Trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đã tăng điểm cả tuần trọn vẹn (từ ngày 18-22/2) và là phiên tăng điểm thứ 9 trong hai tuần. Kết thúc phiên hôm nay (22/2), thị trường có 144 mã tăng và 152 mã giảm, song trong rổ VN30 vẫn có 17 mã tăng, 1 mã đi ngang và 12 mã giảm.
[Thị trường chứng khoán Việt: Cuộc chơi của những 'gã tí hon']
Điểm tích cực trong trong tuần là nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng với giá trị 772,92 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 23,64 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã chứng khoán E1VFVN30 được mua ròng lớn nhất 15,4 triệu đơn vị, tiếp đến là mã HPG với 8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, mã CII đã bị bán ròng mạnh nhất 4,3 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, tại sàn Hà Nội, diễn biến giao dịch trong tuần là trung tính với ba phiên tăng điểm và hai phiên đi xuống, tương ứng mức cao nhất và thấp nhất lượt tại 107,09 điểm và 105,91 điểm. Tại đây, khối ngoại cũng mua ròng giá trị 55,5 tỷ đồng với khối lượng 1,98 triệu cổ phiếu. Trong đó, mã PVS được mua ròng cao nhất 4,6 triệu cổ phiếu và mã SHS bị bán ròng nhiều nhất với 447.000 cổ phiếu.
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cả tuần giao dịch, VN-Index đã tăng 38,02 điểm (+4%) lên 988,91 điểm và HNX-Index tăng 0,706 điểm (+0,7%) lên 106,82 điểm. Thanh khoản trong tuần có mức tăng nhẹ và trung bình 20 tuần khoảng hơn 4.800 tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên sàn HoSE tăng 10,6% với 21.803 tỷ đồng/phiên và trên sàn HNX tăng 18,2% với 2.456 tỷ đồng/phiên.
Với diễn biến thị trường trên, nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán MBS kỳ vọng thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục nối dài đà tăng để hướng tới "mốc tâm lý 1.000 điểm." Theo họ, sự luân phiên đổi vai giữa những mã trụ cột đã giúp các chỉ số duy trì đà tăng điểm trong khi mặt bằng cổ phiếu có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, đà tăng của VN-Index đã yếu đi nhờ đó thị trường vẫn chưa thấy rõ những mức cản đáng kể.
Song, ông Nguyễn Khắc Thành, chuyên viên phân tích tại SHS lại có quan điểm thận trọng hơn và cho rằng nhóm cổ phiếu trụ cột trên hai sàn đều có mức tăng trưởng tốt và tạo hậu thuẫn cho các chỉ số cùng tăng điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngành tài chính tăng mạnh nhất với 5,8% giá trị vốn hóa, tiếp đến là nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng tăng 3% giá trị vốn hóa.
“Tâm lý thị trường vẫn duy trì được sự tích cực với số thông tin vĩ mô hỗ trợ cho thị trường quốc tế, như việc Mỹ-Trung đang sắp đạt được một thỏa thuận về đình chiến thương mại. Tuy nhiên, có thể thấy dòng tiền trong tuần qua không có sự lan tỏa tốt khi chỉ tập trung vào một số cổ phiếu trụ cột. Diễn biến này khiến cho đà tăng trở nên rủi ro hơn và khả năng sẽ cần một nhịp điều chỉnh nhằm hạ nhiệt thị trường,” ông Thành nói.
Thêm vào đó, sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư cũng được thể hiện trên các hợp đồng tương lai VN30 hiện đang thấp hơn so với chỉ số VN30 từ thị trường cơ sở từ 10 điểm - 14 điểm. Từ góc độ kỹ thuật, ông Thành cho rằng, mức kháng cự gần nhất của VN-Index là 990 điểm và tiếp đến là ngưỡng 1.005 điểm.
“Dư địa tăng của thị trường hiện không còn nhiều, do đó trong tuần giao dịch tới, chỉ số VN-Index có thể sẽ xảy ra nhịp điều chỉnh ngắn hạn nếu như không thể vượt được ngưỡng kháng cự 990 điểm,” ông Thành dự báo./.