rộng kinh doanh của chị đã phải hoãn lại sau khi Ant Group buộc phải giảm bớt quy mô cho vay.

Tương tự, Li Lin, 40 tuổi, chủ sở hữu một nhà máy chế biến thực phẩm tại Tứ Xuyên chuyên sản xuất các mặt hàng bơ sữa và nước chấm lẩu, cho biết anh đang gặp khó khăn trong việc vay từ các ngân hàng truyền thống.

Theo anh Li Lin, ngay cả những ngân hàng địa phương cũng không hào phòng chút nào với người sở hữu doanh nghiệp nhỏ lẻ, những người không được coi là khách hàng tiềm năng. Anh cho biết anh và những doanh nhân khác sẽ tiếp tục sử dụng những dịch vụ cho vay trực tuyến nhỏ lẻ chưa rơi vào tầm ngắm của các nhà quản lý.

Anh Li cho biết: "Các công ty nhỏ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn được hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng nhà nước. Cùng với đó, chi phí cho vay là quá cao. Điều này khiến việc điều hành doanh nghiệp gặp vô vàn thách thức"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục