Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ

Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ ảnh 1Người tiêu dùng mua sắm tại đại siêu thị Co.op Extra. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin có đưa một số thông tin liên quan tới việc xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Theo Bộ Công Thương, Bộ này đã đề xuất xây dựng dự thảo nghị định dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11/11/2017 của Văn phòng Chính phủ.

Tại Công văn này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

Trên cơ sở đó, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sau khi tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối (Công văn số 2861/BCT-TTTN ngày 12/4/2018 về việc đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định).

Đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Khi đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành.

Cùng đó, dự thảo nghị định cũng đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan như Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP; Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại.

Điều này nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.

Đặc biệt, qua đây sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối; bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bộ Công Thương cho biết, Bộ đánh giá cao mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục