Ngày 25/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin thị trường, cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh trong thời gian tới.
Liên minh kinh tế Á-Âu gồm 5 quốc gia Nga, Kazakhtan, Belarus, Armenia và Kyrgystan, vốn là những bạn hàng truyền thống của Việt Nam, trong đó, Nga là đối tác quan trọng và là nòng cốt của cả liên minh.
Giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và liên minh đạt 4,2 tỷ USD trong năm 2014 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 5-6%/năm. Đây là con số rất nhỏ bé so với tiềm năng to lớn cũng như nhu cầu đẩy mạnh giao thương của mỗi bên.
Ông Dương Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp thuộc Liên minh Á-Âu, nhất là doanh nghiệp Nga có thế mạnh về chế tạo, xuất khẩu máy móc, thiết bị công nghiệp, hóa chất, xây dựng công trình năng lượng, khai thác khoáng sản nên phù hợp với nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam giàu tiềm năng về nông sản, hàng dệt may, điện tử gia dụng… Như vậy, cơ cấu hàng xuất khẩu của hai bên có tính chất bù đắp, bổ sung cho nhau, có thể đáp ứng yêu cầu giao thương trong dài hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) chính là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các bên gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư trong thời gian tới, nhất là thông qua “cầu nối” là Việt Nam, các doanh nghiệp Nga có điều kiện thuận lợi hơn để thâm nhập vào thị trường ASEAN .
Đại diện Bộ Hợp tác phát triển Nga nhấn mạnh, tiềm năng của hai bên còn rất lớn. Nhờ sự quan tâm của Chính phủ hai bên đã tạo điều kiện tối đa về chính sách, hỗ trợ về thủ tục thuế, hải quan nên chắc chắn quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên sẽ có nhiều cải thiện, tăng trưởng cao hơn trong tương lai gần.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị giới doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt thông tin, quy định về FTA; nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu của mỗi thị trường cụ thể; yêu cầu và tập quán thanh toán, bảo hiểm đối với hàng xuất, nhập khẩu…/.