Sự cố Fukushima được xử lý theo phương án nào?

Nhật Bản đang thảo luận các phương án ngăn ngừa, không cho các chất phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài từ nhà máy Fukushima 1
Theo nhật báo Nikkei và Yomiuri, Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận các phương án khác nhau để ngăn ngừa, không cho các chất phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang gặp sự cố của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản.

Nhật Bản cũng đang huy động mọi công nghệ để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tuy nhiên, nước này dường như vẫn bế tắc trong việc xử lý các sự cố tại nhà máy trên.

Thách thức lớn nhất trong việc xử lý sự cố này là nước có nồng độ phóng xạ cao đang làm ngập các tòa nhà chứa lò phản ứng và tuabin của nhà máy. Một phương án có thể sử dụng là đưa các tàu chở dầu tới bờ biển gần nhà máy điện này để tạm chứa nước bị ô nhiễm phóng xạ.

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã cân nhắc triển khai các thùng chứa dầu sử dụng ở các cảng để thu gom nước có nhiễm phóng xạ và dùng các tàu quân sự của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) để vận chuyển các thùng này ra các tàu chở dầu neo đậu ở ngoài khơi.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cho rằng phương án này quá mạo hiểm. Vì vậy, Chính phủ đang cân nhắc xây dựng các cơ sở tạm thời để chứa nước có ô nhiễm phóng xạ bên trong nhà máy.

Chính phủ cũng có kế hoạch đặt các thùng lớn ở các khu vực khác trong nhà máy để chứa nước bị ô nhiễm phóng xạ. Song, sức chứa của các thùng này rất hạn chế và việc bơm nước vào các thùng chứa sẽ mất thời gian.

Một ý tưởng khác để loại bỏ các chất phóng xạ trong nước bị ô nhiễm là sử dụng các thiết bị lọc. Do các chất phóng xạ iốt và cesium tồn tại dưới dạng ion trong nước, các thiết bị lọc trao đổi ion có thể sử dụng để loại bỏ các chất phóng xạ trong nước.

Nhưng ý tưởng này khó triển khai trong tình huống khẩn cấp bởi vì việc lắp đặt động cơ, hệ thống ống dẫn và các công việc khác để tạo ra hệ thống lọc nước này tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, ưu tiên hiện nay sẽ là hút nước có nhiễm phóng xạ ra khỏi các tòa nhà có chứa lò phản ứng và tuabin.

Một khi các công nhân có thể tiếp cận các tòa nhà trên, họ có thể bắt đầu khởi động các bơm hơi nước quan trọng. Điều này cho phép nước có thể luân chuyển để làm nguội các thanh nhiên liệu. Nhiều chuyên gia cho rằng điều này sẽ giúp giảm đáng kể nhiệt lượng trong các thùng áp suất.

Tuy nhiên, người ta nghi ngờ rằng một số đường ống dẫn nước làm mát và một số điểm trên hệ thống ống dẫn nước tại nơi có các thùng áp suất sử dụng để cho các thanh kiểm soát đã bị hư hỏng. Vì vậy, việc khôi phục hệ thống nước làm mát phải được tiến hành cực kỳ thận trọng để ngăn ngừa khả năng xảy ra các vụ rò rỉ phóng xạ từ các thùng áp suất này.

Ngày 30/3, các nỗ lực làm nguội các lò phản ứng hạt nhân đang bị nóng quá mức vẫn phải tạm ngừng vì việc rò rỉ nước bị ô nhiễm phóng xạ đã ngăn cản các công nhân tiếp cận các tòa nhà có chứa các lò phản ứng. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ các công nhân không hít thở phải chất phóng xạ là cực kỳ quan trọng.

Nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng nếu chất phóng xạ này xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, Nhật Bản có thể sẽ phủ lên mặt đất xung quanh Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 một loại nhựa thông đặc biệt. Ở một mức độ nào đó, nguyên liệu này sẽ giúp ngăn ngừa chất phóng xạ lan rộng. Điều này cho phép công việc sửa chữa tại nhà máy này diễn ra thuận lợi hơn.

Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết việc phun nhựa thông trong nhà máy này có thể bắt đầu từ ngày 31/3. Chiến dịch này có thể kéo dài khoảng 2 tuần. Chính phủ dự định sẽ sử dụng một robot điều khiển từ xa để xịt nhựa thông lên khoảng 80.000 m2 trong tổng diện tích 120.000 m2 của nhà máy điện trên.

Các khu vực được xịt loại vật liệu đặc biệt này là những khu vực bị ô nhiễm phóng xạ do các mảnh vỡ từ các vụ nổ khí hydro tại nhà máy này sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.

Mặt khác, để bảo vệ công nhân trước các chất phóng xạ đang phát ra từ các tòa nhà có chứa lò phản ứng, nhất là khi các tòa nhà bê tông chứa lò phản ứng số 1, 3 và 4 đã bị phá hủy nghiêm trọng sau các vụ nổ khí hydro, cần phải xây dựng các tường tạm thời bằng bê tông, chì hoặc vônfram.

Một ý tưởng khác đang được cân nhắc là phủ lên các tòa nhà có chứa lò phản ứng này bằng các kết cấu được bao phủ bởi các tấm vải bạt cực bền. Mặc dù phương án này khó kiềm chế các tia gamma và neutron có khả năng xâm nhập cao nhưng nó có thể ngăn hơi nước có chứa chất phóng xạ lan rộng ra bên ngoài. Tuy nhiên, phương án này cũng cần phải có thời gian bởi vì nó đòi hỏi phải tìm một số lượng lớn vải bền để bao phủ toàn bộ các tòa nhà này.

Một phương án khác đang được cân nhắc là sử dụng robot. Mặc dù robot không thể thay thế hoàn toàn con người nhưng robot có thể đi vào các khu vực hẹp bị chặn bởi các đống đổ nát. Nhật Bản có thể sử dụng chúng để đo nồng độ phóng xạ và chụp ảnh hiện trường.

Trong nỗ lực làm mát các lò phản ứng và bể chứa các thanh nhiên liệu, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các công ty tư nhân và các nước khác, trong đó có Mỹ, hỗ trợ để khắc phục sự cố này.

Theo báo Yomiuri, các phương án trên đang được nghiên cứu bởi nhóm công tác kiểm soát phóng xạ chung Nhật-Mỹ với sự tham gia của các quan chức cấp cao của chính phủ, các chuyên gia hạt nhân của hai nước cũng như Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Mỹ.

Nhóm này do ông Sumio Mabuchi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản lãnh đạo. Các nguồn tin cho biết trong cuộc họp hôm 29/3, nhóm này đã quyết định tiến hành phương án phun nhựa thông đặc biệt để ngăn các chất phóng xạ lan rộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục