Tăng trách nhiệm trong ngăn chặn đốt rơm rạ tại khu vực sân bay

Trong 6 sân bay địa phương mà Cảng vụ Hàng không miền Bắc đang quản lý thì sân bay Nội Bài với đặc điểm có nhiều xã xung quanh sân bay còn canh tác lúa nên tình hình rất phức tạp.
Người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)
Người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Liên quan đến các tác động có thể uy hiếp an toàn bay như đốt rơm rạ tại các sân bay; trong đó có sân bay quốc tế Nội Bài đang gây quan ngại về an ninh an toàn hàng không, chiều 24/9, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trương Hiểu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn - Cảng vụ hàng không miền Bắc (Cục Hàng không Việt Nam), cho biết về vấn đề an toàn hàng không tại khu vực sân bay và vùng lân cận, hiện nay có 3 nguồn ảnh hưởng.

Đó là, nguồn từ khói đốt từ rơm rạ của bà con nông dân; nguồn vật thể bay (thả diều, flycam..) và nguồn chiếu tia laser. Trong 6 sân bay địa phương mà Cảng vụ Hàng không miền Bắc đang quản lý thì sân bay Nội Bài với đặc điểm có nhiều xã xung quanh sân bay còn canh tác lúa nên tình hình rất phức tạp.

Ông Trương Hiểu Linh cho hay ba nguồn kể trên theo đánh giá có thể gây uy hiếp trực tiếp tới an toàn hàng không. Tuy nhiên, vật thể bay và tia laser hiện nay đã được kiểm soát tốt.

Chẳng hạn, tia laser đã  được Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia vào cuộc, đồng thời, giao cho lực lượng công an các địa phương quản lý. Vật thể bay khi có tình huống mất an toàn thì Bộ Quốc Phòng sẽ quản lý và hiện nay Bộ Quốc Phòng đã ban hành quy định những vùng không cấp phép bay như  khu vực sân bay và lân cận…

Cũng theo ông Trương Hiếu Linh, hiện chỉ còn nguồn uy hiếp an toàn bay là khói từ việc đốt rơm rạ hiện nay khó kiểm soát hơn cả. Khói do đốt rơm rạ có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi cất hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hàng không rất cao.

Việc xử lý vấn đề này khó khăn bởi việc đốt rơm rạ ngay tại ruộng của bà con thì chính quyền địa phương có thể kiểm soát, xử lý được, nhưng nhiều trường hợp rơm rạ đốt tại ven đường thì khó phát hiện được người đốt để xử lý.

Về giải pháp xử lý vấn đề này, ông Trương Hiểu Linh cho rằng trách nhiệm trước tiên phải là chính quyền sở tại tại các địa phương xung quanh sân bay. Thời gian vừa qua, về mặt văn bản, các cơ quan chức năng ngành hàng không đã có nhiều công văn gửi chính quyền địa phương phối hợp xử lý vấn đề này.

Ngoài ra, nhà chức trách hàng không cũng phối hợp với chính quyền địa phương  tuyên truyền cho các người dân về vấn đề an toàn hàng không, đặc biệt là hậu quả của nó nếu thực hiện việc đốt rơm rạ. Tuy nhiên, hẹn lại lên vào thời gian sau thu hoạch lúa thì tình trạng đốt rơm rạ lại tái phát.

[Hà Nội ra chỉ thị kiểm soát đốt rơm rạ để giảm đỉnh ô nhiễm không khí]

“Vừa qua, tại các địa phương cũng đã đề xuất thu mua rơm rạ cho bà con sau thu hoạch. Tuy vậy, do phải mất chi phí mua chế phẩm để các công ty thu mua thực hiện phân hủy rơm rạ thành phân bón nên nhiều bà con không tham gia, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các đơn vị thu mua rơm rạ để hạn chế tình trạng nhân dân tự phát đốt rơm rạ thời gian vừa qua,” ông Trương Hiểu Linh cho hay.

Liên quan đến chế tài xử lý người dân đốt rơm rạ, ông Trương Hiểu Linh thông tin trong khu vực cảng hàng không thì đã có cơ sở pháp lý để xử lý. Còn khu vực ngoài sân bay, nếu Cảng vụ hàng không và lực lượng an ninh sân bay có phát hiện ra thì cũng không có thẩm quyền xử. Do đó, để giải quyết vấn đề này phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền địa phương.  

Tăng trách nhiệm trong ngăn chặn đốt rơm rạ tại khu vực sân bay ảnh 1Người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi ở xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN)

Nhưng về vấn đề pháp luật để có một chế tài cụ thể để xử lý vấn đề đốt rơm rạ hay các vấn đề khác như thả diều… thì chưa có quy định cụ thể. Hiện nay, chính quyền địa phương đang áp dụng các quy định về xử phạt về an ninh trật tự để xử lý người dân đốt rơm rạ, nhưng để phân tích hành vi đốt rơm rạ vi phạm thì gặp khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, một chuyên gia hàng không nhìn nhận, khói đốt rơm rạ do người dân tại các khu vực xung quanh sân bay có ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của phi công khi cất hạ cánh, tiềm ẩn nguy hiểm.

Hàng không là ngành đặc thù nếu xảy ra mất an toàn hàng không thì hậu quả không thể lường được. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp xử lý triệt để vấn đề này

Các chuyên gia hàng không nhìn nhận, theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay quốc tế Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050. Do đó, việc giải quyết các nguồn có thể gây nguy hiểm cho việc cất hạ cánh của máy bay là việc làm cấp thiết, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra....

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã vừa ra Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, gây giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo đó, Chỉ thị số 15/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan, các địa phương tổ chức giám sát, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương. Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát cộng đồng và hệ thống thông tin nhằm phát hiện, tố cáo các hành vi đốt rác thải rắn sinh hoạt tại địa bàn.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm các đơn vị nhận đặt hàng công tác vệ sinh môi trường và tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; triển khai các biện pháp khác nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Chỉ thị cũng yêu cầu từ nay đến hết ngày 30/9/2020, các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền thông báo đến mọi người dân về chủ trương trên. Đến ngày 31/12/2020, "hành động" để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng trước ngày 31/12/2020.

Từ ngày 1/1/2021 sẽ không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn. Đồng thời, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật môi trường.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục