“Từ trước tới nay, nghĩ về Hà Nội, nhiều người vẫn hình dung về một đô thị phồn hoa với những sắc màu rực rỡ hay những đường nét mềm mại, câu chuyện trữ tình sâu lắng… Ít ai tưởng tượng đến những câu chuyện ma quái. Thế nhưng, Hà Nội thời bao cấp lại khá âm u vì hay mất điện. Những đứa trẻ vẫn túm năm tụm bảy kể cho nhau nghe những câu chuyện ma với thái độ vừa thích thú vừa sợ hãi. Thế giới thực-ảo đan xen trong cuộc sống của chúng. Một Hà Nội như vậy đã từng tồn tại và tôi muốn đặc tả điều này.”
Tại buổi tọa đàm “Cửa sổ” - Cái nhìn lạ về một Hà Nội quen” diễn ra tối qua (8/7) tại Hà Nội, họa sỹ Tạ Huy Long đã chia sẻ về lý do đưa yếu tố huyền hoặc - giấc mơ xuất hiện những con ma vào truyện tranh “Cửa sổ” của mình.
“Cửa sổ” là hoài niệm về tuổi thơ nơi phố cổ, một cái nhìn lạ về Hà Nội của thập niên 80 trong thế kỷ trước, khi bách hóa tổng hợp Tràng Tiền chưa bị dỡ bỏ, tàu điện vẫn leng keng trên những tuyến phố và phương tiện đi lại chủ yếu vẫn là xe đạp… Như chính nhan đề, tác giả kể câu chuyện về một Hà Nội đã xa từ một góc nhìn đặc biệt - khung cửa sổ.
Từ đó, Hà Nội hiện ra với những ngôi nhà san sát lợp mái ngói cũ kỹ, những ô cửa sổ nhỏ bao giờ cũng xây quá đầu người, cây cầu Long Biên với hình ảnh những ông bố trong trang phục bộ đội chở con đi học bằng xe đạp…
“Tuổi thơ trên phố của tôi vừa có phần tù túng, tối tăm, lại vừa có ánh sáng lung linh của trí tưởng tượng. Cái cửa sổ mà tôi không thể biết bên ngoài nó chứa thứ gì càng khiến tôi tò mò và nghĩ ra đủ thứ quanh nó. Tôi không nhớ đã có bao nhiêu giấc mơ mà trong ấy, tôi bay được và bay qua cái cửa sổ đó, bay rất cao và nhìn cả Hà Nội trải ra bên dưới,” tác giả tâm sự.
Tạ Huy Long bảo, căn phòng ở phố Hàng Bồ trong câu chuyện này là nơi anh đã lớn lên. Trong câu chuyện, nguồn ánh sáng duy nhất của cả căn phòng đến từ khung cửa sổ. Khung cửa này vẫn thường đóng vì từng có một cậu bé trèo lên đó, bị ngã và qua đời, biến thành một bóng ma quẩn quanh cậu bé nhân vật chính.
Một khía cạnh lẩn khuất ám ảnh người đọc là những bức tranh đậm chất ma mãnh (với hình ảnh con châu chấu mặt người), mang trong nó những ẩn dụ của luân hồi, chuyển kiếp và phảng phất mơ hồ, khó nắm bắt như những giấc mơ vụt lóe lên lên giữa cuộc sống bận bịu thường nhật. Chúng sẽ đưa độc giả về lại với một Hà Nội quen thuộc của một thời đã xa.
Với Tạ Huy Long, con châu chấu là cánh cửa mở ra giữa hai thế giới, hình ảnh ẩn dụ cho những linh hồn chưa được siêu thoát, muốn bay đến một thế giới khác.
Điều này khiến cho “Cửa sổ” trở thành một câu chuyện ngắn gọn nhưng giàu sức khơi gợi và kích thích tưởng tượng người đọc. Tạ Huy Long khiến lứa độc giả từng trải qua những năm tháng bao cấp như thấy lại tuổi thơ nhiều kỷ niệm của mình, bị nhốt ở nhà mỗi khi mẹ đi làm; tự nô giỡn, tưởng tượng về thế giới bên ngoài hay buồn chán, tha thẩn chơi một mình với những thứ đồ chơi nghèo nàn…
“Cái cửa sổ là một cửa ngõ hứa hẹn với tôi về một thế giới khác. Nó như một tấm gương thần kỳ. Còn ‘tại sao nó lại gắn với con châu chấu có khuôn mặt người ấy’ thì chính tôi cũng không hiểu rõ ràng lắm. Có lẽ, với tôi, nó chỉ đơn giản là đôi cánh tự do. Tự do như một chú châu chấu nhảy trên đồng,” Tạ Huy Long trải lòng.
Anh không chọn cách vẽ truyện tranh trên máy tính theo xu hướng hiện đại mà cẩn trọng từng đường nét với cây cọ, trang giấy và màu nước. Với lối sử dụng màu sắc linh hoạt, những đường vẽ thoáng, có chút mơ màng, huyền bí, mỗi bức vẽ có thể đứng độc lập như một tác phẩm hội họa hoàn chỉnh về một góc Hà Nội xưa.
Họa sỹ Tạ Huy Long sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Nội thất (Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Anh từng gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng qua các triển lãm “Ngày xưa tôi là…” (2009), “Tôi vẽ tôi” (2012)…
Truyện tranh màu “Cửa sổ” do Nhà xuất bản Thế giới phối hợp với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản.
Một số bức tranh trong “Cửa sổ” của Tạ Huy Long (Ảnh: Nhã Nam):