Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư ở khu công nghệ cao TP.HCM

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tiếp tục tạo điều kiện đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư ở khu công nghệ cao TP.HCM ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 29/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa 11) về phát triển khoa học-công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời nhận định những chính sách chung của Trung ương về khoa học công nghệ đã được thành phố cụ thế hóa bằng những quy định cụ thể, nhờ vậy thành phố và Khu Công nghệ Cao thành phố đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục phát triển.

Việc tổ chức, triển khai các dự án công nghệ cao của thành phố dẫn đầu cả nước, góp phần rút kinh nghiệm, xây dựng chính sách phát triển công nghệ cao cho cả nước.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những ý kiến của doanh nghiệp, Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố để kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ cho phù hợp tình hình thực tế, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội.

Đồng thời, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thành phố tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học-công nghệ hoạt động thuận lợi; khu Công nghệ cao thành phố tiếp tục tăng cường các hoạt động tương tác với bên ngoài, hợp tác với các Trường, Viện thực hiện các hoạt động nghiên khoa học-công nghệ.

Tiến sỹ Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Khu Công nghệ cao thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển, ươm tạo trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ…

Hiệu quả hoạt động của Khu công nghệ cao thành phố đã đóng góp đáng kể trong chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao.

Trong thời gian tới, định hướng phát triển Khu Công nghệ cao thành phố sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ mạnh của khu vực, đầu tàu phát triển khoa học công nghệ của thành phố, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế tri thức của thành phố.

Theo Ban quản lý Khu Công nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những thuận lợi từ chính sách hỗ trợ của của Nhà nước, các doanh nghiệp khoa học-công nghệ vẫn gặp phải một số khó khăn.

Từ tình hình thực tiễn, Ban quản lý Khu công nghệ cao kiến nghị cần xây dựng cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút chuyên gia công nghệ cao; tiếp tục cải thiện thủ tục, quy trình giao nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận tốt hơn các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia và địa phương; ưu tiên tăng ngân sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao thành phố.

Khu công nghệ cao được thành lập năm 2002, là một khu kinh tế-kỹ thuật đa chức năng mang tính chất đặc biệt, nhằm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao cho Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút đầu tư hơn 4,3 tỷ USD với 80 dự án (49 dự án trong nước và 31 dự án vốn FDI).

Khu hiện có 80 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 45 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm hơn 56%), 35 doanh nghiệp chưa triển khai (gần 44%).

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn giám sát đã đến thăm 2 doanh nghiệp gồm Công ty Nanogen và Công ty United Health Care./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục