Số lượng lớn lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, đã có những chia sẻ về thực trạng số lượng lớn lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong khi việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn.
Số lượng lớn lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác ảnh 1Cán bộ chốt kiểm lâm Phiêng Bung, Tuyên Quang tuần tra, rà soát địa phận rừng thuộc diện quản lý. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Nhiều địa phương đang có số lượng lớn lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác, trong khi đó, việc tuyển dụng lực lượng này cũng gặp không ít khó khăn. Điều này đang gây áp lực cho việc quản lý, bảo vệ rừng.

Xung quanh tình trạng trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Thời gian gần đây liên tục ở các địa phương có thông tin về việc cán bộ kiểm lâm xin nghỉ việc. Xin ông có thể thông tin thêm về tình hình này?

Ông Nguyễn Hữu Thiện: Lực lượng kiểm lâm toàn quốc hiện nay có 11.861 người; trong đó có hơn 2.000 là viên chức còn lại là công chức. Theo quy định lực lượng kiểm lâm là công chức.

Khoảng gần 4 năm trở lại đây có khoảng hơn 1.000 kiểm lâm viên nghỉ việc, trong đó có cả nghỉ hưu, chuyển công tác, có nhu cầu công việc khác…

[Đắk Nông có nhiều kiểm lâm, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng xin nghỉ việc]

Lực lượng kiểm lâm có độ tuổi từ 40-50 chiếm khoảng 20%; trên 50 tuổi chiếm khoảng 15%, còn lại là các độ tuổi khác.

Hiện các chế độ chính sách cho lực lượng kiểm lâm cơ bản đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tế thu nhập của họ còn thấp khi phải làm việc trong môi trường, điều kiện khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng lớn, thậm chí nguy hiểm.

Hiện diện tích rừng đã được giao cho các chủ rừng. Chỉ còn khoảng 2,9ha là rừng đang được tạm giao cho Ủy ban Nhân dân xã quản lý. Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có khoảng trên 300 đơn vị quản lý đều có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Pháp luật đã quy định rõ chủ rừng phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững.

Lực lượng kiểm lâm là lực lượng chấp hành quy định pháp luật về lâm nghiệp và chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng.

Tuy nhiên, hiện nay nhìn nhận của xã hội đôi khi còn chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của kiểm lâm, chủ rừng… Nhiều vụ việc về lâm nghiệp xảy ra có thể do những sai phạm hoặc có thể còn do con người không rèn luyện tu dưỡng. Tuy nhiên, đôi khi các cơ quan báo chí thông tin thường có câu chốt là “lực lượng kiểm lâm liệu có tiếp tay.” Câu nói này là nỗi đau của những người đang nhiệt huyết làm trong ngành lâm nghiệp.

Mọi người vào ngành không phải ai cũng với mục tiêu tiếp tay cho những hành vi sai trái. Mọi người đều mong được cống hiến được xã hội ghi nhận. Ai cũng đều đang cố gắng nỗ lực. Tuy nhiên, khó tránh khỏi nơi nào, ngành nào vẫn có những “hạt sạn."

Những người làm lâm nghiệp mong xã hội, mọi người có cái nhìn đúng, thấu hiểu cho lực lượng kiểm lâm.

Điển hình như gần đây nhất, lượng kiểm lâm ở Quảng Ngãi, Vườn quốc gia Cát tiên khi đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng tại đã bị “lâm tặc” đánh, hành hung làm bị thương nặng.

Các đối tượng khai thác, tàng trữ, vận chuyển trái phép lâm sản ngày càng manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng nếu bị phát hiện. Điều này cũng khiến một phần cán bộ đang làm trong ngành lo lắng.

Trong khi đó, nếu xảy ra một vụ việc nào đó, như có cây rừng bị chặt đốn thì ngay lập tức bị xã hội quy kết là lực lượng kiểm lâm buông lỏng quản lý. Khi một vụ việc xảy ra thì cần tất cả các lực lượng chức năng đều vào cuộc để tìm ra đúng nguyên nhân.

Những người làm sai thì cần phải xử lý đúng theo pháp luật nhưng những người đang yêu ngành yêu nghề cũng cần phải ghi nhận đánh giá những nỗ lực của họ. Họ cũng cố gắng để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, ngăn chặn sự việc xảy ra tránh hậu quả mất rừng.

- Có thể thấy áp lực công việc và cả xã hội đang khiến một bộ phận kiểm lâm xin nghỉ việc?

Ông Nguyễn Hữu Thiện: Lực lượng kiểm lâm nghỉ việc, chuyển nghề cũng giống như các ngành nghề khác chẳng hạn như y tế... Tuy nhiên, với ngành lâm nghiệp rất vất vả, gian lao thì cần phải có tình yêu với nghề.

Hiện một hạt kiểm lâm cấp huyện khoảng 20-30 người nhưng quản lý khoảng 20.000-30.000ha rừng. Trung bình, mỗi kiểm lâm đang phụ trách khoảng hơn 1.000ha rừng.

Nhiều người vẫn đang hiểu kiểm lâm phải chịu trách nhiệm toàn diện về lâm nghiệp. Ở đâu có phá rừng, mất rừng... là ở đó phải là trách nhiệm của kiểm lâm. Trong khi đó, đây lại là trách nhiệm của chủ rừng. Việc hiểu đúng chức năng nhiệm vụ người thực thi pháp luật và lực lượng kiểm lâm còn chưa đủ.

Nhiều nơi, kiểm lâm phải phụ trách trên nhiều khu vực, xa dân cư, đường sá đi lại đồi dốc rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Để tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phải “cơm đùm, cơm nắm,” uống nước suối đi tuần tra cả tuần trong rừng sâu. Mỗi lần đi rừng, đồ đạc, thức ăn mang theo phải ở mức tối giản nhất có thể.

Số lượng lớn lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc, chuyển công tác ảnh 2Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. (Nguồn: Cục Kiểm lâm)

Nhiều trạm kiểm lâm hiện còn thiếu cả nước sạch, không có điện, không có sóng điện thoại, không có tivi… giữa cánh rừng mênh mông nhưng họ vẫn vẫn thầm lặng cống hiến, vẫn yêu nghề và làm việc này. Những kiểm lâm đang làm tốt, đang cống hiến cần có sự động viên để họ gắn bó thêm với rừng.

- Việc tuyển dụng bổ sung cho lực lượng kiểm lâm hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Thiện: Theo chỉ tiêu quy định thì cả nước cần có khoảng 15.000 kiểm lâm. Như vậy, hiện đang thiếu khoảng gần 4.000 kiểm lâm.

Nhiều địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng kiểm lâm nhưng cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là sinh viên ra trường có chuyên ngành lâm nghiệp ngày càng ít đi. Các trường có chuyên ngành lâm nghiệp tuyển dụng để đào tạo được rất thấp. Sinh viên lâm nghiệp ra trường không có được mức lương, thu nhập tương đương so với các ngành nghề khác nên không khuyến khích, thu hút được sinh viên theo học.

Thời gian tới, áp lực về nguồn nhân lực kiểm lâm sẽ tăng lên. Bởi đầu tiên là người được đào tạo không có thì việc tuyển dụng sẽ càng khó. Những người học chuyên ngành lâm nghiệp nói riêng hay nông nghiệp nói chung đòi hỏi tình yêu nghề, yêu ngành và nhu cầu của họ.

Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp đang có những bước đổi mới mạnh mẽ trong tuyển dụng sinh viên. Hy vọng, cùng với những cái nhìn về tình yêu thiên nhiên, yêu rừng sẽ có những chuyển biến tích cực về nhu cầu công việc trong ngành lâm nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục