Sự bùng nổ của các công ty công nghệ lớn tạo ra thay đổi lâu dài

Năm công ty công nghệ lớn nhất thế giới gồm Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft và Facebook đã thu về tổng cộng 75 tỷ USD lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2021, cao hơn gần 90% so với cùng kỳ năm trước.
Sự bùng nổ của các công ty công nghệ lớn tạo ra thay đổi lâu dài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo tờ Financial Times của Anh, lịch sử đại dịch, bắt đầu từ năm 2020, sẽ phải dành toàn bộ một số chương cho vai trò của công nghệ.

Nếu virus SARS-CoV-2 tấn công sớm hơn một thập kỷ, khả năng kiểm soát sự lây lan của nó thông qua giãn cách xã hội - với việc nhiều người, ít nhất là ở các nước phát triển, làm việc, mua sắm, học hành, giải trí và liên lạc ở nhà - có thể đã thấp hơn rất nhiều.

Đáp ứng sự gia tăng của nhu cầu đó đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ từ các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Nhưng tuần vừa qua cũng đã cho thấy các công ty này đã gặt hái được những phần thưởng lớn cho những nỗ lực của mình.

Năm công ty công nghệ lớn nhất của thế giới gồm Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft và Facebook đã thu về tổng cộng 75 tỷ USD lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2021, cao hơn gần 90% so với cùng kỳ năm trước và hơn 30% so với dự kiến.

Tổng doanh thu của các công ty này tăng hơn 33% lên 332 tỷ USD, ngay cả khi doanh thu của Amazon giảm nhẹ so với kỳ vọng. Ước tính doanh thu cả năm của các "đại gia" công nghệ này sẽ đạt mức 1.300 tỷ USD, gần bằng Tổng sản phẩm quốc nội của Tây Ban Nha.

Những công ty trong một loạt các lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Nhưng những ý kiến cho rằng các công ty công nghệ lớn, đã hoạt động tốt hơn trong thời gian phong tỏa, sẽ bị các doanh nghiệp khác đang phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại "vượt mặt" đã được chứng minh là không có cơ sở.

Thay vào đó, hiệu quả hoạt động của các công ty công nghệ lớn trong đại dịch đang được chứng minh không phải là một sự gia tăng tạm thời, mà là một bước nhảy vọt vĩnh viễn trong quá trình chuyển đổi toàn cầu sang hàng hóa và dịch vụ trực tuyến. Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang diễn ra.

Sự thay đổi đó đã tạo điều kiện cho các công ty công nghệ lớn trong năm qua đảo lộn sự hiểu biết thông thường rằng chỉ các công ty khởi nghiệp mới có thể tạo ra sự phát triển bùng nổ.

Việc đưa lợi nhuận và doanh thu vốn đã dẫn đầu thế giới lên nhiều lần ngang với mức tăng của cổ phiếu đã dẫn đến các công ty này có mức giá trị chưa từng thấy trong lịch sử.

Chỉ đến năm 2018, Apple mới trở thành công ty nghìn tỷ USD đầu tiên của thế giới, nhưng hiện tại cả 5 "đại gia" công nghệ lớn đều đã vượt qua mức đó. Tổng giá trị của 5 "ông lớn" này đã vượt 9.000 tỷ USD.

Tăng trưởng sẽ không thể duy trì mãi được ở mức này, ngay cả những "gã khổng lồ" công nghệ cũng sẽ phải đối mặt với những "cơn gió ngược" trong những quý tới, từ những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho đến tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng. Nhưng sự gia tăng về thị phần và sức mạnh của các công ty công nghệ lớn sẽ tồn tại lâu dài.

Khi đó, áp lực đối với quy định chống độc quyền sẽ ngày càng lớn. Điều này phải được xử lý cẩn thận. Những doanh nghiệp nổi tiếng và thành công không nên bị phạt chỉ vì quá lớn. Vì một số công ty cung cấp dịch vụ miễn phí cho người tiêu dùng (dưới hình thức đổi để lấy dữ liệu cá nhân có lợi) hoặc kéo giá xuống, các quy định chống độc quyền phải đấu tranh không nhượng bộ với các biện pháp thông thường gây hại cho người tiêu dùng để tìm cách giá tăng.

[Lợi nhuận quý 2 của Amazon tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái]

Sẽ cần những cách tiếp cận đổi mới để đánh giá sức mạnh thị trường và hạn chế sự lạm dụng - được xây dựng dựa trên nghiên cứu của các học giả như Lina Khan, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang.

Tốc độ chuyển đổi sang trực tuyến gia tăng cũng có nguy cơ vượt khả năng theo kịp của các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách. Với việc đại dịch vẫn chưa kết thúc, nó đặt ra một thách thức đối với các chính phủ, công ty và cá nhân để tìm cách đối phó với những tác động - cả tích cực và tiêu cực - đối với thế giới công việc, các khu thương mại, quyền riêng tư cá nhân, tin tức và thông tin, thậm chí là dân chủ.

Điều nguy hiểm nữa là nền kinh tế kỹ thuật số thậm chí có thể trở nên mất cân bằng hơn, làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo. Sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chống lại “miễn trừ kỹ thuật số” trong các nền kinh tế phát triển và trong thế giới đang phát triển.

Rõ ràng hơn bao giờ hết, thế giới hậu đại dịch sẽ khác với thế giới trước đây theo nhiều khía cạnh. Và các con số của tuần qua đã nêu bật rằng dấu ấn của các công nghệ kỹ thuật số sẽ là một trong những cái dễ thấy và lâu dài nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục