Số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh

Theo Vasep, khó khăn về vốn và nguyên liệu cùng với tăng chi phí sản xuất khiến số doanh nghiệp xuất khẩu giảm từ 800 xuống còn 473.
Ngày 12/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị thường niên của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã được tổ chức.

Tại hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù ngành thủy sản Việt Nam đang phải đổi mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm tới 40% so với năm 2011, tuy nhiên những doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” này sẽ có bước phát triển ổn định hơn, hình thành cộng đồng doanh nghiệp có khả năng đối phó với những khó khăn hơn nữa.

Đã có sự phân hóa rõ rệt

Theo Vasep, khó khăn về nguồn vốn và nguyên liệu cùng với sự gia tăng chi phí sản xuất khiến số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu giảm từ 800 xuống còn 473 doanh nghiệp. Tuy nhiên số doanh nghiệp không xuất khẩu trong quý I năm nay hầu hết là doanh nghiệp thương mại với doanh số rất thấp nên không gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản.

Trong khi đó, kim ngạch của các doanh nghiệp lớn cao hơn so với năm ngoái, TOP 10 doanh nghiệp quý I/2011 chỉ chiếm 18,5% doanh số, nhưng năm nay tăng lên 20,5%, điều này cho thấy đã có sự phân hóa mạnh trong quy mô và năng lực quản trị của các doanh nghiệp thủy sản.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Vasep cho biết, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng hàng loạt doanh nghiệp phá sản do hoạt động không hiệu quả, thiếu hụt nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng, rào cản kỹ thuật… trong khi nhiều nhiều doanh nghiệp đầu tư trái với ngành hàng của mình như địa ốc, bất động sản khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề vốn.

Ông Hải cho rằng, quy luật đổ vỡ là bình thường và cứ để nó phát triển theo lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn còn doanh nghiệp phát triển tốt không lao vào các lĩnh vực trái ngành, điển hình là 20 doanh nghiệp trong tốp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam vẫn đứng vững không có sự thay đổi nhiều, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn cũng vẫn có bước phát triển ổn định. Với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới như hiện nay, việc không đạt 6 tỷ USD trong năm nay không quan trọng.

Cũng đề cập vấn đề nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt (Vasep) cho biết, lãi suất cao trong một thời gian dài đã làm hàng loạt doanh nghiệp suy yếu, hiện chỉ còn khoảng 20% doanh nghiệp ngành cá tra tồn tại và phát triển bình thường, 80% doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn, 30% trong số này ở trạng thái… “hấp hối.”

Từ đầu năm đến nay, các nhà máy không những tiếp cận được các nguồn tín dụng mà còn bị các ngân hàng thúc ép thu hồi nguồn vốn vay trước đó khiến các doanh nghiệp trong ngành tìm mọi cách bán hàng ra một cách nhanh nhất có thể, một mình một chợ mà vẫn phải phá giá, ồ ạt chào bán với giá thấp ở hầu hết các thị trường để kịp đáo nợ. Hậu quả là cá tra nguyên liệu trong nước xuống tới mức nông dân không có lãi, doanh nghiệp muốn thu mua để chế biến nhưng lại chẳng có vốn.

Trước tình hình số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, thành viên danh dự của Vasep, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản nhận định, dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm hướng phát triển, lúc này doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội nếu sắp xếp, cơ cấu lại cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đây được coi là bước đi bình thường bởi doanh nghiệp cũng có lúc khỏe, lúc bệnh.

Cần tái cấu trúc và thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn

Để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep điều cần thiết phải làm là tái cấu trúc ngành thủy sản và và tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Trong tái cấu trúc doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề sản phẩm, nhất là tái cơ cấu về vốn và thay đổi công cụ, phương thức quản lý.

Ông Dũng cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp ngành thủy sản phải thay đổi cách tiếp cận nguồn vốn, chủ động tìm và chia sẻ quyền lợi với các đối tác, nhất là các ngân hàng. Riêng về vấn đề quản trị doanh nghiệp, cách làm từ trước đến nay là hoàn toàn mang tính kinh nghiệm, đây là lúc các doanh nghiệp cần tiếp cận sản xuất có kinh doanh có kiến thức, bài bản và cơ sở hơn, ở đây vấn đề chính là thay đổi con người, kể cả chủ của doanh nghiệp và đội ngũ làm việc.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản, kim ngạch thuỷ sản xuất khẩu đạt kỳ vọng 6,7- 6,8 tỷ USD, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã giao cho Vụ xuất khập khẩu phối hợp với Ngân hàng Phát triển (VDB) ủng hộ các đề nghị của Vasep về gói hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam.

Trên cơ sở này, ngày 7/6/2012, VDB đã gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP. Đó là các kiến nghị: Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xử lý rủi ro vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, cho phép VDB được gia hạn nợ các khoản vay xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng đối với các doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn tạm thời về tài chính, thời gian gia hạn nợ tối đa 2 năm. VDB có trách nhiệm phối hợp với VASEP rà soát và xử lý cụ thể với từng trường hợp để gia hạn nợ, tiếp tục cho vay vốn duy trì sản xuất, xuất khẩu, ổn định việc làm cho người lao động.

Trong khi chờ ban hành quy chế tín dụng xuất khẩu theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, cho phép VDB ngoài việc cho doanh nghiệp vay vốn để thu mua cá trong dân, cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến, có vùng nuôi vay vốn để tự phát triển vùng nuôi, chủ động khâu nguyên liệu và thu hồi dần vốn cho vay theo từng hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thương hiệu đang phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến lao động tại địa phương, ngoài các giải pháp trên đề nghị các cơ quan liên quan và Vasep có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, tài chính, quản trị, tổ chức hoạt động... Các ngân hàng được phép khoanh nợ, tiếp tục cho vay bổ sung vốn lưu động để doanh nghiệp khôi phục sản xuất tạo nguồn thu trả nợ.

Theo Vasep, ước tính hiện các doanh nghiệp thủy sản cần khoảng 5.000 tỷ đồng để mua 200.000 tấn cá tra của dân. Do đó, Hiệp hội đề nghị VDB hỗ trợ các doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu thu mua nguyên liệu cá tra, kỳ hạn vay 4 tháng (2 kỳ hạn cho năm 2012) với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, giải ngân theo tiến độ thu mua./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục