Sự chuyển hướng và cách thức Lầu Năm Góc kiềm chế Nga và Trung Quốc

Một năm qua, Lầu Năm Góc nói rất nhiều về việc tái tập trung một kỷ nguyên của “sự cạnh tranh quyền lực nước lớn,” chuyển trọng tâm từ “dẹp loạn” ở Iraq và Afghanistan sang kiềm chế Nga, Trung Quốc.
Sự chuyển hướng và cách thức Lầu Năm Góc kiềm chế Nga và Trung Quốc ảnh 1Lầu Năm Góc. (Nguồn: AP)

Theo Reuters, một năm qua, Lầu Năm Góc đã nói rất nhiều về việc tái tập trung vào một kỷ nguyên của “sự cạnh tranh quyền lực nước lớn,” chuyển trọng tâm từ việc “dẹp loạn” ở các nơi như Iraq và Afghanistan sang kiềm chế Trung Quốc và Nga.

Những hoạt động của quân đội Mỹ trong tháng 3 vừa qua đã thể hiện rõ sự chuyển hướng này.

Các binh lính Mỹ đã đến Đức để nhận các xe tăng và phương tiện di chuyển có trang bị vũ khí được bảo quản tại châu Âu trước khi lên đường đến Ba Lan để tiến hành các cuộc diễn tập.

Đầu tháng này, hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ thuộc Đơn vị Viễn Chinh Hải quân số 31 đã vượt 600 dặm (965km) trong một cuộc tập huấn thực hành chiếm đóng một đảo nhỏ của Nhật Bản và đã bố trí pháo binh cũng như một căn cứ không quân để sau này tiến hành thêm các cuộc tấn công và hoạt động di chuyển của các binh lính.

Đây là điển hình của một chiến thuật có tên gọi “nhảy qua các đảo” từng được áp dụng nhằm chống lại Nhật Bản trong thời Chiến tranh Thế giới 2 và hiện được Mỹ coi là chiến thuật mấu chốt trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Trung Quốc trong tương lai.

Các máy bay ném bom B-52 có năng lực hạt nhân đã được triển khai đến châu Âu và châu Á nhằm gửi đi một thông điệp tại quê nhà rằng Washington đã sẵn sàng.

Tuần trước, các máy bay này đã liên tục đi qua biển Baltic, trong đó có khu vực đảo Gotland của Thụy Điển mà theo lo ngại của các nước châu Âu thì đây có thể là mục tiêu của Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Hai chiếc B-52 khác cũng đã bay qua Biển Đông đến hai lần chỉ trong vòng hơn một tuần, tiếp tục thể hiện sự tăng cường hoạt động của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, mục tiêu hướng tới của các động thái quân sự này không chỉ là các đối thủ tiềm tàng của Mỹ ở Moskva và Bắc Kinh.

[Nga tuyên bố sẵn sàng cân nhắc đề xuất hiệp ước hạt nhân mới với Mỹ]

Các chỉ huy quân sự của Lầu Năm Góc - một số sắp mãn nhiệm, một số có thể bị thay thế bởi những người mà Tổng thống Trump sắp bổ nhiệm - đang bày tỏ sự bất mãn đối với vấn đề tài chính, công nghệ, chính quyền đương nhiệm và rộng hơn là ngành công nghiệp Mỹ.

Thông điệp của họ rất đơn giản: Nga và Trung Quốc đang tìm cách lật đổ vị thế của Washington trên thế giới, họ đang "ủ mưu" và sẽ làm như vậy, trong khi Mỹ lại khoanh tay đứng nhìn tay vì phải làm điều gì đó để đáp trả.

Phát biểu tại hãng tư vấn Hội đồng Atlantic có trụ sở tại Washington hồi tuần trước, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, cho biết cả Nga và Bắc Kinh đều đang nỗ lực “thiết lập địa vị thống trị, nếu không muốn nói là quyền bá chủ, tại các khu vực địa chính trị của họ, và cả hai đều đang cố gắng áp đặt sức ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế.”

Theo ông, để làm được điều này, họ đã kết hợp đầu tư quân sự và cách tân đáng kể với các nguồn lực kinh tế, ngoại giao, chính trị, văn hóa và các hình thái khác, trong khi Mỹ thì chẳng làm điều đó.

Các chỉ huy quân sự Mỹ muốn có thêm các nguồn lực và sự ủng hộ từ các đồng minh và cho các đồng minh.

Họ cũng muốn có sự hỗ trợ từ một số công ty lớn của Mỹ, đặc biệt là các công ty công nghệ, để có thể nhận diện các mối đe dọa, hỗ trợ quân đội Mỹ và đặc biệt là giảm sự ràng buộc với Trung Quốc.

Việc Mỹ đánh mất sức mạnh công nghệ quân sự lâu nay hiện trở thành mối lo ngại lớn của Lầu Năm Góc.

Các tướng lĩnh quân sự ngày càng công khai phản đối các thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO được cho là đang ngày càng có xu hướng thân thiết với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cân nhắc mua hệ thống phòng không S-300 của Nga, và hiện đang dấy lên những lo ngại rằng việc kết hợp hai sản phẩm này đồng nghĩa với những bí quyết để máy bay chiến đấu Mỹ có được vị trí hàng đầu hiện đã mất giá trị.

Ngân sách năm 2020 của Lầu Năm Góc cho thấy cả tổng thống và các sỹ quan chỉ huy đang tập trung tậu hàng loạt vũ khí mới có công nghệ cao mà họ coi là một phần trong một kỷ nguyên mới của sự canh tranh nước lớn.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn lớn nhất giữa họ lại nằm ở cách xử trí với các đồng minh Mỹ. Trump lâu nay vẫn chỉ trích các đối tác của Mỹ chi trả quá ít cho vấn đề quốc phòng.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc đại khái cũng ủng hộ những nỗ lực thúc ép các nước khác chi trả nhiều hơn, đặc biệt là các nước châu Âu, song họ cũng coi các đồng minh của Mỹ là trọng tâm trong sự phòng vệ của mình.

Nếu rút bớt sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, họ lo ngại nguy cơ xảy ra các vụ tấn công từ Nga, Bắc Kinh hay các kẻ thù khác sẽ ngày càng lớn.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Patrick Shanahan đã bác bỏ thông tin cho rằng đang có các kế hoạch xúc tiến việc ép buộc các đồng minh Mỹ chi trả 150% chi phí cho việc triển khai binh lính Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn đang xúc tiến các cuộc đối thoại với Ba Lan về kế hoạch “Pháo đài Trump”, trong đó Vácsava sẽ phải chi trả cho Washington để có được sự hiện diện của các sư đoàn vũ trang Mỹ tại nước họ.

Chính quyền Trump đã cắt giảm 10% ngân sách của Sáng kiến Răn đe châu Âu, vốn cung cấp tài chính cho các hoạt động huấn luyện và bố trí trang thiết bị của Mỹ tại châu lục này.

Điều này sẽ khiến các hoạt động quân sự của Mỹ đang triển khai ở đây càng khó khăn hơn trong tương lai. Chính quyền Trump chắc chắn sẽ không ngừng nỗ lực rút thêm tiền từ các đồng minh Mỹ - mới đây nhất la một khoản cho vay trị giá 8 tỷ USD để các nhà nước thân thiết mua các hệ thống vũ khí do Mỹ xây dựng.

Tương tự, Mỹ cũng sẽ duy trì sự hiện diện quân sự trên toàn cầu mà họ coi là mang tính sống còn trong nỗ lực kiềm chế hai cường quốc đang ngày càng quyết đoán…

Tuy nhiên, họ cũng sẽ phải học cách xoa dịu căng thẳng. Nếu không, họ có thể gây nên những thông điệp lẫn lộn rằng Mỹ đang làm gia tăng nguy cơ chiến tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục