Trang mạng thehill.com đưa tin, khi thế giới bước vào năm thứ ba của đại dịch COVID-19, một làn sóng biến thể BA.2 của Omicron đang quét qua châu Âu và châu Á, làm gia tăng số ca nhiễm, nhập viện và thậm chí tử vong.
Nguồn gốc của virus gây ra bệnh COVID-19 vẫn là một "ẩn số." Trong khi các quốc gia giàu có đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine liều thứ tư, 1/3 thế giới vẫn chưa được tiêm chủng bất kỳ một liều nào và các phương pháp điều trị cứu sống những người bị nhiễm chỉ được triển khai ở một số quốc gia.
Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới đang phải ứng phó với đại dịch tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ qua, thỏa thuận về việc tạm thời bỏ các quy tắc về quyền sở hữu trí tuệ đối với những bằng sáng chế vaccine COVID-19 - vốn có vai trò quan trọng để phòng ngừa và chấm dứt đại dịch - vẫn là điều nằm ngoài tầm với của các nước.
Trong khi xung đột gia tăng ở Ukraine, giá lương thực và lạm phát tăng vọt tràn ngập tin tức, đại dịch vẫn còn tồn tại và bất chấp những tổn thất và mất mát trong những năm qua, các quốc gia vẫn không có sự chuẩn bị hữu hiệu hơn để có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo.
Điểm mấu chốt là thế giới thiếu các hệ thống toàn cầu hiệu quả để phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với những đại dịch đe dọa đến tính mạng người dân cũng như bảo vệ xã hội và nền kinh tế của các quốc gia trước những cú sốc do đại dịch gây ra.
Ban Hội thẩm Công ước Y tế Công cộng Toàn cầu là một liên minh độc lập gồm các nhà lãnh đạo toàn cầu cam kết tăng cường khả năng của thế giới để ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trước khi chúng trở thành đại dịch.
[Thế giới vẫn còn hơn 42,3 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị]
Cơ quan này đã kêu gọi thiết lập một "Hiệp ước Đại dịch" mới dựa trên những nguyên tắc về đoàn kết, minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng. Những nguyên tắc này đóng vai trò thiết yếu trong việc ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc, những cách thức ứng phó mang tính hô hào mà không thực chất cũng như những biện pháp bất bình đẳng dẫn đến hàng triệu người thiệt mạng mà đáng nhẽ ra họ có thể được cứu sống, hàng nghìn tỷ USD thiệt hại về mặt kinh tế và dẫn đến tình trạng trì trệ không thể bào chữa trong quá trình khôi phục sau đại dịch.
Hiệp ước cần phải từ bỏ những thông điệp mang tính khoa trương trên phạm vi toàn cầu để đưa ra một hệ thống được khích lệ, trong đó đề cao nguyên tắc tuân thủ và có trách nhiệm giải trình. Sự bất lực trong việc kiểm soát sự bùng phát của đại dịch và đưa ra cách ứng phó hiệu quả đối với đại dịch phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu tuân thủ các Quy định Y tế Quốc tế hiện có. Đây là một bộ quy tắc được thiết kế sau đại dịch SARS, cho phép các quốc gia ứng phó nhanh hơn đối với các dịch bệnh mới.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do việc không tuân theo các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chúng ta biết những gì còn cần phải làm. Bây giờ chúng ta phải khẩn trương làm những điều đó.
Cần phải trao nhiều quyền hơn cho WHO để tổ chức này thiết lập các tiêu chuẩn trong công tác chuẩn bị và ứng phó. Đồng thời, như ban hội thẩm nói trên đã đề xuất, cần thiết lập một cơ quan giám sát độc lập để có thể giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình của các quốc gia về việc tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Để một hệ thống như vậy có thể hoạt động hiệu quả và để có thể lấy lại lòng tin đã mất trong hệ thống đa phương cũng như giữa các quốc gia kể từ khi đại dịch bắt đầu, cần phải có một hệ thống quản lý chặt chẽ và minh bạch thông qua một cơ quan bao quát có thể giám sát công tác sẵn sàng và những nỗ lực ứng phó của các nước trên thế giới đối với một đại dịch toàn cầu.
Bắt đầu từ trách nhiệm giải trình
Giống như các quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi sang năng lượng sạch, họ cũng đang ở các giai đoạn khác nhau trong nỗ lực sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Một số quốc gia sẽ yêu cầu nguồn tài chính đáng kể, ước tính hàng tỷ USD, để đạt được mức độ ứng phó theo yêu cầu.
Mặc dù vậy, số tiền nói trên không "thấm vào đâu" khi so sánh với con số hàng nghìn tỷ USD đã được huy động để kiềm chế đại dịch COVID-19 và những hậu quả kinh tế mà đại dịch gây ra.
Rõ ràng, việc đặt ra các mục tiêu để xác định mức độ sẵn sàng và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu sẽ khác nhau tùy theo năng lực và tình hình tài chính của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bất kể khả năng tài chính như thế nào, các nước cần thực hành khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng và có cách tiếp cận tổng thể với sự tham gia của toàn bộ các bộ ban ngành của chính phủ.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đi theo phương thức này. Các quốc gia cam kết sẽ hành động để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với những mục tiêu đầy tham vọng được đề ra theo chu kỳ 5 năm. Tiến bộ của hành động và mục tiêu được đo lường thông qua các đánh giá độc lập.
Giống như việc các quốc gia cần phải chịu trách nhiệm nếu họ không cắt giảm lượng khí thải carbon, các nước cũng phải chịu trách nhiệm nếu họ không đạt được các mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Các nước đang mạo hiểm với mạng sống của con người và an ninh tập thể toàn cầu.
Hệ thống cảnh báo: Thiết lập hay hủy bỏ
Ngay khi phát hiện một ổ dịch, công tác báo cáo, đánh giá và hành động để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sẽ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ quan trọng ban đầu. Để đối mặt và hy vọng có thể ngăn chặn một sự phùng phát mới của đại dịch, các biện pháp khuyến khích tăng cường có thể khuyến khích việc báo cáo minh bạch và kịp thời, đặc biệt đối với các cá nhân hoặc cơ quan cấp dưới thường xuyên báo cáo các mối đe dọa về sức khỏe nhanh hơn các cơ quan quốc gia. Nếu hệ thống cảnh báo không hoạt động hoặc thông tin bị "ém nhẹm" thì cần phải thiết lập một cơ quan độc lập có thẩm quyền nhanh chóng đánh giá tình hình, xác minh dữ liệu và cảnh báo cho thế giới biết về những gì đang xảy ra.
Hồi cuối năm 2021, Nam Phi đã nhận được cách phản ứng không công bằng của các nước khi chính nước này phát hiện và báo cáo về biến thể Omicron. Gần như ngay lập tức, các nước đã ban hành lệnh cấm đi lại, dẫn đến thiệt hại kinh tế nặng nề trong mùa du lịch cao điểm. Vì vậy, một “Hiệp ước Đại dịch” được thiết lập trong tương lai cần phải đảm bảo rằng các quốc gia cần giải thích rõ ràng đối với những hạn chế đi lại và thương mại quốc tế. Ngoài ra, hiệp ước này cũng cần đảm bảo rằng những nguồn tài trợ được cung cấp ngay lập tức cho các quốc gia phải chịu tổn thất.
Ứng phó hợp lý, công bằng
Một khi bùng phát dịch bệnh, tất cả các quốc gia tham gia ký kết hiệp ước mới nói trên cần phải chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp y tế công cộng và bảo vệ người dân của mình. Các biện pháp ứng phó từng phần sẽ không hiệu quả, gây thiệt hại về tính mạng, kế sinh nhai và cuối cùng có thể gây ra các tác động khác như bất ổn xã hội và làm suy yếu an ninh quốc gia.
Đối với các quốc gia tuân thủ hiệp ước mới nói trên, cần có những chính sách khích lệ các nước này đưa ra báo cáo về công tác ứng phó với đại dịch. Ngoài ra, những nước này cũng sẽ nhận được những hỗ trợ tức thì nếu họ đưa ra yêu cầu hỗ trợ. Những hỗ trợ này cần bao gồm khả năng tiếp cận công bằng đối với các nguồn cung khẩn cấp như vaccine, phương pháp điều trị, xét nghiệm và thiết bị bảo vệ cá nhân cũng như dễ dàng tiếp cận các nguồn hỗ trợ và tài trợ.
Khi các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu nhóm họp để đàm phán về những khuôn khổ nội dung cho hệ thống y tế toàn cầu trong tương lai, chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để xây dựng một thế giới khỏe mạnh và an toàn hơn. Lịch sử sẽ không "ưu ái" với những ai đã gây nguy hiểm đối với an ninh tương lai của chúng ta chỉ vì hành động theo tư duy dân tộc hẹp hòi vốn cũng chính là lối tư duy đã khiến đại dịch COVID-19 kéo dài./.