Sức sống Trường Sa

Sức sống mãnh liệt ở thị trấn đảo Trường Sa Lớn

Trong cái nắng và gió lồng lộng, thị trấn Trường Sa Lớn - Thủ đô đảo nổi - đang thay da đổi thịt từng ngày với một sức sống mãnh liệt.
Sau một năm trở lại Trường Sa, trong cái nắng, gió và màu xanh lồng lộng của biển trời, tôi cảm nhận được rõ rệt sức sống mãnh liệt khiến thị trấn Trường Sa Lớn - Thủ đô đảo nổi - đang thay da đổi thịt từng ngày.

Đến với đảo Trường Sa Lớn những ngày đầu Hè này, khó có thể tìm lại những hình ảnh của một bãi san hô nổi hoang sơ giữa biển mà nhà thơ Trần Đăng Khoa từng miêu tả trong tác phẩm "Đảo Chìm." Màu trắng của nền san hô nổi, những mái lều dã chiến của người lính hải quân của "Đảo Chìm" trước đây đã được thay thế bằng một màu xanh mướt của những rặng cây bàng vuông, cây phong ba, cây nhàu, đu đủ xen lẫn những mái ngói đỏ tươi.

Công dân của thị trấn Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa nay không chỉ có những người lính hải quân cùng những bầy mòng biển, mà còn có cả những người đồng đội không quân, biên phòng… và cả những người dân đảo quả cảm tình nguyện gắn bó với đảo.

"Nhớ đất liền, bà con họ hàng thì có nhớ chứ, nhưng gia đình tui vẫn xác định nguyện vọng gắn bó lâu dài với thị trấn đảo, gắn bó với bà con khu dân cư với anh em bộ đội trên đảo," anh Trương Đình Phương, hộ dân số 1, khu dân cư thị trấn đảo Trường Sa Lớn chia sẻ.

Một không gian sống đáng mơ ước

Hoàn thiện được hệ thống năng lượng Mặt Trời và gió từ cuối năm 2010, đến nay Trường Sa Lớn cũng như đa phần các điểm đảo trong huyện đã có điện 24/24.

Được quy hoạch ngay từ đầu, toàn bộ hệ thống dây dẫn được chôn ngầm nên trên toàn bộ đảo không có cảnh dây điện chăng chằng chịt như ở đất liền.

Nhờ đã "dư dả" về điện, mọi sinh hoạt học tập, công tác của quân và dân trên đảo trở nên thuận lợi hơn. Phần lớn các hộ dân đều mua sắm thêm các thiết bị điện gia dụng như tivi, dàn karaoke, tủ lạnh.

Điện được đảm bảo, Trường Sa cũng gần đất liền hơn nhờ thông tin liên lạc qua sóng viễn thông di động luôn thông suốt. Thậm chí, việc cập nhật thông tin Internet trên đảo cũng khá dễ dàng với bộ đội, nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn.

Trên thị trấn đảo, các cơ sở hạ tầng được xây dựng khoa học, từ khu làm việc của các cơ quan Dân-Chính-Đảng, hội trường, khu dân cư, khu bệnh xá, đến lớp học hay các công trình quân sự. Những con đường trên đảo 100% được bêtông hóa, sạch sẽ, được bố trí khoa học và rất đẹp, uốn lượng dưới những tán cây xanh mát.

Ấn tượng nhất phải kể đến công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ và Tượng đài Liệt sỹ bằng đá khối nằm trang trọng bên đường băng của đảo như một điểm nhấn kiến trúc của thị trấn.

Khách ra thăm đảo được bố trí nghỉ trong Nhà khách Thủ đô, do nhân dân thành phố Hà Nội đóng góp xây dựng, phòng ốc khang trang, hiện đại, nhìn thẳng ra Đại lộ Trường Sa thênh thang.

Trong gió biển lồng lộng, được thả bước đi dạo trên con đường bêtông quanh đảo dưới ánh đèn điện lung linh, không khói xe, không tắc đường hẳn là niềm mơ ước của nhiều người dân phố thị đất liền.

Môi trường xanh - Thực phẩm sạch

"Do diện tích trên đảo hạn chế nên kể cả đến việc tăng gia trồng rau, chăn nuôi của bộ đội và nhân dân cũng đều phải được cân nhắc, quy hoạch tối ưu để đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp," Thượng tá, Đảo trưởng Nguyễn Hữu Lục giới thiệu khi dẫn khách đi thăm các vườn rau, chuồng trại tăng gia của bộ đội và người dân trên đảo.

Rác sinh hoạt, rác tăng gia trên đảo đều được có điểm tập trung để tái sử dụng trước khi hủy. Hệ thống bể, túi phao trữ nước ngọt trên đảo giờ hoàn toàn có thể đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày của chiến sỹ, nhân dân trên đảo cũng như tận dụng tối đa để phục vụ hoạt động sản xuất tăng gia.

Đất màu cũng liên tục được bổ sung từ đất liền, nhờ vậy, không chỉ ở Trường Sa Lớn mà trên toàn bộ huyện đảo Trường Sa, từ rau, thịt, cá biển đều là thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ; đủ cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của các cư dân.

Một người lính trẻ đi theo đoàn nói vui: "Thực phẩm đồ hộp giờ chúng em chỉ để dự trữ hoặc làm quà cho khách đất liền biết mùi thôi ạ."

Nhắc đến đặc sản tăng gia của Trường Sa Lớn, không thể không kể đến những vườn đu đủ bạt ngàn trên khắp đảo. Hăm hở bổ đu đủ mời khách nếm bằng được, anh Võ Văn Trường, hộ dân số 6 trên đảo cho biết, vào vụ thu hoạch toàn đảo có thể thu hoạch đến hàng chục tấn đu đủ quả.

Có lẽ do "hợp cát" nên đu đủ Trường Sa lớn quả, ruột đậm màu cam đỏ, ngon mắt và có vị ngọt hơi mằn mặn rất đặc trưng của biển.

Còn có thể kể rất nhiều về những thành quả phát triển mà Trường Sa Lớn cũng như toàn bộ huyện đảo Trường Sa đang có ngày hôm nay. Nhưng trên hết, với sức sống và tinh thần ấy, Trường Sa đang và sẽ được nhắc đến không chỉ như một điểm đảo tiền tiêu quân sự để bảo vệ chủ quyền trên biển, mà còn như một huyện đảo dân sinh, đang từng ngày, từng giờ hòa nhịp sống cùng sự phát triển của cả đất nước./.

Quang Thanh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục