Tăng cường nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Ở Việt Nam, không chỉ người dân chưa nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng DN cũng chưa coi trọng.
Trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là chủ đề chính tại Hội nghị Hải quan - doanh nghiệp về công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.

Hội nghị do Cục Hải quan Hà Nội và Tổ chức React (mạng lưới chống hàng giả) phối hợp tổ chức với sự tham dự của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn.

Đánh giá về mức độ gian lận trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Hồng cho rằng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, mức độ gian lận thương mại quốc tế trong lĩnh vực xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng: “Điểm yếu ở Việt Nam là không chỉ người dân chưa nhận thức được về quyền sở hữu trí tuệ mà ngay cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này. Những xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của con người, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại chân chính.”

Theo Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan Hà Nội) Văn Hồng Cung, cùng với sự gia tăng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, công tác thực thi nhiệm vụ kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan Hải quan đã được chú trọng, nhưng để phát hiện, điều tra, bắt giữ và xử lý về lĩnh vực này trên thực tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn; trong đó, việc các doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ đối với sản phẩm, hàng hóa của chính mình là một rào cản lớn đối với cơ quan Hải quan.

Về phía người tiêu dùng trong nước, vẫn còn nhiều hạn chế trong nhận thức về hàng giả cũng như không có kiến thức về thương phẩm học, kiến thức để nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả. Và cũng không loại trừ còn một số người có tâm lý thích dùng hàng rẻ, nhái nhãn hiệu. Đây chính là những cơ hội để cho hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phát triển.

Cũng theo một số cán bộ hải quan, khó khăn nữa trong công tác phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cơ quan Hải quan là hiện chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ để cập nhật thông tin, phản ánh thông lệ quốc tế về kiểm soát biên giới. Trong khi hàng hóa xuất nhập khẩu đa dạng, hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu lại diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi… Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định thiếu cụ thể, chồng chéo gây khó khăn cản trở với các cơ quan quản lý trong thực thi nhiệm vụ.

Để cơ quan Hải quan tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, theo ông Văn Hồng Cung, cần quy định cơ quan hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Sự phối hợp, cung cấp trao đổi thông tin giữ cơ quan Hải quan, cơ quan quản lý nhà nước liên quan cũng như sở hữu quyền cũng phải chặt chẽ; đặc biệt là chủ sở hữu quyền có sự chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.

Tại hội nghị, nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cho các cán bộ hải quan chuyên trách, cũng như các doanh nghiệp tham dự, đại diện Tổ chức React phối hợp với đại diện các thương hiệu quốc tế toàn cầu như New Era, Estee Lauder, Chanel, Adidas, Louis Vuiton... đã giới thiệu cách phân biệt giữa hàng thật và hàng giả một số dòng sản phẩm. Việc trang bị những kỹ năng phát hiện hàng thật hàng giả sẽ giúp ích cho các cán bộ hải quan trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ./.

Anh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục