Tăng hiệu quả quản lý nhà nước với DN phục vụ quốc phòng an ninh

Dự thảo Nghị định mới đưa ra các nội dung thay thế các quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP liên quan đến tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng an ninh.
Tăng hiệu quả quản lý nhà nước với DN phục vụ quốc phòng an ninh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc ban hành Nghị định giúp tạo khung pháp lý nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của nhà nước đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh.

Tạo khung pháp lý

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện các quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng an ninh vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc trên thực tiễn.

Vì vậy, việc rà soát, xây dựng Nghị định thay thế các nội dung liên quan đến tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng an ninh quy định tại Nghị định số 47/2021/NĐ-CP là cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn triển khai.

Bố cục dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 16 Điều và 1 Phụ lục về danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn phục vụ quốc phòng an ninh do doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh thực hiện quy định 11 nhóm lĩnh vực cụ thể.

So với Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước có một số nội dung mới.

Cụ thể, về đối tượng được xác định là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng an ninh bao gồm: công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã từng được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng an ninh theo các quy định của các giai đoạn trước (điểm b khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định).

[Quy định mới về việc xây dựng các Khu kinh tế-quốc phòng]

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh khi đáp ứng các điều kiện gồm: thứ nhất, là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Hoặc, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp; do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Cùng đó, được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc,thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thường xuyên hoặc đột xuất. Đồng thời, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư có liên quan đến bí mật quốc phòng, nhiệm vụ quan trọng của quốc phòng, dự án đầu tư trên các địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng để đảm bảo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, phù hợp với quy định của pháp luật (quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị định).

Đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, về chính sách đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng quy định tại dự thảo Nghị định, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn tại doanh nghiệp.

Do vậy, các chính sách quy định cho doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh được rà soát, xây dựng đảm bảo không xung đột với nguyên tắc nhất quán của Luật Doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; không tác động đến lợi ích, thiệt hại của cổ đông nhà nước cũng như cổ đông ngoài nhà nước tại doanh nghiệp.

Căn cứ nguyên tắc trên, để xử lý các chi phí đặc thù của doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh khi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và được xác định là chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản chi phí.

Ngoài ra, để đảm bảo thực hiện tách bạch giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thông thường và nhiệm vụ quốc phòng an ninh do Bộ Quốc phòng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp, dự thảo Nghị định quy định: "Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cho doanh nghiệp kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh; giá, đơn giá hoặc chi phí để sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính."

Về công bố thông tin đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng là doanh nghiệp nhà nước, dự thảo Nghị định quy định điều chỉnh nội dung tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục