Tác động của các biện pháp trừng phạt Nga với các ngân hàng Thụy Sĩ

Không rõ Nga sẽ phản ứng như thế nào trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng các công ty tài chính đang phải gồng mình trước một loạt các cuộc tấn công mạng tiềm tàng.
Tác động của các biện pháp trừng phạt Nga với các ngân hàng Thụy Sĩ ảnh 1Ngân hàng UBS. (Ảnh: Reuters)

Các ngân hàng, các nhà quản lý tài sản và quỹ hưu trí tại Thụy Sỹ đang điều chỉnh danh mục tài chính trong bối cảnh Nga bị loại trừ khỏi thị trường tài chính.

Một số ảnh hưởng đã được cảm nhận ngay lập tức trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng còn có những hậu quả khác ít chắc chắn hơn sẽ phải có độ trễ nhất định để có thể đánh giá được tác động.

Lệnh trừng phạt

Giai đoạn đầu, Thụy Sỹ không muốn áp dụng toàn bộ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga với lập luận rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc sẽ làm suy yếu vị thế là một quốc gia trung lập.

Tuy nhiên, dưới sức ép từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và dư luận trong nước, Chính phủ Thụy Sỹ đã sớm đảo ngược chính sách của mình và coi trọng đường lối của EU.

Mười ngày sau chiến dịch đặc biệt của Nga, Chính phủ Thụy Sỹ tuyên bố cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp của Nga và áp đặt các hạn chế trên phạm vi rộng đối với các hoạt động tài chính, bao gồm cả việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT.

Enzo Caputo - chủ sở hữu công ty Luật Ngân hàng Thụy Sỹ chuyên tư vấn cho các khách hàng giàu có về việc chuyển tài sản của họ sang Thụy Sỹ - nhận xét: Các ngân hàng Thụy Sỹ thích khách hàng Nga vì họ có thể tính phí gấp đôi. Bây giờ họ bị đối xử như thể họ là một người bị nhiễm bệnh và nguy hiểm.

[Liên minh châu Âu tước bỏ quy chế Tối huệ quốc của Nga tại WTO]

Ông Caputo cho biết các ngân hàng Thụy Sỹ hiện đang nghi ngờ bất kỳ khách hàng Nga nào. Do đó, một số muốn chuyển tài sản của họ thành vàng và chuyển chúng đến Dubai.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, người Nga không còn tin tưởng Thụy Sỹ nữa. Những người giàu có ở khu vực Baltic lại muốn chuyển tài sản của họ đến Thụy Sỹ vì lo ngại rằng Nga có thể gây căng thẳng với Estonia, Latvia hoặc Estonia.

Theo một nhân viên ngân hàng tư nhân, mọi người đang lo lắng và các ngân hàng đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các khách hàng tìm kiếm lời khuyên về cách giữ an toàn cho tài sản của họ. Rất nhiều luật sư và cố vấn tài chính đang xoay sở để tìm cách đa dạng hóa rủi ro. Nếu khi kiểm tra lý lịch đối với một số khách hàng mà phát hiện thấy chủ sở hữu là người Nga thì đều bị từ chối hoạt động kinh doanh.

Rủi ro tiềm tàng

Nhà kinh tế trưởng Stefan Gerlach của Ngân hàng EFG cho biết, rủi ro tiềm tàng nhất đối với các ngân hàng Thụy Sỹ là lượng tiền Nga bị trừng phạt được cất giữ tại trung tâm lớn nhất toàn cầu về sự giàu có ở nước ngoài này.

Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ ước tính rằng các thành viên của họ nắm giữ tới 200 tỷ CHF (214 tỷ USD) liên quan đến Nga. Mặc dù Hiệp hội đã trục xuất các ngân hàng Gazprombank và Sberbank của Nga, nhưng không cho biết số tiền phải chịu lệnh trừng phạt là bao nhiêu.

Ông Gerlach nói: “Với tư cách là một quốc gia, Thụy Sỹ đã không được hưởng lợi từ danh tiếng trước đây là thiên đường của những kẻ trốn thuế và xử lý tiền của các nhà độc tài. Mọi ngân hàng đều biết rằng nếu họ không tuân thủ nghiêm túc các lệnh trừng phạt, họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro pháp lý và uy tín lớn.”

Thụy Sỹ có thể chịu thêm áp lực từ Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), một cơ quan quốc tế được thành lập để chống rửa tiền. Ngày 4/3, FATF đã cập nhật các khuyến nghị về việc truy tìm chủ sở hữu có lợi của các tài sản ẩn sau vỏ bọc của các công ty.

FATF hiện khuyến cáo rõ ràng rằng các quốc gia nên giữ một sổ đăng ký trung tâm về các chủ sở hữu thụ hưởng, điều mà cho đến nay Thụy Sỹ vẫn từ chối thực hiện. Các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng điều này cần được chấn chỉnh theo hướng dẫn của FATF.

Ngoài quản lý tài sản, trung tâm tài chính Thụy Sỹ cho đến nay đã báo cáo mức độ hạn chế đối với các khoản đầu tư và cho vay của Nga. Cổ phiếu công ty Nga hầu như không có giá trị trên thị trường toàn cầu và có những lo ngại về các vụ vỡ nợ tín dụng và trái phiếu trong thời gian tới.

UBS có 634 triệu USD (593 triệu CHF) chịu rủi ro trực tiếp ở Nga vào cuối năm ngoái và Credit Suisse 1,7 tỷ USD. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với các ngân hàng châu Âu khác, chẳng hạn như Raiffeisen của Áo, Société Générale của Pháp và Crédit Agricole hoặc ING của Hà Lan.

Hiện các ngân hàng như UBS, Credit Suisse và Julius Bär tiếp tục giữ cho các chi nhánh ở Moskva của họ mở cửa bất chấp việc Goldman Sachs và các ngân hàng Mỹ khác đã thông báo rút khỏi Nga.

Tại Mỹ, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới Blackrock, đã thu về 17 tỷ USD từ các khoản đầu tư vào Nga. UBS và Pictet là hai ngân hàng Thụy Sỹ đã đóng băng các quỹ tập trung vào Nga, nhưng tình hình của các nhà quản lý tài sản độc lập không rõ ràng.

Clarus Capital có trụ sở tại Zurich, có tài sản hơn 1,5 tỷ CHF đang được quản lý, cho biết họ đã đa dạng hóa khỏi việc tập trung vào Nga và Đông Âu. Nhà quản lý Giancarlo Guetg cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu cách đây 10 năm, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng Nga. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác đáng kể. Đức, Israel và Ba Lan là những thị trường phát triển nhanh nhất của chúng tôi.”

Nguy cơ tấn công mạng

Các quỹ hưu trí của Thụy Sỹ đã chi tiết hóa các khoản lỗ liên quan của Nga, bao gồm khoản lỗ 170 triệu CHF do quỹ lớn nhất Publica gây ra. Tập đoàn tư vấn PPCmetrics có trụ sở tại Zurich ước tính rằng các quỹ hưu trí của Thụy Sỹ có trung bình từ 0,3% đến 0,5% tài sản đầu tư vào Nga. Các quỹ cũng đã phải chịu những khoản lỗ gần đây do sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Michael Lauener, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hiệp hội Quỹ hưu trí Thụy Sỹ, cho biết: “Sự mất giá đột ngột về giá trị của các khoản đầu tư và các hạn chế giao dịch do các lệnh trừng phạt áp đặt, khiến các quỹ hưu trí không có cơ hội thực sự để thực hiện hành động cụ thể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tiếp xúc trực tiếp với Nga vẫn rất khiêm tốn và không gây ra rủi ro đáng kể. Không có phản ứng hoảng sợ. Điều quan trọng cần lưu ý là quỹ hưu trí có định hướng dài hạn.”

Không rõ Nga sẽ phản ứng như thế nào trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng các công ty tài chính đang phải gồng mình trước một loạt các cuộc tấn công mạng tiềm tàng. Điều này cho thấy ngân hàng có thể là một ngành kinh doanh nguy hiểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục