Tăng cường khai thác hiệu quả thế mạnh của thị trường Hong Kong

Theo Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm, Hong Kong nằm trong nhóm đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại đứng thứ bảy của đặc khu hành chính này.
Tăng cường khai thác hiệu quả thế mạnh của thị trường Hong Kong ảnh 1Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm (bên trái) tại cuộc gặp với ông Paul Chan, Giám đốc Sở Tài chính Hong Kong. (Ảnh do Tổng lãnh sự quán cung cấp).

Quý 1 năm 2023, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ phối hợp đưa khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu của Hong Kong sang Việt Nam khảo sát thị trường, gặp gỡ đối tác, các cơ quan chính phủ, địa phương để hình thành được các dự án, hợp đồng, hợp tác, kinh doanh hiệu quả trên những lĩnh vực về thương mại, đầu tư, sản xuất, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao.

Đào tạo, phát triển kết nối nguồn nhân lực cũng là một trong những ưu tiên cao của Tổng Lãnh sự quán, trong đó có việc tiếp tục vận động các trường đại học Hong Kong tăng cường các học bổng, hợp tác với các trường Việt Nam.

Đồng thời, Tổng Lãnh sự quán sẽ tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề về thị thực lao động của Việt Nam. Đây là những hoạt động trọng tâm thời gian tới nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Tổng Lãnh sự Phạm Bình Đàm nêu rõ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong, trong đó có bộ phận thương vụ, đã thiết lập, duy trì quan hệ rất tốt và trao đổi, tương tác thường xuyên với các cơ quan chính quyền, các hiệp hội, nghiệp đoàn và các doanh nhân có ảnh hưởng tại Hong Kong để thúc đẩy quan hệ giữa các cơ quan chính quyền, các đối tác quan trọng ở sở tại với các bộ, ngành, địa phương, đối tác kinh doanh của Việt Nam.

[Tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong]

Điều này cho phép xử lý kịp thời, hiệu quả nếu có các vấn đề phát sinh liên quan đến thương mại, đầu tư và vận động, tìm kiếm thông tin quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo ông Phạm Bình Đàm, Hong Kong nằm trong nhóm đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại đứng thứ bảy của đặc khu hành chính này.

Trong 3 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thương mại song phương vẫn là điểm sáng, tăng trưởng bình quân hơn 20%/năm, trong đó năm ngoái đạt 28,5 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm nay, thương mại song phương đạt 25,2 tỷ USD, tăng 24,2%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong đạt 13,8 tỷ USD tăng 27,3% (đứng thứ tám) và nhập khẩu từ Hong Kong đạt 11,4 tỷ USD, tăng 20,6% (đứng thứ năm).

Tăng cường khai thác hiệu quả thế mạnh của thị trường Hong Kong ảnh 2Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Hong Kong Phạm Bình Đàm (bên phải) tại cuộc gặp với ông Yau Ying-wah, Cục trưởng Cục Thương mại và phát triển kinh tế Hong Kong. (Ảnh do Tổng Lãnh sự quán cung cấp).

Về đầu tư, tính đến ngày 20/10 năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hong Kong đạt 28,9 tỷ USD với 2.133 dự án.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Hong Kong đã có 103 dự án được cấp mới tại Việt Nam với vốn đăng ký cấp mới đạt gần 752,2 triệu USD; 56 dự án điều chỉnh với vốn đăng ký điều chỉnh gần 584,7 triệu USD; 45 lượt góp vốn mua cổ phần giá trị 25,4 triệu USD; tổng vốn đăng ký đạt gần 1,3 tỷ USD. Kết quả này chính là sự thể hiện cụ thể của công tác ngoại giao kinh tế.

Ông Phạm Bình Đàm cho biết Hong Kong là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, đổi mới sáng tạo và là thành phố quốc tế có nền giáo dục đại học quốc tế tiên tiến với 5 trường đại học nằm trong top 65 các trường đại học hàng đầu trên thế giới.

Chính vì vậy, đặc khu Hong Kong có rất nhiều thế mạnh có thể khai thác, tận dụng tốt hơn, phục vụ trực tiếp, thiết thực cho tăng trưởng kinh tế trước mắt cũng nhưng các mục tiêu phát triển lâu dài của Việt Nam.

Tổng Lãnh sự quán đã vận động và đưa về trong nước các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực mà Hong Kong có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. 

Nhận thấy giáo dục là điểm mạnh nổi bật của Hong Kong chưa được khai thác phục vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam - một trong những vấn đề cơ bản về lâu dài đảm bảo cho sự phát triển của đất nước - Tổng Lãnh sự quán đã mở chiến dịch truyền thông, vận động học bổng và vận động phía Hong Kong gỡ bỏ hạn chế visa đối với sinh viên Việt Nam.

Từ tháng 1/2021, Hong Kong đã chính thức mở visa cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu.

Tổng Lãnh sự quán đã làm việc với toàn bộ 8 trường đại học hàng đầu của Hong Kong để thúc đẩy vận động tăng cường hợp tác, trao đổi, giao lưu về nghiên cứu, học thuật, giảng dạy giữa các trường đại học của Việt Nam và đã đạt được các kết quả tích cực.

Đại học Bách khoa Hong Kong (Poly U) theo gợi ý và kết nối của Tổng Lãnh sự quán đã thảo luận về việc đào tạo song bằng với Đại học Bách khoa Việt Nam, cho phép sinh viên Việt Nam có thể theo học chương trình 2 năm tại Hong Kong và 2 năm tại Việt Nam, được nhận bằng của cả hai trường.

Tổng Lãnh sự quán cũng vận động Đại học Trung Văn (CUHK) lập chương trình học bổng dành cho học sinh xuất sắc của các địa phương Việt Nam, trong đó CUHK cam kết hằng năm cấp 30 học bổng bán phần và toàn phần. 

Theo ông Phạm Bình Đàm, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có phần bị tác động bởi môi trường kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến xấu, Tổng Lãnh sự quán sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy kết nối trong lĩnh vực tài chính, trong đó sẽ nỗ lực khai thông việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sang thị trường Hong Kong để tạo kênh thu hút vốn mới cho các doanh nghiệp và giải tỏa áp lực về thanh khoản.

Tổng Lãnh sự quán cũng sẽ tiếp tục kết nối thị trường tài chính Việt Nam với thị trường tài chính Hong Kong với định hướng tạo một xa lộ kết nối để Hong Kong trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam

Ông Phạm Bình Đàm nhấn mạnh Hong Kong là một đối tác quan trọng, có rất nhiều lợi thế cần tiếp tục phát huy để khai thác phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Điểm thuận lợi là các doanh nghiệp Hong Kong đang có xu hướng ưu tiên thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế hơn so với các nước ASEAN khác do khoảng cách địa lý gần, có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc đại lục. Xu hướng chuyển dịch sản xuất cũng tạo lợi thế cho Việt Nam. 

Về mặt khó khăn, thông tin về Hong Kong nói chung về các thế mạnh của Hong Kong nói riêng chưa được các doanh nghiệp và người Việt Nam nắm vững, do đó chưa khai thác được tối ưu các thuận lợi mà Hong Kong có thể đem lại.

Hạn chế về chính sách visa của Hong Kong cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường này. Người Việt Nam cũng chưa tiếp cận được với thị trường lao động Hong Kong./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục