Tăng năng lực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam

Hoạt động marketing xuất khẩu đang được các doanh nghiệp quan tâm, là yếu tố then chốt giúp đưa các sản phẩm của Việt Nam đến với thị trường nước ngoài.
Tăng năng lực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam ảnh 1Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo "Nâng cao năng lực marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam," ông Hoàng Chính Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh hoạt động marketing xuất khẩu đang được các doanh nghiệp quan tâm, là yếu tố then chốt giúp đưa các sản phẩm của Việt Nam đến với thị trường nước ngoài.

Bản chất của hoạt động marketing xuất khẩu là thích ứng với những thay đổi của các yếu tố môi trường bên ngoài với các chính sách marketing hỗn hợp của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Do vậy, marketing xuất khẩu đòi hỏi phải có các chiến lược và kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện bài bản, linh hoạt theo sự thay đổi của thị trường.

[Infographics] Một số làng nghề dệt lụa, thổ cẩm nổi tiếng ở Việt Nam

Hội thảo do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Hà Nam tổ chức tại Hà Nam lần này sẽ cung cấp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn những thông tin, kiến thức về thị trường, cách nhận diện những sản phẩm dành cho xuất khẩu, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn phân tích, xếp hạng thứ tự ưu tiên các thị trường tiềm năng để xây dựng kế hoạch marketing xuất khẩu phù hợp.

Hội thảo cũng đã trao đổi các nội dung liên quan đến vai trò của Nhà nước đối với phát triển sản xuất thủ công mỹ nghệ, làng nghề; nâng cao năng lực marketing xuất khẩu; năng lực marketing cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt Nam; những kinh nghiệm trong hoạt động marketing xuất khẩu; marketing xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề với đối tác...

Tăng năng lực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Việt Nam ảnh 2Ngành thủ công mỹ nghệ phát huy nghề truyền thống của địa phương ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hội thảo được tổ chức với mục đích lắng nghe ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và những tâm tư, trăn trở của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất làng nghề trong hoạt động marketing xuất khẩu ngành thủ công mỹ nghệ, làng nghề trong điều kiện hội nhập để đưa ra những phương hướng, giải pháp để ngành hàng phát triển bền vững, hội nhập sâu kinh tế khu vực và thế giới.

Những ý kiến kiến nghị cũng như băn khoăn, thắc mắc của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa tại buổi hội thảo về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động marketing xuất khẩu, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề; cách thiết kế sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động marketing xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận, mở rộng thị trường... đã được đại diện Cục Công Thương địa phương, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam giải đáp cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục