“Sinh ra ở Việt Nam, tới Pháp năm 11 tuổi dù không biết tiếng Pháp, vài năm sau Stéphanie Đỗ đã trở thành nghị sỹ Quốc hội của 68 triệu công dân. Cô đã đạt tới vị trí này nhờ lòng ngoan cường, ham muốn thành công và cống hiến vì người khác. Không gì có thể làm suy suyển quyết tâm của cô.”
Đó là những lời nhận xét của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dành cho Stéphanie Đỗ, nữ nghị sỹ gốc Việt đầu tiên tại Pháp.
Câu chuyện của Stéphanie Đỗ không chỉ truyền cảm hứng đến những người Pháp ở thời điểm cô đắc cử vào Quốc hội Pháp nhiệm kỳ 2017-2022 mà còn dâng lên niềm tự hào to lớn với những người đồng bào từ Đất Mẹ Việt Nam.
Học để hòa nhập
Stéphanie Đỗ sinh ra tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1979. Ông cố nội của cô là nhà trí thức Đỗ Quang Đẩu (1863-1937). Vì những đóng góp to lớn trong văn chương và giáo dục, ông được đặt tên cho một con đường tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông nội Stéphanie Đỗ là Đỗ Quang Huê (1914-1998), nguyên Chánh án Tòa án Tối cao Bạc Liêu. Cha của cô là Đỗ Quang Thông, giáo viên tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng (trường phổ thông trung học Bùi Thị Xuân ngày nay). Mẹ của Stéphanie Đỗ sinh ra tại Hà Nội, là người kinh doanh buôn bán.
Gia đình cô sang Pháp năm 1991 nhờ chương trình đoàn tụ gia đình bởi lúc đó ông bà của Stéphanie Đỗ đang sinh sống tại Pháp.
Bỏ lại tất cả tài sản ở quê nhà, họ đến Pháp với hai bàn tay trắng. Stéphanie Đỗ đã mất nhiều thời gian để học tiếng Pháp và hòa nhập tại đây.
Cô đã làm bạn với những học sinh cùng cảnh ngộ, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Algeria… Họ dành cho nhau tình thân ái và đoàn kết. Chính tình bạn chân thành cùng sự bảo ban, dạy dỗ của người cha đã giúp cô rất nhiều trong học tập.
“Tôi là người khát khao kiến thức, trong gia đình tôi, ai cũng như vậy. Tôi hiểu sự khác biệt của bản thân khi không thể trò chuyện với bất kỳ ai trên phố. Ở tuổi 11, tôi lao vào học như điên. Học tập trở thành một đam mê và thử thách đối với tôi,” Stéphanie kể.
Cô gái bé nhỏ tự đặt ra mục tiêu phải xuất sắc ở tất cả các môn học. Cô thường học đến 2-3 giờ sáng để nhanh chóng nắm vững tiếng Pháp, đó là cơ sở để học tốt các môn học khác. Chẳng bao lâu, Stéphanie trở thành một trong những người đứng đầu lớp.
Cô tốt nghiệp đại học danh giá École Nationale d’Administration (Đại học Quản lý Quốc gia) - ngôi trường mà Tổng thống Pháp Macron đã theo học. Đây cũng là nơi đào tạo nhiều Tổng thống và Thủ tướng Pháp.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Stéphanie Đỗ cho rằng cô là người yêu thích thử thách. Cô không ở yên trong vùng an toàn mà sẽ luôn tìm cách trải nghiệm những điều mới mẻ. Cô quan niệm rằng mỗi ngày trôi qua mà không học thêm được gì thì ngày đó thật vô ích.
Với suy nghĩ đó, Stéphanie bắt đầu dành sự quan tâm cho chính trị và dần dần được bổ nhiệm làm Giám đốc Dự án Tài chính Kế toán tại Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp. Thời điểm đó, ông Macron đang là Bộ trưởng.
Tham gia các cuộc họp và lắng nghe những khát vọng của ông Macron, Stéphanie bỗng nhận ra rằng mình có suy nghĩ và tầm nhìn giống với vị Bộ trưởng này. Cô tham gia phong trào En Marche (Tiến bước) chỉ với suy nghĩ là cống hiến cho nước Pháp chứ không phải vì một tham vọng chính trị.
[Truyền tải vai trò lịch sử của cộng đồng người Việt tại Pháp]
Ban đầu En Marche chỉ là những cuộc tiếp xúc với người dân, lắng nghe nguyện vọng của họ, sau đó tìm giải pháp cho những vấn đề được nêu ra.
“Nếu đây gọi là chính trị thì tôi làm được,” Stéphanie tự nhủ mà không biết rằng cô ngày càng say mê và bị cuốn vào lĩnh vực này cho đến khi ông Macron trở thành ứng cử viên chính thức của cuộc bầu cử Tổng thống.
Lúc này Đảng Cộng hòa Tiến bước (La République en Marche) thiếu đại biểu nữ, và Stéphanie Đỗ được khích lệ tham gia tranh cử.
“Tôi đã ‘lên thuyền’ từ đầu cuộc phiêu lưu và nắm rõ giá trị cốt lõi trong chương trình hành động của ông Macron. Tôi ra ứng cử mà không nghĩ tới hậu quả, chỉ nghĩ rằng mình đang thể hiện tinh thần đoàn kết với những người bạn đồng hành của mình,” Stéphanie nhớ lại.
Stéphanie đã gặp rất nhiều khó khăn không chỉ vì bản thân là người nhập cư mà còn vì cô mới “chân ướt chân ráo” vào chính trường.
Tuy nhiên, khát vọng của bản thân và sự ủng hộ của gia đình đã trở thành động lực lớn để cô “tiến bước.”
Cô đắc cử đại biểu quốc hội vùng Seine-et-Marne ngày 18/6/2017 và là nữ đại biểu quốc hội gốc Á đầu tiên đắc cử vào Quốc hội Pháp.
Từ khi được bầu vào Quốc hội, cô đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Đoàn Hữu nghị Pháp-Việt trong Quốc hội Pháp, Thư ký phụ trách Kinh tế Đoàn Pháp ngữ. Cô từng tháp tùng Thủ tướng Édouard Philippe nhân dịp ông đến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2018.
Là một đại biểu quốc hội năng nổ, cô luôn mạnh dạn đặt câu hỏi cho Chính phủ và tham gia cải tổ một số bộ luật của Pháp nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Với cộng đồng người Việt tại Pháp, cô sẵn sàng gặp gỡ và nhận lời tham gia mọi hoạt động nhằm quảng bá văn hóa, ngoại giao, thương mại và trên hết là thắt chặt mối quan hệ ngoại giao hai nước.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Stéphanie Đỗ chưa bao giờ sao nhãng nhiệm vụ, luôn nỗ lực tăng cường quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Cô cũng ra sức bảo vệ công dân Pháp trong cuộc chiến chống COVID-19, với vai trò của một nghị sĩ luôn có mặt ở tuyến đầu. Bằng quyết tâm cao độ, cô đã thực hiện mọi nhiệm vụ để xứng đáng nắm lấy những chức vụ cao nhất.
Stéphanie chưa bao giờ nghĩ đến việc kể lại hành trình của mình nhưng sự động viên của người thân, bạn bè đã khiến cô thấy mình phải có trách truyền cảm hứng cho “tất cả những người trẻ quan tâm đến chính trị và muốn trở thành chính trị gia trong tương lai.”
Đó là lý do cô xuất bản cuốn sách “Đường tới Quốc hội của nữ nghị sỹ Pháp gốc Việt đầu tiên,” với lời nhắn gửi “Hãy cùng tôi bước vào địa hạt thấm nhuần ý chí, kiên định, khổ luyện và đầy thách thức nhé.”
Cuốn sách sẽ được Viện Pháp tại Hà Nội giới thiệu trong cuộc tọa đàm tổ chức vào 17h30 ngày 20/10 tại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.
“Là công dân Pháp mang dòng máu Việt, tình yêu của tôi chia đều cả cho Việt Nam và Pháp. Chính vì thế, công việc tôi làm cũng liên quan đến việc thúc đẩy tình hữu nghị hai nước. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực ngoại giao khác nhau, với mong muốn đóng góp sức mình cho hoạt động xây dựng quan hệ hai nước sâu sắc và bền vững," cô bày tỏ./.