Sự tiến bộ của Trung Quốc liệu có phải là điểm chuẩn cho phương Tây?

Ngày càng nhiều quốc gia lấy Trung Quốc như một hình mẫu, trong khi đó, phương Tây lại vô cùng nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có đang cố gắng xuất khẩu mô hình phát triển của họ hay không.
Sự tiến bộ của Trung Quốc liệu có phải là điểm chuẩn cho phương Tây? ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng globaltimes.cn vừa đăng bài viết chia sẻ quan điểm của tác giả Song Luzheng, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Phúc Đán, về sự phát triển của Trung Quốc đã tác động như thế nào đối với phương Tây.

Mở đầu bài viết tác giả khẳng định những thành tựu về cải cách và mở cửa của Trung Quốc trong 40 năm qua đã khiến toàn thế giới, bao gồm cả phương Tây, không còn nghi ngờ gì về sự thành công của mô hình Trung Quốc.

Ngày càng nhiều quốc gia lấy Trung Quốc như một hình mẫu, trong khi đó, phương Tây lại vô cùng nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có đang cố gắng xuất khẩu mô hình phát triển của họ hay không.

[Truyền thông Trung Quốc cáo buộc Mỹ tìm cách "bóp nghẹt" Huawei]

Tác giả nhấn mạnh rằng thực tế, Trung Quốc không muốn xuất khẩu mô hình phát triển của mình.

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao đối thoại Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới diễn ra ở Bắc Kinh hồi tháng 12/2017, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Tập Cận Bình cho biết CPC sẽ không xuất khẩu các mô hình phát triển nước ngoài cũng như các mô hình Trung Quốc.

Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không yêu cầu các nước khác phải sao chép quy trình hoạt động của Trung Quốc."

Trung Quốc đã làm nổi bật sự phát triển dựa trên điều kiện thực tế. Song Luzheng nhắc lại rằng việc phương Tây xuất khẩu các mô hình của mình tới các nước khác, chẳng hạn như Libya, Afghanistan và Iraq, đã mang đến những kết cục bi thảm.

Nhìn vào những gì các nước này đã trải qua, Trung Quốc tin chắc rằng không có một mô hình nào phù hợp cho toàn thế giới và tất cả các quốc gia đều có những đặc điểm riêng biệt.

Tác giả nhấn mạnh mô hình Trung Quốc có tính độc đáo riêng mà các quốc gia khác không thể áp dụng y hệt. Lịch sử sự trỗi dậy của phương Tây cũng đã chứng minh rằng mô hình phương Tây chỉ phù hợp với phương Tây.

Không may thay, có lẽ phương Tây không nhận ra điều đó, hoặc họ có những động cơ thầm kín, chẳng hạn như loại bỏ những gì mà họ coi là mối đe dọa tiềm tàng bằng việc phá vỡ sự phát triển của những nước khác, từ đó, họ buộc những nước khác nhau phải phát triển theo cách của phương Tây.

Vậy, sự khám phá và thành công của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với thế giới?

Theo tác giả, trước hết, đối với các nước đang phát triển, việc này khuyến khích họ thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây và trở nên độc lập hơn. Phương Tây từng giữ độc quyền việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp, sự sẵn có của vốn và giá nguyên liệu thô, còn các nước đang phát triển là những chư hầu của phương Tây. Sẽ rất khó để họ có thể tồn tại nếu họ không chấp nhận những điều kiện mà phương Tây áp đặt.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc giúp họ nhận ra rằng họ có thể bảo vệ sự độc lập của chính mình.

Thứ hai, các quốc gia đang phát triển khác có thể bước lên “chuyến tàu” phát triển của Trung Quốc.

Tác giả cho rằng việc chia sẻ những kết quả từ sự phát triển của Trung Quốc có thể giúp những nước này cải thiện mức sống của người dân.

Lấy các nước châu Phi làm ví dụ. Trung Quốc đã cung cấp cho họ những sản phẩm công nghiệp chất lượng cao và giá cả phải chăng, như điện thoại di động, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng lớn và giúp họ lấy lại quyền định giá cho những nguyên liệu thô.

Ngoài ra, Trung Quốc còn cung cấp các chương trình đào tạo cho người dân địa phương.

Tác giả khẳng định kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, châu Phi đã bị phương Tây lãng quên. Sự trỗi dậy và mở rộng dấu chân của Trung Quốc trên lục địa Đen đã khiến phương Tây phải đánh giá lại tầm quan trọng của châu Phi.

Để cạnh tranh với Trung Quốc, phương Tây phải tái củng cố các nỗ lực chính trị, kinh tế và ngoại giao của họ trên lục địa này. Thật công bằng khi nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đã giúp các nước châu Phi thu hút thêm nhiều sự chú ý và hỗ trợ từ phương Tây.

Thứ ba, tác giả cho rằng trên vũ đài quốc tế, Trung Quốc luôn đứng bên các nước đang phát triển để cố gắng đòi lại tiếng nói lớn hơn cho các nước thuộc thế giới thứ 3 về phương diện chính trị quốc tế.

Tác giả nhận định đối với các nước phương Tây, thành công của Trung Quốc không chỉ có nghĩa là cạnh tranh. Trung Quốc là quốc gia nhận vốn và công nghệ phương Tây suốt 4 thập kỷ qua và họ cũng đã cung cấp các sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng cho phương Tây. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai trên thế giới.

Hãy tưởng tượng rằng nếu không có thị trường Trung Quốc, liệu tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ có thể duy trì sức tăng trưởng như hiện nay?

Tác giả kết luận rằng tầm quan trọng từ sự thành công của mô hình Trung Quốc không chỉ ở chỗ nó có thể giúp các nước đang phát triển khác có thể phát triển kinh tế, mà còn khiến phương Tây phải nhìn nhận kinh nghiệm của Trung Quốc như một điểm chuẩn.

Do vậy, các quốc gia không nên coi phương hướng phát triển của mình là con đường khả thi duy nhất để áp đặt lên những nước khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục