Đạt nhiều tiến triển

Syria: Quân chính phủ đạt nhiều tiến triển ở Aleppo

Quân chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực chiến lược tại Aleppo, tiêu diệt và phá hủy vũ khí của nhiều phiến quân.
Lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 23/7 tiếp tục phát động các chiến dịch quy mô lớn tại thành phố miền Bắc Aleppo và giành lại quyền kiểm soát toàn bộ tuyến đường chiến lược nối thị trấn Khanaser và Aleppo.

Nguồn từ hãng thông tấn chính thức SANA của Syria cho biết quân chính phủ đã "khôi phục an ninh và ổn định" dọc theo con đường trên sau khi tiêu diệt các nhóm "khủng bố vũ trang," từng thực hiện các vụ cướp bóc và tấn công nhằm vào xe cộ qua lại trên tuyến giao thông này.

Quân chính phủ cũng đạt được các "tiến bộ lớn" tại quận Rashidin thuộc thành phố Aleppo và giành lại quyền kiểm soát hàng loạt khu nhà tại khu vực này.

Ngoài ra, quân chính phủ còn phá hủy hàng loạt địa điểm trú ẩn của phiến quân, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tay súng tại các quận Bustan al-Qasr và al-Sheikh Khudr, cũng như tại thị trấn Khan al-Assal ở phía Tây Nam Aleppo.

Cũng trong ngày 23/7, quân chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn Sukhna ở ngoại ô thành phố chiến lược Homs ở phía Tây Syria, phá hủy nhiều vũ khí và trang thiết bị của quân nổi dậy.

Trong khi đó, tại thủ đô Damaccus, các đơn vị vũ trang Syria cũng tiêu diệt nhiều tên "khủng bố" và phá hủy các kho vũ khí của phiến quân tại một số khu vực ở khu vực ngoại ô.

Một nguồn tin cho biết quân chính phủ đã đạt được các "tiến bộ quan trọng" tại thị trấn Hijjeira ở phía Nam Damaccus.

Trong khi đó, tờ Al Alam của Iran cho biết quân đội Syria đã bắt sống một số thủ lĩnh quan trọng của Mặt trận Al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda gần trại tị nạn Yermouk và thánh địa Hazrat Zainab ở vùng ngoại ô phía Nam Damascus.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi khẳng định nước này quyết tâm thực hiện chương trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phát biểu tại buổi tiếp người đứng đầu Văn phòng đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc tại Syria Mokhtar Lamani, ông al-Halqi cho biết Damaccus đồng ý tham dự hội nghị quốc tế Geneva sắp tới một cách vô điều kiện, đồng thời nhấn mạnh rằng Syria mở cửa đối với tất cả các sáng kiến nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay trừ phi các sáng kiến này không đặt ra các điều kiện tiên quyết hay mệnh lệnh nào.

Cùng ngày, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Mark Lyall Grant cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tiến hành cuộc gặp đầu tiên với "lãnh đạo cao cấp" của Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập tại New York vào ngày 26/7 tới.

Theo ông Grant, London "đang thu xếp một hội nghị không chính thức để 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Nga và Trung Quốc, gặp các lãnh đạo cấp cao liên minh chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Liên hợp quốc vào ngày 26/7."

Hội nghị này "sẽ cung cấp một diễn đàn cho các thành viên của hội đồng có thể trao đổi thẳng thắn và không chính thức với liên minh dân tộc nhằm thảo luận các vấn đề mấu chốt liên quan đến cuộc xung đột ở Syria."

Theo đó, chủ đề thảo luận bao gồm việc chấm dứt bạo lực và chuẩn bị cho hội nghị Geneva lần thứ 2; giải quyết vấn đề viện trợ nhân đạo, nhân quyền, người tị nạn và bảo vệ thường dân.

Cũng trong ngày 23/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp lãnh đạo các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ nhằm thảo luận về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo do bạo lực lan tràn tại Syria.

Ngoại trưởng Kerry khẳng định việc tiếp cận, sơ tán và bảo vệ người dân Syria trong giai đoạn này là rất khó khăn. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và tổ chức phi chính phủ cho rằng cuộc xung đột tại Syria là cuộc xung đột tồi tệ nhất trên thế giới kể từ nạn diệt chủng tại Ruwanda năm 1994.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, khoảng 4 triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa do xung đột.

Trong một diễn biến khác có liên quan, cùng ngày, đặc phái viên Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Robert Serry cho biết Liên hợp quốc đã nhận được 13 báo cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công tại Syria.

Phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Trung Đông, ông Serry cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vẫn đang "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột tại Syria, đồng thời cho biết hiện các báo cáo này vẫn đang được "nghiên cứu."

Tuyên bố trên được ông Serry đưa ra trong bối cảnh trưởng nhóm điều tra Liên hợp quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria Ake Sellstrom và Đại diện cấp cao của Liên hợp quốc phụ trách giải trừ quân bị Angela Kane sẽ đến Damascus trong ngày 24/7 nhằm bắt đầu thảo luận với Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad về việc đảm bảo cho các điều tra viên có thể tiếp cận các khu vực - nơi vũ khí hóa học được cho là đã được sử dụng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục