Sập dầm cầu Chợ Đệm do công nhân sơ xuất

Sau một tuần xảy ra tai nạn sập dầm cầu Chợ Đệm thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, chiều ngày 17/3, Bộ Giao thông Vận tải kết luận nguyên nhân của tai nạn này là do sơ suất của công nhân.

Sau một tuần xảy ra tai nạn sập dầm cầu Chợ Đệm thuộc Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, chiều ngày 17/3, Bộ Giao thông Vận tải kết luận nguyên nhân của tai nạn này là do sơ suất của công nhân.

Đoàn công tác chỉ đạo khắc phục tai nạn lao động tại cầu Chợ Đệm, do ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra hiện trường từ ngày 11–12/3 và đưa ra kết luận nói trên.

Theo đoàn kiểm tra, vào chiều 10/3, khi dầm số 9 đã được đặt an toàn vào gối cầu cao su, công nhân Trần Văn Thảnh yêu cầu công nhân Trần Đình Trung nâng đầu dầm trên trụ P8 để điều chỉnh vị trí đầu dầm và gối tại trụ P8.

Trong quá trình nâng hạ dầm số 9 xuống gối cao su, dầm gánh đã bị dịch chuyển, điểm tỳ giữa dầm gánh và dầm số 9 bị lệch ra ngoài trục dọc dầm bê tông cốt thép dự ứng lực 42m. Do cả hai công nhân đều đứng trên đỉnh trụ nên không quan sát được hiện tượng này (chiều cao dầm số 9 là 1m90), đồng thời cũng sơ suất không kiểm tra lại vị trí của dầm gánh đã cho nâng 1 đầu dầm trên trụ P8 (trong khi đầu dầm phía trên trụ P9 vẫn kê trên gối cao su).

Việc đầu dầm gánh bị lệch ra khỏi trục dọc dầm bê tông dự ứng lực 42m nên khi nâng đã tạo ra mômen theo phương ngang dầm gây lắc và rung mạnh dầm theo trục ngang. Khi thấy dầm bị lắc, rung do mất bình tĩnh, công nhân Trung đã cho hạ dầm đột ngột xuống gối tạo thêm lực quán tính làm mất ổn định ngang của phiến dầm. Phiến dầm bị đổ ngang và gẫy kéo theo sự sập đổ của toàn bộ hệ thống pooctích nâng hạ dầm.

Hệ thống này đổ đè vào dầm dẫn và dầm số 10 làm dầm 10 bị nghiêng và kẹp giữ dầm số 10 ở vị trí nghiêng khoảng 150. Tại hiện trường, hiện trạng dầm số 9 bị rơi và dầm số 10 bị nghiêng phản ảnh đúng quá trình này.

Như vậy, kết luận ban đầu nguyên nhân của tai nạn này là do sơ suất của công nhân khi thao tác và phối hợp trong điều chỉnh nâng hạ dầm.

Đoàn công tác cũng đã kiểm tra toàn bộ các hồ sơ chứng chỉ thí nghiệm, kiểm tra chất lượng hai dầm số 9 và số 10 do Tư vấn giám sát (Công ty Q.C.I, Cuba) cung cấp. Kết quả cho thấy hai phiến dầm này có chất lượng đạt yêu cầu và cho phép lắp đặt.

Sau sự cố, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo giải phóng dầm số 10 đang có nguy cơ mất an toàn vào vị trí an toàn, sau đó sẽ tiến hành xử lý tháo dỡ phiến dầm số 9 để thông thoáng lòng sông đảm bảo cho các phương tiện đường thủy qua lại an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục