Tăng cường mạng lưới nghiên cứu quyền con người

Nhiều nhà khoa học cho rằng các cơ sở đào tạo cần tăng cường mạng lưới kết nối nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở Việt Nam.
Tăng cường mạng lưới nghiên cứu quyền con người ảnh 1Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Lê Dương/Vietnam+)

Ngày 25/11, tại hội thảo “Nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở nước ta hiện nay: thực trạng và những vấn đề đặt ra”, các nhà khoa học cho rằng cần tăng cường mạng lưới kết nối nghiên cứu và đào tạo về quyền con người ở Việt Nam.

Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy tại một số trường đại học, viện nghiên cứu trong nước.

Các nhà khoa học cho rằng, hiện nay quyền con người là đối tượng nghiên cứu và được giảng dạy ở Việt Nam trước bối cảnh các chủ thể quyền và nghĩa vụ còn nhiều hạn chế, đôi khi được tiếp cận phiến diện và lệch lạc.

Ở những vùng kinh tế trọng điểm, việc nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy về quyền con người còn khá mờ nhạt, đặc biệt ở những vùng miền núi môn học quyền con người mới chỉ nằm trong định hướng.

Trong khi đó, chưa có nhiều cơ sở đào tạo ở bậc đại học, sau đại học về quyền con người nói chung và pháp luật quyền con người nói riêng. Mới chỉ có khoảng 5 cơ sở đào tạo chính thức trên hệ thống giáo dục toàn quốc.

Tư liệu, giáo trình, tài liệu về quyền con người chưa mang tính hệ thống cũng như chưa được thiết kế chuyên sâu hơn nữa cho các nhóm đối tượng cụ thể. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đào tạo và tư vấn chính sách.

Nghiên cứu về quyền con người chưa được đi sâu vào những vấn đề lý luận, pháp luật và cơ chế quốc tế, khu vực và liên hợp quốc về quyền con người. Những vấn đề nóng bỏng hiện nay như an ninh, chủ nghĩa khủng bố và quyền con người; tự do thông tin, quyền tiếp cận thông tin, tự do báo chí và quyền con người; biến đổi khí hậu và quyền con người; phát triển, đói nghèo và quyền con người…cũng chưa được đi sâu nghiên cứu.

Thực trạng này đòi hỏi giáo dục quyền con người cần phải được đặc biệt chú trọng ở toàn bộ hệ thống giáo dục từ phổ thông cơ sở trở lên. Ngành giáo dục cần xây dựng các chương trình giáo dục về quyền con người cho các cơ sở đào tạo nghề luật, khoa học cảnh sát, an ninh, hành chính, quản lý…

Chương trình đào tạo cần hướng cho sinh viên đến mục tiêu hiểu được các quyền, trách nhiệm cơ bản của mình, ý thức tuân thủ pháp luật, giảng dạy nên theo các sự vụ cụ thể để học viên chủ động giải quyết các vấn đề.

Việt Nam cần tăng cường mạng lưới kết nối nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người giữa các nhà khoa học, giáo dục trong và ngoài nước.

Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng của các nhà khoa học, giáo dục trên lĩnh vực quyền con người nên tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục