Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên

Triều Tiên lại phóng tên lửa, những nỗ lực tìm tàu ngầm Argentina mất tích, sự lo ngại từ đồng tiền ảo Bitcoin là ba trong số những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Ngày 29​/11, Triều Tiên tuyên bố phóng thử nghiệm thành công tên lửa ICBM Hwasong-15 mới, "có tầm bắn bao phủ hoàn toàn lục địa Mỹ."

Trong một phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định Triều Tiên "đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia."

Tuyên bố của phía Triều Tiên cũng cho biết tên lửa Hwasong-15 là tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, đã bay 950km trong 53 phút và đạt đến độ cao 4.475km.

Như vậy là sau gần 3 tháng im ắng kể từ sau vụ phóng tên lửa tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản và được cho là có khả năng vươn tới đảo Guam của Mỹ, Triều Tiên lại bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo. Đây là vụ thử tên lửa thứ 3 của Triều Tiên kể từ tháng 7-2017.

Vụ việc này cũng diễn ra chỉ hai tuần sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Ngay lập tức, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn, lãnh đạo các nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã điện đàm, bàn cách đối phó diễn biến căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.

Có thể thấy, việc riều Tiên phá vỡ sự im lặng trong khoảng thời gian dài bằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới này, bất chấp những cảnh báo cứng rắn của Mỹ và các nước đồng minh, càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 1Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được phóng từ một địa điểm bí mật ngày 14/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Bất ổn tài chính từ tiền “ảo” Bitcoin
Trong ngày giao dịch 29/11, đồng tiền ảo bitcoin đã lần đầu tiên chạm mốc 11.000 USD/bitcoin, tăng hơn 10 lần kể từ đầu năm tới nay.

Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau giá trị của đồng tiền điện tử này đã bốc hơi và giảm xuống còn 9.670 USD/bitcoin, khiến giá trị thị trường tiền điện tử toàn cầu chỉ dừng ở mức 163 tỷ USD.

Những diễn biến này khiến nhiều người lo ngại các loại đồng tiền điện tử như Bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của nền tài chính thế giới.

Ngày 30/11, tân Phó Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) phụ trách giám sát Randal Quarles cũng đã đưa ra cảnh báo, trong bối cảnh loại tiền tệ này ngày càng "thịnh hành," nó có thể gây mất ổn định thị trường tài chính thế giới. 

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được lưu hành dưới dạng phần mềm mã nguồn mở, được một hoặc một nhóm nhà phát triển bí ẩn mang biệt hiệu Satoshi Nakamoto giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2009, khi đó chỉ đáng giá vài xu Mỹ.

Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần một tổ chức tài chính trung gian nào.

Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không mất phí, Bitcoin ngày càng được chấp nhận.

Theo ông Quarles, nếu việc sử dụng tiền điện tử có chừng mực thì sẽ không gây ra những mối quan ngại lớn.

Song sự ổn định của nền tài chính có thể bị đe dọa nếu như người sở hữu gia tăng đầu cơ loại tiền này, dẫn tới tình trạng bong bóng tiền điện tử.

Theo ông, hệ thống tài chính sẽ gặp thách thức lớn nếu trong trường hợp rủi ro, không thể thiết lập một tỷ giá hối đoái ổn định với đồng USD.

Do vậy, tính ổn định cũng như hoạt động của các loại tiền điện tử hiện vẫn đang là một ẩn số.​

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 2Đồng tiền ảo Bitcoin mạ vàng tại London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
OPEC và Nga quyết định cắt giảm sản lượng dầu
Tất cả các thành viên OPEC và Nga - nhà sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC đã ký thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu trong cuộc họp diễn ra tại Áo ngày 30​/11.

Cùng ngày, sau nhiều giờ thảo luận tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo), OPEC đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu "tụt dốc" thảm hại trong tương lai. Tuy nhiên, mức cắt giảm vẫn được giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu. 

Kết quả này đạt được trong bối cảnh thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác giữa OPEC và 11 nước ngoài OPEC (đạt được hồi cuối năm 2016) sắp hết hạn vào ngày 31​/3/2018 tới.

Vào thời điểm đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày, áp dụng kể từ tháng 1-2017, nhằm ứng phó với tình trạng dư thừa dầu toàn cầu và giá dầu thô thế giới giảm mạnh.

Sau gần 1 năm thực hiện, thỏa thuận này đã đem lại những kết quả nhất định, đẩy giá dầu lên mức cao trong gần 2 năm qua và giảm lượng dầu tồn kho toàn cầu.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng cũng đang khiến các nước OPEC cũng như Nga lo ngại có thể làm lợi cho Mỹ, dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, bởi nước này vốn không tham gia thỏa thuận này.
Đức nỗ lực thành lập chính phủ “đại liên minh”
Ngày 26​/11, các nhà lãnh đạo của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Merkel đã nhất trí theo đuổi thành lập một chính phủ đại liên minh với đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD).

Những kết quả này đạt được trong bối cảnh trước đó, nỗ lực thành lập liên minh của CDU/CSU với đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh đã bị thất bại.

Trong khi đó, đối với SPD, dưới áp lực ngày càng tăng về việc duy trì ổn định và tránh các cuộc bầu cử mới, đảng này cũng đã thay đổi qua điểm, nhất trí tiến hành đàm phán thăm dò về liên minh cầm quyền với Thủ tướng Angela Merkel.

Việc SPD đồng ý đàm phán thành lập liên minh với CDU/CSU đã mở ra triển vọng về việc thành lập một đại liên minh mới vốn cầm quyền ở Đức trong 4 năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng, SPD cần thành lập một “đại liên minh” với liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel nhằm thúc đẩy sự ổn định và cũng là giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Đức.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán tới đây giữa liên minh CDU/CSU và SPD cũng được nhận định là sẽ rất khó khăn, trong đó có vấn đề người tị nạn (về mức trần tiếp nhận, vấn đoàn tụ gia đình). Dự kiến các cuộc đàm phán sẽ chính thức khởi động từ tháng 12/2017.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 3Toàn cảnh phiên họp giữa các nước thành viên trong và ngoài OPEC tại Vienna, Áo ngày 29/11. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Vụ tàu ngầm Argentina mất tích: Công tác tìm kiếm chưa có kết quả
Ngày 1/12, gia đình và người thân của 44 thủy thủ trong chiếc tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích cách đây 16 ngày ở Nam Đại Tây Dương đã yêu cầu Chính phủ Argentina rút lại quyết định ngừng chiến dịch cứu hộ thủy thủ đoàn.

Đại diện nhóm gia đình của các thủy thủ bị mất tích đã có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Argentina và Tư lệnh Hải quân tại căn cứ tàu ngầm hải quân ở thành phố ven biển Mar del Plata, đồng thời đưa ra lời thỉnh cầu chính phủ tiếp tục chiến dịch cứu hộ.

Những người này đã mang theo di ảnh của các thủy thủ, đồng thời hô các khẩu hiệu đòi nhà chức trách tiếp tục tìm kiếm và cứu hộ người thân của họ.

Trước đó, ngày 30/11, Hải quân Argentina thông báo đã ngừng hoạt động cứu hộ 44 thủy thủ tàu ngầm ARA San Juan bị mất tích, nhưng vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm con tàu được coi là đã nổ này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Argentina nhấn mạnh tuy các lực lượng hải quân đã nỗ lực tối đa trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ thủy thủ đoàn của tàu ngầm ARA San Juan, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa thể tìm thấy con tàu.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 4Thân nhân của thủy thủ tàu ngầm mất tích ARA San Juan chờ đợi thông tin về người thân tại căn cứ hải quân Mar del Plata, Argentina. (Nguồn: THX/TTXVN)
Vệ tinh của Trung Quốc phát hiện ra các tín hiệu bí ẩn trong vũ trụ
Vệ tinh khám phá hạt vật chất tối (DAMPE) của Trung Quốc vừa phát hiện ra các tín hiệu huyền bí và đầy bất ngờ trong các phép đo tia vũ trụ năng lượng cao.

Phát hiện mới này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học tiến gần hơn tới việc khám phá ra ánh sáng trong vật chất tối vô hình trong vũ trụ bao la.

DAMPE đã đo được hơn 3,5 tỷ hạt tia vũ trụ với năng lượng cao nhất lên tới 100 tera-electron-volt (TeV ngắn, tương đương với 1.000.000 lần năng lượng của ánh sáng nhìn thấy), bao gồm 20 triệu hạt mang điện electron và positron, với độ phân giải năng lượng cao chưa từng thấy.

Qua đó, các nhà khoa học phát hiện một sự phá vỡ quang phổ ở mức 0,9 TeV và tăng đột biến ở 1,4 TeV.

Đây là cơ sở mà ông Chang Jin cho rằng có tồn tại một loại hạt chưa từng được biết tới với khối lượng khoảng 1,4 TeV.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 5(Nguồn: sciencemag.org)
Thí sinh Nam Phi Nel-Peters đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2017
Sáng 27/11 (giờ Việt Nam), Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) lần thứ 66 đã diễn ra dưới ánh sáng lung linh của Nhà hát The Axis ở thành phố Las Vegas, Mỹ.

Danh hiệu Hoa hậu đã thuộc về thí sinh 22 tuổi người Nam Phi Demi-Leigh Nel-Peters, trong khi Á hậu 1 là cô Laura Gonzalez (22 tuổi, người Colombia) và Á hậu 2 là cô Davina Bennett (21 tuổi, người Jamaica).

Cuộc thi năm nay là sự tranh tài của 91 người đẹp thế giới, với các phần màn trình diễn trang phục dân tộc, trang phục dạ hội, bikini và thi ứng xử.

Thí sinh Việt Nam Nguyễn Thị Loan (cựu vận động viên bóng chuyền, sinh năm 1990) đáng tiếc đã không thể lọt vào top 16 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017, dù cô có màn trình diễn khá xuất sắc.

Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2017 cũng chứng kiến một bất ngờ lớn khi Kara McCullough - đại diện sắc đẹp của nước chủ nhà - không lọt vào tốp 5 cuộc thi, dù cô được giới chuyên môn đánh giá vừa có lợi thế "sân nhà" vừa hội tụ mọi yếu tố để có thể giành vương miện.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 6Danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ lần 66 thuộc về thí sinh 22 tuổi, người Nam Phi Demi-Leigh Nel-Peters. (Nguồn: REUTERS)
Thỏa thuận "lịch sử" giúp bảo vệ hệ sinh thái Bắc Cực
Một số quốc gia có hoạt động đánh bắt cá tại Bắc Cực, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ, vừa nhất trí không triển khai hoạt động đánh bắt cá vì mục đích thương mại cho tới khi nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái khu vực.

Thỏa thuận trên được hình thành trong bối cảnh, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Bắc Cực đang ấm dần lên với mức nhiệt tăng cao gần gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu, khiến trữ lượng cá và mật độ phân bổ cá biến động mạnh, có thể tạo ra nguồn tài nguyên biển dồi dào cho các ngư dân trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, các bên tham gia thỏa thuận muốn nghiên cứu kỹ hơn trước khi triển khai đánh bắt bắt vì mục đích thương mại để tránh những hậu quả khó lường đối với hệ sinh thái khu vực.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề môi trường, ngư nghiệp và hàng hải Karmenu Vella gọi thỏa thuận mang tính ràng buộc này là "dấu mốc lịch sử," lấp đầy lỗ hổng trong hoạt động quản lý đại dương toàn cầu, bảo vệ hệ sinh thái biển "dễ tổn thương" cho thế hệ sau.

Về cơ bản, thỏa thuận này cần được toàn bộ 10 bên tham gia phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực. Các bên hy vọng thỏa thuận sẽ kéo dài khoảng 16 năm, giúp bảo vệ 2,8 triệu km2 diện tích mặt biển.

Sự kiện quốc tế 27/11-3/12: Tiếp tục "nóng" vụ tên lửa Triều Tiên ảnh 7Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục