Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để cán đích

Các bộ, ngành, địa phương đang đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2015.
Tăng tốc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để cán đích ảnh 1 (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong ba trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tạo sự đổi mới một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, phương thức quản lý, chiến lược đầu tư kinh doanh... cho đến cơ cấu lại nguồn vốn.

Để hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến năm 2015 theo yêu cầu của Chính phủ, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế là một trong những nhiệm vụ tiên quyết giúp doanh nghiệp tăng tốc để đạt mục tiêu này.


Phân quyền, định trách nhiệm

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Phạm Viết Muôn cho biết từ khi Nghị định số 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được ban hành đã giúp phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, hội đồng thành viên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là đối với các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đồng thời là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc giám sát kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Báo cáo của 13 bộ, 34 địa phương và 6 tập đoàn kinh tế cho thấy việc triển khai thực hiện quản lý chủ sở hữu nhà nước đã bước đầu phát huy tác dụng. Chức năng kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước được chú trọng hơn. Những quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu được tập trung thực hiện trong năm 2013 chủ yếu về cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); bổ sung vốn điều lệ, sửa đổi-bổ sung Điều lệ tổ chức hoạt động; quyết định nhân sự, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước.

Trên thực tế, việc hình thành, kiện toàn tổ chức, hoạt động của SCIC trong suốt thời gian qua cũng đã đem lại nhiều kinh nghiệm quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, qua đó, tiến tới xóa bỏ việc can thiệp hành chính của cơ quan nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ hình thức hành chính sang kinh doanh vốn.

Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp

Từ năm 2011 đến năm 2013, cả nước đã sắp xếp, cổ phần hóa được 180 doanh nghiệp, đưa số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giảm xuống còn 949 đơn vị (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh), trong đó có 19 tổng công ty nhà nước, 21 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 100 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành như Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Tổng công ty Khí, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Viglacera...

Thông qua cổ phần hóa, các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại một bước quan trọng, cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Doanh nghiệp nhà nước tuy giảm nhiều về số lượng, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên với mô vốn tăng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán. Cùng với việc rà soát lại ngành nghề kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn, chiến lược phát triển đến năm 2015-2020 và cả phương án tài chính để triển khai thực hiện.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tổ chức lại sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo hướng chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, tránh cạnh tranh nội bộ; sáp nhập, hợp nhất các thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

Thực hiện tái cơ cấu tài chính, nhiều tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 76.700 tỷ đồng lên 143.000 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tăng từ 14.794 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất tăng gấp đôi nguồn vốn từ 8.000 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng... Cùng đó, việc thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cũng được quan tâm hơn với tổng số vốn đã thoái đạt 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng, tương đương 19%.

Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhóm doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước vẫn đạt mức tăng trưởng khá.

Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tiếp tục được bảo toàn và phát triển. Năm 2013, riêng 18 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn nhà nước tới 840.000 tỷ đồng (chiếm 83% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp) đã đạt tổng doanh thu 1.184 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 191.000 tỷ đồng. Trong số này có 17/18 đơn vị hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 16,19%. Dù đang trong tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy, nhưng khối doanh nghiệp nhà nước vẫn duy trì mức đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất trong ba khu vực kinh tế, trên 30%.

Tuy nhiên, hiệu quả của doanh nghiệp hiện vẫn được cho là chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp. Do đó, vốn nhà nước tăng mạnh nhưng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và tỷ suất lợi nhuận trên vốn tăng không tương ứng. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp vẫn tiếp tục là nhiệm vụ nặng nề cùng với việc phải đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước từ nay đến hết 2015.

Giải pháp quyết liệt

Theo đề án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 của các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 531 doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 25 doanh nghiệp; giải thể, phá sản 16 doanh nghiệp và giao, bán 10 doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả thực hiện cổ phần hóa 3 năm qua đạt thấp (99 doanh nghiệp) nên từ nay đến hết năm 2015, cả nước sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa nốt 432 doanh nghiệp.

Để hoàn tất kế hoạch này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần có sự quyết tâm và thống nhất từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo đúng tiến độ các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt. Cùng đó, các giải pháp thực hiện cũng phải rất quyết liệt.

“Hiến kế” đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà mạnh dạn đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách doanh nghiệp không thực hiện cổ phần hóa.

Theo ông Hà, cổ phần hóa là đương nhiên nên nếu doanh nghiệp nào muốn không cổ phần hóa thì phải chứng minh lý do và phải xin phép. Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động đề nghị cho phép bổ sung một số doanh nghiệp công ích không thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 thực hiện sớm việc cổ phần hóa, nhất là các đơn vị trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở các quận, huyện vì thực tế các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khả năng thực hiện việc này tốt hơn.

Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là cổ phần hóa, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở những lĩnh vực không cần nắm giữ cổ phần chi phối cũng sẽ được triển khai nghiêm túc. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải chỉ là để cắt hay giảm lỗ mà là sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại về mốc ấn định phải hoàn thành thoái vốn trong năm 2015 với nhiều lý do được đưa ra.

Theo ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn chưa “ấm” trong khi đó các dự án cần có lộ trình thoái vốn phù hợp để tránh mất tài sản của Nhà nước. Một số dự án thuộc diện đầu tư ngoài ngành như thủy điện, nhưng trong giai đoạn đầu tư dở dang, chưa thể kết thúc trong năm 2015 đang được Tập đoàn này đề nghị Chính phủ cho phép đầu tư hoàn thiện, trước khi thực hiện thoái vốn theo quy định.

Nếu doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành mà có hiệu quả thì có phải bắt buộc phải thoái vốn cũng đang là băn khoăn của nhiều doanh nghiệp lẫn nhà quản lý. Hiện các danh mục cần thoái vốn đầu tư do đầu tư không đúng ngành nghề chính của nhiều tập đoàn, Tổng công ty có khá nhiều khoản đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp do thực hiện theo chủ trương sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau. Do đó, cần có cơ chế thoái vốn từ các khoản đầu tư trên để đảm bảo hiệu quả và nhanh chóng cho các doanh nghiệp, thậm chí, cho phép thoái vốn theo thỏa thuận hoặc theo giá trị sổ sách, ông Thuận đề xuất.

Theo tiến sỹ Trần Văn - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ làm giảm tỷ trọng tham gia trực tiếp của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh để thu hút nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân đầu tư vào doanh nghiệp, tăng cường quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, vẫn phải bảo đảm ổn định xã hội và kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tăng cường ảnh hưởng trực tiếp của Nhà nước đến các ngành và lĩnh vực "nhạy cảm" đối với người dân.

Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần chú ý đến ảnh hưởng của các "nhóm lợi ích" tới việc quyết định cổ phần hóa, bán, giao, chuyển giao, giải thể, phá sản doanh nghiệp nhà nước và cho dù đôi khi phải có những quyết định có thể phần nào chưa thật sự toàn diện, nhưng lại tận dụng được cơ hội, thời cơ thuận lợi cho việc bảo toàn và thoái vốn nhà nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục