Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ

Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei bị bắt tại Canada, Pháp hoãn tăng thuế nhiên liệu, Qatar rời OPEC nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei bị bắt tại Canada
Ngày 5/12, Bộ Tư pháp Canada cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) Mạnh Vãn Chu.

Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ bà Mạnh Vãn Chu đã bị bắt ở thành phố Vancouver hôm 1/12 và có thể bị dẫn độ về Mỹ do tình nghi vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran của Washington.

Một phiên tòa bảo lãnh sẽ được tổ chức vào ngày 7/12.

Ngày 7/12, Huawei đã bổ nhiệm Chủ tịch Lương Hoa làm quyền Giám đốc Tài chính, thay bà Mạnh Vãn Chu.

Liên quan đến vụ bắt giữ, Đại sứ quán Trung Quốc ở Canada tuyên bố kiên quyết phản đối hành động này, đồng thời đã có những phản kháng nghiêm túc với Canada và Mỹ.

Trong tuyên bố đăng tải trên trang web riêng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã yêu cầu ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 7/12 đưa tin Mỹ đang cố gắng "bóp nghẹt" công ty công nghệ Huawei của Trung Quốc và kiềm chế sự mở rộng toàn cầu của Huawei bằng vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu.

Còn theo Nhật báo Phố Wall, Chính phủ Mỹ đang cố gắng thuyết phục các nhà mạng di động và Internet ở các nước đồng minh tẩy chay sản phẩm viễn thông của Huawei,

Tờ báo trên cho biết các quan chức Mỹ đã tiếp cận với các đối tác chính phủ, nhà điều hành viễn thông ở các nước đồng minh đang sử dụng rộng rãi thiết bị của Huawei và đưa ra những cảnh báo về rủi ro an ninh không gian mạng khi sử dụng thiết bị viễn thông của hãng công nghệ Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản ngày 10/12 đã quyết định đưa các tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei Technology và ZTE Corp. ra khỏi danh sách các nhà cung cấp khi mua sắm công.

Trước Nhật Bản, trong năm nay, Australia, New Zealand và Anh đã lần lượt từ chối một số dịch vụ của Huawei do lo ngại an ninh.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 1Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Chính phủ Pháp hoãn tăng thuế nhiên liệu trước làn sóng biểu tình của người dân
Trước sức ép từ làn sóng biểu tình bạo lực của phong trào “Áo vàng” trên toàn quốc, ngày 4/12, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng với mong muốn có thể giập tắt làn sóng biểu tình đang dâng cao tại Pháp.

Một số nhượng bộ khác của chính phủ Pháp còn bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong vòng 3 tháng của mùa Đông.

Những nhượng bộ của chính phủ Pháp được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nước này trong suốt 3 tuần qua, do lực lượng “Áo vàng” phát động, với mục đích phản đối việc chính phủ tăng giá xăng dầu.

Không những vậy, người dân còn phản đối nhiều chính sách kinh tế-xã hội khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, gây khó khăn cho đời sống người dân Pháp trong nhiều năm qua.

Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân sâu xa của làn sóng biểu tình không chỉ là do chính sách tăng thuế của chính phủ mà yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội Pháp hiện nay chính là vì khoảng cách giàu-nghèo đang ngày càng xa.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay những người giàu nhất ở Pháp tuy chỉ chiếm 1% dân số song lại nắm trong tay tới 20% của cải của nền kinh tế.

Trong khi hiện nay mức thu nhập trung bình tại Pháp là 1.700 euro (tương đương 1.900 USD) thì có đến một nửa số người lao động hiện có mức lương thấp hơn con số này.

Trong bối cảnh đó, việc chính phủ Pháp quyết định hoãn tăng thuế nhiên liệu chỉ được xem là một giải pháp tạm thời, còn để thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay, nước Pháp cần đến những giải pháp căn cơ cho các vấn đề gốc rễ đã gây phân hóa về kinh tế và xã hội.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 2Cảnh sát giữ trật tự trong cuộc biểu tình Áo vàng tại Paris, Pháp ngày 8/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mỹ và Trung Quốc đạt “thỏa thuận đình chiến thương mại”
Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Argentina ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp nhằm giải quyết những bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã đạt được “thỏa thuận đình chiến thương mại” khi hai nước nhất trí không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 1/1, vốn là thời điểm mà Mỹ dự định tăng thuế từ mức10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD.

Ngược lại, Trung Quốc cũng đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương, đồng thời giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập từ Mỹ xuống dưới mức 40% hiện nay…

Việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận ngừng tăng thuế, tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại được coi là bước hòa hoãn cần thiết, tạo không gian cho các cuộc đàm phán và thương lượng sắp tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể tìm ra những giải pháp cần thiết trong vòng 90 ngày, mà thực chất là có thể chấp nhận những điều kiện được đưa ra mặc cả trên bàn đàm phán và nhượng bộ những yêu sách của nhau hay không, vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Trước những quan ngại đó, ngày 6/12, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố mục tiêu tối thượng của các cuộc đối thoại thương mại Mỹ - Trung sắp tới là gỡ bỏ mọi thuế quan.

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định sẽ thực thi ngay lập tức thỏa thuận đã đạt được với Mỹ về nông nghiệp, năng lượng, ôtô và các lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, hai nước sẽ tiếp tục đối thoại về sở hữu trí tuệ, hợp tác công nghệ, tiếp cận thị trường và "thương mại công bằng". Ông khẳng định Trung Quốc tin tưởng sẽ đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong giai đoạn 90 ngày.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 3Cảng container ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Qatar quyết định rời OPEC kể từ tháng 1/2019
Ngày 3/12, Tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi đã tuyên bố, quốc gia vùng Vịnh này sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào tháng tới.

Đồng thời khẳng định, quốc gia vùng Vịnh này vẫn tiếp tục sản xuất dầu mỏ, nhưng sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất khí đốt, lĩnh vực mà nước này đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Gia nhập OPEC từ năm 1961, Qatar tuy là một trong số những nước sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong tổ chức này, nhưng Qatar lại là thành viên có ảnh hưởng nhất trong thị trường khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhờ các nhà máy lớn sản xuất tới 77 triệu tấn/năm.

Nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, mỏ North Field hợp tác với Iran, Qatar có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất LNG lên 100 triệu tấn/năm trước khi thị trường khí đốt trở nên chật hẹp vào đầu thập kỷ tới.

Tuy nhiên, việc Qatar bất ngờ quyết định rút khỏi OPEC sau 57 năm tham gia cũng đã đặt ra nhiều nghi vấn về sự rạn nứt trong OPEC lâu nay.

Mặc dù khẳng định rằng quyết định rút khỏi OPEC không xuất phát từ động cơ chính trị hay bất kỳ bất đồng nào với các nước thành viên OPEC khác, song thực tế, việc Qatar rút khỏi OPEC vẫn cho thấy sự chia rẽ trong khu vực ngày càng gia tăng kể từ khi Saudi Arabia cùng 3 nước vùng Vịnh khác là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa các tuyến vận tải với Qatar từ tháng 6-2017 do cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ khủng bố.

Kể từ đó, các biện pháp trả đũa về kinh tế đã được các bên áp dụng, gây ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh kéo dài. Nền kinh tế Qatar cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt.

Trong bối cảnh vai trò của OPEC đang giảm sút trong việc dẫn dắt thị trường dầu mỏ, các nhà phân tích cho rằng, động thái rút khỏi OPEC từ Qatar được xem là lời cảnh báo đối với tổ chức này và được dự báo sẽ tác động thị trường dầu mỏ cũng như khiến cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh khó tìm lối thoát.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 4oàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar, cách thủ đô Doha khoảng 80km về phía bắc tháng 2/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Hội nghị COP 24 của Liên hợp quốc hy vọng có bước đột phá
Ngày 3/12, hội nghị lần thứ 24 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) đã chính thức khai mạc tại thành phố Katowice (Ba Lan).

COP 24 lần này được xem là cơ hội để các quốc gia, vốn đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu nhất đưa ra minh chứng của sự tác động từ biến đổi khí hậu, qua đó hối thúc các cường quốc công nghiệp phải có những cam kết và hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch tại hội nghị COP 24 lần này, gần 200 quốc gia đã tham gia ký kết Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu sẽ có thời gian là hai tuần làm việc tại Katowice để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái đất ở dưới mức 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, thế giới đang đi chệch hướng trong kế hoạch ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và con người vẫn chưa hành động đầy đủ và kịp thời để ngăn chặn tình trạng này.

Do đó, với với khẩu hiệu “Cùng thay đổi,” Ba Lan hy vọng hội nghị lần này sẽ tạo được sự đồng thuận đối với các nước tham dự để thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu của mình. Theo Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, bà Maria Espinosa, sự thành công của Hội nghị COP 24 lần này phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, những giải pháp nghiêm túc và triệt để để bảo vệ môi trường, qua đó làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 5Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4
Truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu thăm dò Mặt Trăng có tên Hằng Nga 4 (Chang’e- 4) đã được phóng vào rạng sáng ngày 8/12 và dự kiến sẽ lần đầu tiên đáp xuống vùng tối của Mặt Trăng trong thời gian tới.

Theo các nguồn tin, tên lửa đẩy Trường Chinh 38, mang theo tàu thăm dò, đã được phóng đi từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên vào lúc 2 giờ 23 phút sáng giờ địa phương, mở ra hy vọng mới của Trung Quốc trong quá trình khám phá Mặt Trăng.

Trong khi đó, thông báo của Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cho biết các nhiệm vụ khoa học của tàu thăm dò Hằng Nga 4 sẽ bao gồm quan sát thiên văn vô tuyến tần số thấp, khảo sát địa hình và địa chất, phát hiện thành phần khoáng vật và cấu trúc bề mặt trăng , và đo bức xạ neutron và nguyên tử trung tính để nghiên cứu môi trường ở vùng tối của Mặt Trăng.

Sự kiện quốc tế 3-9/12: Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ ảnh 6Tên lửa đẩy Trường Chinh 38 mang theo tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 4 rời bệ phóng tại Trung tâm vệ tinh Tây Xương. (Nguồn: THX/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục