Tập đoàn Điện lực lên tiếng về khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng

EVN cho rằng, năm 2015 đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015, việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện.
Tập đoàn Điện lực lên tiếng về khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Chiều 28/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông tin chính thức với báo chí về kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, trong đó có khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng.

[Giá điện mới sẽ làm tăng 0,08% chỉ số giá tiêu dùng CPI]

Giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện?

Giải thích về khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2015 (khoảng 1.900 tỷ đồng), đại diện EVN cho rằng, đây là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh đã phát sinh trong giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, căn cứ công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh và công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 04/02/2016 của Văn phòng Chính Phủ cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm).

EVN cho rằng, trong năm 2015, tập đoàn đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015. Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015, 2016 thay cho năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện.

Thực tế, khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, do vậy giá bán lẻ điện áp dụng từ 1/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương không bao gồm khoản chi phí này.

[Hạch toán không đúng chỉ đạo, EVN bị truy thu gần 2.000 tỷ đồng]

Ngoài ra, do khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh năm 2017.

"Đánh giá tổng thể, việc phân bổ khoản chi phí này hạch toán vào năm 2015, 2016 thay cho hạch toán năm 2016, 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện," phía EVN lý giải

Liên quan đến khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng, phía EVN cho biết, khoản chênh lệch lãi tỷ giá này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Đây là dự án của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) căn cứ theo Quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công Thương ban hành về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), trong đó có dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là một trong số các dự án nguồn điện là các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVNGENCO1.

Tuy nhiên, dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 lại sử dụng vốn vay của tổ chức JICA (Nhật Bản) nên EVN gửi thư thỏa thuận với JICA nhưng theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVNGENCO1.

Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã có công văn số 2818/BCT-TCNL ngày 02/4/2013 thống nhất việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn1 và sau khi nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho EVNGENCO1.

Giái thích thêm, EVN cho rằng, việc chuyển giao Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (là đơn vị quản lý vận hành nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1) về Tổng Công ty Phát điện 1 cũng là một nội dung trong Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020.

Như vậy, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc EVNGENCO1 và do đó khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1 phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định.

"Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 để EVNGENCO 1 hạch toán," đại diện EVN cho hay.

Theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp, Nghị định 82/2014/NĐ-CP​ và Nghị định 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của EVN ​cùng công văn số 12227/BTC-CĐKT ngày 3/9/2015 của Bộ Tài chính về việc trả lời chế độ kế toán của EVN cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.

"Hiện nay, EVN đang tiếp tục giải trình Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đồng thời EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định và EVN sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính," phía EVN thông tin thêm./.

Cục trưởng Cục điều tiết điện lực nói về cơ sở pháp lý cho việc tăng giá điện
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục