Sáu căn cứ để từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm

Theo nghị định của Chính phủ mới ban hành về đăng ký giao dịch bảo đảm, có 6 căn cứ để cơ quan đăng ký giao dịch từ chối đăng ký.
Theo Nghị định số 83/2010/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành về đăng ký giao dịch bảo đảm, có 6 căn cứ để cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký.

Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký khi có một trong 6 căn cứ: không thuộc thẩm quyền đăng ký; hồ sơ đăng ký không hợp lệ; người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí đăng ký hoặc không thanh toán lệ phí đúng thời hạn;

Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký giao dịch bảo đảm; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký; khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo.

Cũng theo nghị định trên, các giao dịch bảo đảm phải đăng ký là thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố tàu bay, thế chấp máy bay; thế chấp tàu biển; các trường hợp khác nếu pháp luật có quy định.

Người yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phải nộp phí cung cấp thông tin; khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm phải nộp phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên.

Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay. Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp tàu biển.

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển và các tài sản khác không thuộc thẩm quyền đăng ký của các cơ quan quy định tại các điểm nêu trên.

Theo quy định cũ, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm được nộp theo một trong các phương thức nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đăng ký; gửi qua đường bưu điện.

Theo quy định mới, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm còn được gửi qua fax hoặc gửi qua thư điện tử với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản với điều kiện người yêu cầu đăng ký đã đăng ký khách hàng thường xuyên tại Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; hoặc gửi qua hệ thống đăng ký trực tuyến.

Cá nhân, tổ chức có quyền đăng ký giao dịch bảo đảm thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến. Đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến là thông điệp dữ liệu điện tử và có đầy đủ các nội dung thuộc diện phải kê khai theo mẫu. Đơn yêu cầu đăng ký trực tuyến có giá trị pháp lý như đơn giấy. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm qua hệ thống đăng ký trực tuyến không có giá trị pháp lý trong trường hợp đăng ký không đúng thẩm quyền của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nội dung đăng ký vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Cơ quan quản lý hệ thống đăng ký trực tuyến có trách nhiệm cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho cá nhân, tổ chức, nếu có yêu cầu. Cá nhân, tổ chức có tài khoản đăng ký trực tuyến phải bảo vệ và chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài khoản của mình.

Hộ gia đình, cá nhân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp qua các thời kỳ và cư trú tại các xã, thị trấn ở xa huyện lỵ thì được lựa chọn đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc đăng ký thế chấp tại Ủy ban Nhân dân xã, nếu văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện ủy quyền đăng ký thế chấp.

Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm được lưu trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm ngay trong ngày nhận đơn yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ. Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết đơn yêu cầu cung cấp thông tin thì cũng không quá 3 ngày làm việc.

Nghị định mới của Chính phủ  về đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/9/2010 và thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục