Sự kiện hé lộ khả năng thiết lập một khuôn khổ "Bộ Tứ+"

Tin tức về việc Pháp dẫn đầu hải quân các nước thành viên Bộ Tứ tiến hành cuộc tập trận diễn ra giữa lúc có những đồn đoán về khả năng hình thành khuôn khổ "Bộ Tứ+" nhận được sự quan tâm của các nước.
Sự kiện hé lộ khả năng thiết lập một khuôn khổ "Bộ Tứ+" ảnh 1Quốc kỳ của các nước trong nhóm Bộ tứ. (Nguồn: beltandroad)

Theo trang mạng asia.nikkei.com/orfonline.org, lần đầu tiên, Ấn Độ sẽ cùng các đối tác trong nhóm Bộ Tứ - gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ - tham gia một cuộc tập trận hải quân do Pháp dẫn đầu tại vịnh Bengal từ ngày 5-7/4.

Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên Bộ Tứ muốn củng cố an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo ghi nhận của bài viết trên orfonline.org, tin tức về việc Pháp dẫn đầu hải quân các nước thành viên Bộ Tứ tiến hành cuộc tập trận này diễn ra giữa lúc có những đồn đoán về khả năng hình thành khuôn khổ "Bộ Tứ+" và khả năng này nhận được sự quan tâm của các nước ngoài khu vực.

Ví dụ, Anh gần đây đã công bố tài liệu tổng hợp Đánh giá An ninh, Quốc phòng, Phát triển và Chính sách đối ngoại, trong đó đề ra đường hướng cho những hành động của London ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell gần đây cũng kêu gọi châu Âu "thiết lập một tầm nhìn chung cho hoạt động can dự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai."

Cho dù tiến trình quốc tế hóa ý tưởng về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được triển khai ở mức độ như thế nào thì sự can dự của Paris trong khu vực này đều mang ý nghĩa đặc biệt.

Mục tiêu là Trung Quốc?

Được đặt theo tên của nhà thám hiểm và sỹ quan hàng hải Pháp thời thế kỷ XVIII, cuộc tập trận La Perouse lần đầu tiên được tổ chức năm 2019 song không có sự tham gia của New Delhi.

Trong một thông báo phát đi hôm 31/3, đại sứ quán Pháp tại New Delhi nói rằng cuộc tập trận diễn ra 3 ngày này sẽ "là dịp để 5 lực lượng hải quân hiện đại có cùng chí hướng phát triển mối quan hệ gần gũi hơn, cải thiện các kỹ năng và thúc đẩy hợp tác hàng hải khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Hoạt động hàng hải này diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ hôm 12/3 vốn được coi là thời khắc lịch sử cho tình hình địa chính trị châu Á. Sau hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đến thăm New Delhi trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên dưới thời chính quyền Joe Biden.

[Những yếu tố giúp Bộ Tứ trở thành liên minh quân sự]

Sau cuộc tập trận hải quân Malabar hồi tháng 11/2020 tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các thành viên Bộ Tứ đã cam kết hợp tác hàng hải thông qua diễn tập.

Cuộc tập trận lần này, với sự tham gia của Pháp, được kỳ vọng sẽ nâng mức độ hợp tác lên một tầm cao mới. Bình luận trên Nikkei Asia, nhà phân tích quốc phòng và các vấn đề chiến lược đồng thời là biên tập viên của cổng tin tức Defence.Capital, N.C. Bipindra, cho rằng cuộc diễn tập đa phương của Bộ Tứ lần này có ý nghĩa đáng kể đối với những ai quan tâm đến sự phát triển của nhóm này.

Chuyên gia này giải thích: "Rõ ràng, Trung Quốc sẽ là một trong số những nước quan tâm đến sự kiện diễn ra gần họ, do chính Bắc Kinh trong những năm qua đã làm gia tăng mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua những hành động quân sự mang tính gây hấn."

Vốn là một nhóm hợp tác an ninh lỏng lẻo, Bộ Tứ và Pháp thường xuyên đề cập sự cần thiết phải bảo vệ tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương tại nhiều diễn đàn khác nhau. Đây chính là cách nói uyển ngữ đối với những tuyên bố chủ quyền "phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Do đó, chuyên gia Bipindra cho rằng việc 5 nước nói trên tham gia cuộc tập trận La Perouse nhằm nâng cao khả năng phối kết hợp trên biển nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng trong khu vực điều dễ hiểu.

Ông nhận định: "Đó là một chỉ dấu cho tương lai trong bối cảnh khu vực đang trải qua những biến động địa chính trị."

Ông Bipindra cũng cho rằng sự kiện này làm thắp sáng tia hy vọng đối với khả năng Bộ Tứ mở rộng thành viên là những nước dân chủ khác có lợi ích trong khu vực như Pháp và Anh.

Bà Isabelle Saint-Mezard, chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, bình luận rằng cuộc tập trận La Perouse cho thấy Pháp "là một cổ đông trong liên minh có cùng chí hướng song có lợi ích khác biệt này," một liên minh muốn thúc đẩy việc thực thi luật hàng hải, tự do hàng hải, giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, nói cách khác nhằm thúc đẩy một trật tự đa phương dựa trên luật lệ.

Bà nói: "Hình thức hợp tác hàng hải này, vốn linh hoạt và chưa mang tính thể chế hóa, dường như là một công cụ hành động hữu hiệu ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn."

Trước đó, từ ngày 28-29/3, hải quân Ấn Độ và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận tại khu vực Đông Ấn Độ Dương.

Theo nhận định của ông Pankaj Jha, từng là quan chức cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và hiện là giáo sư nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học Toàn cầu O.P. Jindal, mục tiêu lớn hơn của cuộc tập trận La Perouse là nhằm thiết lập mối quan hệ trên cả hai nhóm: bộ ba Pháp-Australia-Ấn Độ và Bộ Tứ + Pháp tại Ấn Độ Dương.

Giải thích về sự tham gia của Pháp, ông Pankaj Jha nói: "Pháp biết rõ Trung Quốc đang có những động thái nhất định nhằm thâu tóm tài nguyên và khoáng sản, đặc biệt ở những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Pháp ở Ấn Độ Dương nên Paris muốn làm điều gì đó để thể hiện hành động ngăn chặn và cũng nhằm thể hiện nỗ lực hợp tác."

Trang mạng orfonline.org lưu ý rằng Pháp là quốc gia châu Âu duy nhất sở hữu lãnh hải ở nước ngoài ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Để duy trì sự hiện diện an ninh lâu dài trong khu vực, Paris đã tổ chức các tiền đồn quân sự trong khu vực thành những bộ chỉ huy chung đảm nhiệm nhiều sứ mệnh khác nhau.

Ví dụ, Pháp có Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Pháp tại Nam Ấn Độ Dương. Khi tự coi mình là quốc gia ven Thái Bình Dương, cuộc tập trận La Perouse cũng nhằm khẳng định vị thế của Pháp là một cường quốc "cư trú" trong khu vực, nhất là khi xét đến những lo ngại lâu nay về vai trò của Washington tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong một bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 16/3, nhà phân tích quân sự Ngụy Đông Húc (Wei Dongxu) gọi cuộc tập trận La Perouse là "một trò lố bịch trước bàn dân thiên hạ" và gọi Bộ Tứ là "một nhóm gắn kết lỏng lẻo vốn được thiết lập vì những lợi ích nhất thời của các thành viên." Ông Ngụy cũng nhận định những động thái quân sự này của Bộ Tứ "rõ ràng nhắm" vào Trung Quốc.

Biden sẽ "chỉ đạo từ phía sau"?

Khi trở lại ý tưởng "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" cùng với đó là các chuyến thăm của giới chức an ninh cấp cao Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, chính quyền Biden đã tìm cách xoa dịu quan ngại của các nước khu vực về cam kết của Washington đối với khu vực.

Trong bối cảnh vị thế chính trị của Mỹ trên trường quốc tế đang suy giảm trên phạm vi ngày càng rộng lớn hơn, một số ý kiến bắt đầu cảnh báo việc Washington vướng mắc vào không gian địa chính trị vốn "đầy những kỳ vọng ảo tưởng và những nhận định mơ hồ."

Họ cũng cho rằng ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chỉ là "cuộc chơi đối trọng với Trung Quốc." Trọng tâm của nhu cầu thiết lập lại sự cân bằng trong khu vực cũng được nêu rõ trong bài viết hồi tháng 1/2021 của ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong bài viết này, ông Campbell kêu gọi Mỹ cần tìm cách đạt được mong muốn của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về việc thiết lập cân bằng quyền lực, một trật tự quyền lực mà trong đó vị thế của các nước khu vực được thừa nhận là hợp pháp và một nhu cầu thiết lập liên minh các đồng minh và đối tác để đối phó với những thách thức của Trung Quốc.

Đáng lưu ý là bài viết này xuất hiện giữa lúc có những thông tin về việc đội ngũ an ninh quốc gia của Biden đang nghiên cứu một chiến lược "dẫn dắt từ phía sau", trong đó, Nhật Bản sẽ đóng "một vai trò ủy quyền" trong thời gian Biden tập trung giải quyết những vấn đề trong nước.

Theo lối tư duy này, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin Điều này đã chọn Nhật Bản là nước đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của họ. Tuyên bố chung sau cuộc họp Ủy ban Tham vấn An ninh giữa Mỹ và Nhật Bản theo định dạng "2+2" cho thấy ông Blinken và Austin dành nhiều thời gian thảo luận cùng giới chức Nhật Bản về việc dàn xếp vai trò của Mỹ và Nhật Bản trong nỗ lực thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, an ninh mạng, chuỗi cung ứng và đối phó đại dịch COVID-19.

Lý do Ấn Độ "không ngại" tham gia tập trận do Pháp dẫn đầu

Theo orfonline.org, Mỹ lâu nay vấp phải chỉ trích về tham vọng mở rộng cấu trúc khu vực bao gồm cả Ấn Độ Dương vì giới chỉ trích cho rằng đây là khu vực mà Mỹ có lợi ích gây tranh cãi.

Do đó, cho dù Mỹ có nỗ lực hỗ trợ New Delhi như thế nào về mặt chính trị, quân sự và xây dựng thể chế nhằm thúc đẩy vai trò của Ấn Độ là nước đảm bảo an ninh khu vực, thì nhiều ý kiến cho rằng mục đích chính của Washington trong nỗ lực này là tập trung hoàn toàn vào nguồn tài nguyên tại các tiểu vùng Thái Bình Dương thuộc toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, những hành động của Pháp ở Ấn Độ Dương xuất phát từ "lợi ích và mối quan tâm trực tiếp" liên quan chủ quyền hàng hải của Paris tại các vùng lãnh hải bên ngoài. Và điều này trùng với xuất phát điểm trong mục tiêu của Ấn Độ. Do đó, với chính sách thúc đẩy "liên kết chiến lược" đa phương ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, New Delhi chọn tiến hành tuần tra chung với Pháp tại Ấn Độ Dương mà từ chối đề nghị tương tự từ phía Mỹ.

Chính lợi ích trùng hợp như vậy đã thúc đẩy mối quan hệ đối tác Ấn-Pháp mở rộng thêm đối tác tham gia trục song phương này, mà hiện rõ nhất hiện nay là trục "Paris-New Delhi-Canberra."

Sau cuộc tập trận trận La Perouse nói trên, dự kiến, ngoại trưởng ba nước Ấn-Pháp-Australia sẽ có cuộc đối thoại ba bên, một dấu hiệu cho thấy sự tăng cường hợp tác của trục quan hệ này.

Chính nhờ những lợi ích song trùng tại Ấn Độ Dương và Pháp hiện dẫn dắt con đường có thể tiến tới một khuôn khổ "Bộ Tứ+" khác biệt, sự thận trọng ban đầu của New Delhi trong quan hệ hợp tác với Paris dường như đang được bù đắp bằng những lợi ích nhất định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục