Số liệu kinh tế lạc quan giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai

Yếu tố chính thúc đẩy tâm lý lạc quan của giới đầu tư chứng khoán Mỹ là báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tháng 9/2021 của nước này đã tăng 0,7%.
Số liệu kinh tế lạc quan giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ hai ảnh 1Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao hơn trong phiên 15/10, với các chỉ số chính ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ doanh số bán lẻ tháng 9/2021 của nền kinh tế tốt hơn dự kiến đã giúp thúc đẩy lực mua trên Phố Wall.

Trên thị trường Phố Wall, Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 382,20 điểm (tương đương 1,1%) lên 35.294,76 điểm.

Chỉ số S&P 500 tiến 33,11 điểm (0,8%) và kết thúc phiên ở mức 4.471,37 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 73,91 điểm (0,5%) và đóng cửa ở mức 14.897,34 điểm.

[Chứng khoán thế giới "lao đao" do giới đầu tư lo lắng về lạm phát]

Yếu tố chính thúc đẩy tâm lý lạc quan của giới đầu tư chứng khoán Mỹ trong phiên này là báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tháng 9/2021 của nước này đã tăng 0,7%, trái ngược với dự báo giảm 0,2% trước đó của giới chuyên gia.

Số liệu trên chỉ ra rằng người Mỹ vẫn đang chi đủ tiền để duy trì đà phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19, ngay cả khi họ phải trả nhiều tiền hơn.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần giao dịch khá thất thường.

Trong phiên đầu tuần 11/10, chứng khoán Mỹ giảm điểm giữa lúc giá năng lượng tăng cao tác động xấu đến đà tăng dự kiến lúc đầu của Phố Wall với các chỉ số chính mất điểm.

Chốt phiên này, Dow Jones giảm 0,7% xuống 34.496,06 điểm. S&P 500 cũng giảm 0,7% xuống 4.361,19 điểm trong khi Nasdaq giảm 0,6% xuống 14.486,20 điểm.

Chứng khoán thế giới tiếp tục "lao đao" trong phiên 12/10. Giới đầu tư đang lo lắng về cuộc khủng hoảng năng lượng khiến lạm phát tăng vọt, bên cạnh dấu hiệu suy thoái của nền kinh tế toàn cầu và sự chấm dứt hỗ trợ tài chính của các ngân hàng trung ương.

Phiên này, Dow Jones giảm 0,3% còn S&P 500 sụt mất 0,2%, trong khi Nasdaq chỉ để mất 0,1%.

Sang phiên 13/10, các chỉ số chính của Phố Wall phần lớn tăng điểm trong bối cảnh nhà đầu tư “phớt lờ” lo ngại về lạm phát cao và hướng sự chú ý đến các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khả quan.

Chỉ số Dow Jones đi ngang, trong khi S&P 500 tăng 0,3% và Nasdaq tăng 0,7%.

Tâm lý của nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn, sau một loạt phiên giao dịch khó khăn, nhờ các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tích cực, trong đó có ngân hàng JPMorgan Chase...

Ngoài ra, những số liệu lạm phát mới nhất cho thấy giá cả vẫn đang tăng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong phiên 14/10, những thông tin và số liệu kinh tế tích cực tiếp tục nâng đỡ cho thị trường chứng khoán Mỹ. Chốt phiên này, Dow Jones tăng tới 530 điểm (1,6%), S&P 500  tăng 1,7% còn Nasdaq tăng 1,7%.

Với mức tăng khá tốt trong phiên cuối tuần 15/10, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow tăng 1,6% trên cả tuần, trong khi S&P 500 tăng 1,8% và Nasdaq tiến 2,2%.

Giới quan sát cho hay các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ vẫn trong xu hướng tăng khi một loạt báo cáo thu nhập quý 3/2021 đang đánh bại kỳ vọng của thị trường.

Những báo cáo đáng chú ý nhất đa phần từ các ngân hàng Morgan Stanley MS, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo.

Theo giới phân tích, các ngân hàng được coi là những chỉ báo về “sức khỏe” nền kinh tế. Vì vậy, hiệu quả hoạt động và triển vọng của họ có thể nâng đỡ thị trường và giúp các nhà đầu tư có tâm lý lạc quan hơn.

Tuần tới, một số tên tuổi lớn trên một số lĩnh vực, bao gồm công ty dược phẩm Johnson & Johnson, nền tảng streaming Netflix, nhà sản xuất ô tô điện Tesla, công ty sản xuất chip Intel, sẽ công bố báo cáo kinh doanh hàng quý của mình.

Giới quan sát đang đặt nhiều kỳ vọng vào những báo cáo này, sau khi đợt đầu tiên cho thấy các doanh nghiệp vẫn đứng vững bất chấp những lo ngại về lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, rủi ro đối với thị trường vẫn còn nếu chỉ có một số nhóm doanh nghiệp nhất định báo cáo doanh thu lạc quan.

Ông Jonathan Golub, chiến lược gia trưởng về thị trường chứng khoán Mỹ tại ngân hàng Credit Suisse, cho hay nếu chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp báo cáo doanh số tăng dù cao tới 8-10%, trong khi các công ty lớn lại không có những số liệu mạnh mẽ tương tự, thị trường vẫn sẽ coi đây là một tín hiệu tiêu cực. Khi đó, đà tăng đạt được trong giai đoạn qua có thể đảo chiều đi xuống.

Ngoài các báo cáo thu nhập doanh nghiệp, thị trường cũng sẽ dành nhiều chú ý cho một số báo cáo kinh tế quan trọng được công bố vào tuần tới, bao gồm Báo cáo Sách be của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về nền kinh tế được phát hành vào ngày 20/10; doanh số bán nhà hiện có và cuộc khảo sát ngành chế tạo của Fed chi nhánh Philadelphia vào ngày 21/10, cùng Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của ngành chế tạo và dịch vụ do công ty nghiên cứu thị trường Markit công bố vào ngày 22/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục