Tăng giám sát đầu tư chứng khoán có tổ chức

Xác định nhà đầu tư chứng khoán có tổ chức để có căn cứ ra chính sách quản lý cụ thể và công bằng thì thị trường mới ổn định.
Hoạt động đầu tư có tổ chức trên thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh. Ngoài những tổ chức tài chính hoạt động có pháp nhân thì nay có cả các nhóm nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính tụ họp thành nhóm hay câu lạc bộ cùng thống nhất đưa ra các quyết sách đầu tư cũng được hình thành.

Để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng cần phải xây dựng lực lượng nhà đầu tư có tổ chức lớn mạnh nhiều hơn nữa.

Thúc đẩy chính sách bình đẳng

Theo đó, VAFI kiến nghị các cơ quan quản lý thị trường cần thiết phải có những cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các tổ chức đầu tư tài chính, các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán. 

Ngoài ra, VAFI cho rằng nên có những nghiên cứu chính sách hợp lý để loại bỏ những rào cản và bất bình đẳng đang tồn tại đối với các tổ chức đầu tư tài chính, đặc biệt là những bất cập về cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp trong đầu tư cổ phiếu và trái phiếu cho nhà đầu tư tổ chức trong nước.

VAFI lý giải, các tổ chức đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cá nhân (trong nước và nước ngoài) thì áp dụng hình thức thuế khoán (thuế thu nhập chứng khoán = tổng giá bán x 0,1%), đây là hình thức phù hợp thông lệ quốc tế và đáp ứng được việc thu thuế đơn giản đối với những tổ chức nước ngoài không cần có mặt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư  là pháp nhân trong nước thì thu nhập tính thuế bằng doanh thu bán chứng khoán trừ giá mua chứng khoán, chi phí, các loại thuế phải nộp rồi nhân với thuế suất 25%, thì mức thuế trên là quá cao nếu so với các đối tượng trên đồng thời cũng rất cao so với thông lệ quốc tế.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều pháp nhân trong nước có hoạt động đầu tư chứng khoán (thường là những doanh nghiệp không có bộ máy tổ chức bài bản) đã tìm cách lách thuế để tránh việc phải đóng thuế cao như giao tiền cho cá nhân kinh doanh chứng khoán để được miễn thuế hay trong việc mua bán cổ phiếu OTC thì kê giá mua cao, bán giá thấp trong các hợp đồng mua bán với cá nhân nhằm tạo thu nhập lỗ hoặc lãi ít. Khi kinh doanh thua lỗ, kê khai trích lập dự phòng sẽ được giảm thuế, như vậy những đối tượng doanh nghiệp này áp dụng cả 2 phương pháp tính thuế mà cơ quan thuế không thể phát hiện được.

Trong khi đó, những doanh nghiệp hoạt động bài bản và công khai minh bạch thì không thể áp dụng cách thức hạch toán như trên và như vậy họ phải chịu thiệt thòi do cơ chế .

Đối với vấn đề này, ông Hoàng Đức Long, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, vụ đang nghiên cứu và xây dựng chỉnh sửa cơ chế nhằm tạo ra sự công bằng hơn giữa các khối nhà đầu tư với nhau. Riêng cách tính thuế với loại hình đầu tư có tổ chức, Vụ Pháp chế sẽ có kế hoạch làm việc với các đơn vị chức năng, bàn bạc sửa đổi mức tính thuế và phí riêng cho phù hợp. Tuy nhiên, cũng phải làm rõ những hoạt động đầu tư trục lợi có thể sẽ phải đánh thuế siêu ngạch. Riêng lĩnh vực đầu tư trái phiếu cũng nên giảm thuế suất xuống 0% theo thị trường quốc tế.

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu

Cũng theo ông Hoàng Đức Long trong quý I/2010,  Vụ pháp chế sẽ  ưu tiên hàng đầu cho việc cải cách văn bản luật  liên quan đến các hoạt động đầu tư có tổ chức, qua đó tăng cường giám sát, nâng cao tính minh bạch của khối này.

Ông Long nhấn mạnh, cần phải định nghĩa lại thế nào là nhà đầu tư có tổ chức. Như, các quỹ tài chính, các khối tự doanh tại công ty chứng khoán, công ty quản lý danh mục đầu tư do các nhà đầu tư uỷ quyền, hay các đối tượng bên ngoài tạo thành một nhóm người liên kết với nhau cũng là những nhà đầu tư có tổ chức... Xác định lại thế nào là nhà đầu tư có tổ chức để có căn cứ đưa ra một chính sách quản lý cụ thể và công bằng thì thị trường mới ổn định được.

Ông Long đưa ra một số vấn đề nổi cộm trên thị trường đang cần thiết phải giải quyết đó là, khác với các quỹ đầu tư nghiêm túc khi có ý định thoát ra khỏi thị trường họ cũng có lộ trình rút đi rất trật tự và thông tin được công bố công khai,  một số các tổ chức đầu tư hiện nay, muốn bán là bán tháo, đánh sập thị trường rồi biện minh do phải trả nợ vay ngân hàng... Hay hoạt động mua bán được tổ chức liên minh giữa một nhóm nhà đầu tư, tạo ra những lệnh khớp số lượng cực lớn. Nhưng thực chất chỉ là chuyển từ tài khoản của người này sang người khác mà giá trị tài sản của nhóm người này vẫn được giữ nguyên, có chăng chỉ là mất một ít phí giao dịch. Những lệnh ảo trên sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên các nhà đầu tư nhỏ lẻ từ đó các nhóm tổ chức này có thể ép thị trường lên, xuống theo ý đồ của họ.

Kể cả hoạt động tự doanh tại một số công ty chứng khoán đã đến lúc phải kiểm soát chặt chẽ, như hoạt động chèn lệnh, cách thức xử lý lệnh, phải đặt ra câu hỏi đi kèm tự doanh của một công ty chứng khoán có bao nhiêu anh ăn theo... Từ đó, sẽ là đưa ra các tiêu chí quản lý cụ thể, tạo ra tính minh bạch của hoạt động tự doanh.

“Không phải là bất lực, mà phải có giải pháp quản lý tận gốc. Ngoài các biện pháp xử lý hành chính sẽ đưa ra thêm những hình thức xử phạt nặng hơn đối với những tổ chức vi phạm như đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh... Có như vậy mới chặn đứng những tố chức trá hình, những đầu nậu làm lũng đoạn thị trường,” ông Long nói./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục