Sơ kết 3 năm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã

So với mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã và nguồn cán bộ thay thế, thực tế mới đạt 61,55%.
Sáng 25/6, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.”

Báo cáo đánh giá cho thấy 3 năm qua, các cấp từ Trung ương đến huyện đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020,” thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã. Các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm và giai đoạn đến năm 2015.

12 đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc 10 bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc tổ chức biên soạn, nghiệm thu và ban hành 26 chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các chức danh cán bộ, công chức xã giai đoạn đến năm 2015 gồm 13 bộ cho các xã vùng đồng bằng và 13 bộ cho các xã miền núi, trung du, vùng dân tộc. Các đơn vị cũng này đã tổ chức hơn 50 lớp bồi dưỡng thí điểm theo chương trình, tài liệu mới biên soạn cho trên 2.000 cán bộ, công chức xã trong cả nước.

Theo tổng hợp báo cáo của 58/63 tỉnh, thành phố, tính đến hết năm 2012, đã có trên 184.600 lượt cán bộ chuyên trách đảng, đoàn thể chính trị-xã hội, chính quyền, công chức chuyên môn xã và cán bộ nguồn bổ sung, thay thế được đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, có trên 22.600 lượt cán bộ, công chức xã được đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, 162.000 lượt được bồi dưỡng.

Đánh giá cao những kết quả đạt được sau 3 năm triển khai, song các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận so với mục tiêu đề ra là bình quân hàng năm đào tạo, bồi dưỡng cho 100.000 lượt cán bộ, công chức xã và nguồn cán bộ thay thế, số lượng được đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn hạn chế, mới chỉ đạt 61,55%.

Bên cạnh đó, theo Đề án được phê duyệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã chủ yếu tập trung vào việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, song, các địa phương vẫn dành nhiều kinh phí vào đào tạo nâng cao trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học cho cán bộ, công chức xã; việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng còn hạn chế. Nhiều địa phương cũng chưa phân biệt rõ kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định 1956/QĐ-TTg với kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thường xuyên hàng năm, do đó bồi dưỡng đối với các chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức xã trong 3 năm qua và đến năm 2015 chưa thực sự sát với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của Đề án.

Nêu thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn chặt với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thành một nhiệm vụ chung của Đề án, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Sầm Văn Mão cho rằng công tác đào tạo cán bộ, công chức xã còn đi chậm so với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dẫn đến việc triển khai các nhiệm vụ đào tạo nghề chưa hiệu quả, không phát huy được kỹ năng nghiệp vụ quản lý Đề án tại địa phương.

Nhiều đại biểu kiến nghị rằng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức xã theo chức danh cần tránh trùng lặp về nội dung; giảm bớt lý luận, tăng thời lượng thực hành. Các bộ, ngành chỉ nên xây dựng chương trình tài liệu khung, sau đó địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế để tổ chức biên soạn lại cho phù hợp với từng đối tượng, tránh lãng phí và tốn thời gian đào tạo lại nhiều lần cùng một nội dung.

Các địa phương đề nghị Bộ Nội vụ hỗ trợ trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của Đề án, đặc biệt là đội ngũ giảng viên kiêm chức; hàng năm cần tổ chức tập huấn giảng viên để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới.

Trong giai đoạn từ năm 2013-2015, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã tại các địa phương và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

Các bộ, ngành tập trung chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hỗ trợ các huyện nghèo, các xã thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ các địa phương về đội ngũ giảng viên theo chuyên ngành; đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức khảo sát, nghiên cứu để xây dựng chương trình bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ, công chức xã./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục