Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong triển lãm vũ khí Eurosatory vừa diễn ra ở thủ đô Paris, khách tham quan đổ dồn sự chú ý đến những chiếc radar vươn mình trên nền trời xanh - sản phẩm công nghệ hàng đầu của tập đoàn Thales.
Có mặt ở Việt Nam từ 30 năm nay, tập đoàn này đang mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực radar quốc phòng.
Thales nổi tiếng là một trong những tập đoàn hàng đầu về công nghệ cao, chuyên về ba lĩnh vực: an ninh và quốc phòng; hàng không và vũ trụ; an ninh mạng, bảo mật và nhận dạng kỹ thuật số.
Thales có gần 81.000 nhân viên tại 68 quốc gia. Năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu 18,4 tỷ euro (hơn 19,7 tỷ USD).
Với chủ trương phát triển các sản phẩm và giải pháp góp phần tạo nên một thế giới an toàn hơn, thân thiện với môi trường và toàn diện hơn, tập đoàn đầu tư gần 4 tỷ euro mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực đổi mới quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng, lượng tử, công nghệ đám mây và công nghệ 6G.
Sản xuất radar phục vụ mục đích quân sự và dân sự cũng là một trong những lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn này.
Dẫn phóng viên TTXVN tham quan cơ sở sản xuất radar, Giám đốc sản xuất nhóm sản phẩm Ground Masters của tập đoàn, ông Yves Descourvières cho biết các sản phẩm radar của Thales bao gồm radar theo dõi vùng bay được đặt trên mặt đất, radar theo dõi vùng biển được lắp đặt trên các tàu khu trục, radar định hướng để dẫn đường cho các tên lửa phòng không không quân.
Bên cạnh đó, Thales cũng sản xuất các dòng radar dân sự phục vụ việc điều tiết giao thông hàng không, đó là những radar giúp điều khiển việc cất cánh và hạ cánh ở các sân bay.
Ngoài ra, còn có những radar dẫn đường theo dõi hoạt động của các máy bay ở trên cao, góp phần nâng cao năng lực giám sát của các trung tâm kiểm soát bay.
Phụ trách Marketing và Chiến lược phát triển hệ thống Radar, ông Eric Marceau cho biết khoảng 250 sản phẩm radar của Thales đang hoạt động tại 30 nước trên thế giới.
Từ vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nước khách hàng trong việc củng cố năng lực an ninh quốc phòng hay bảo vệ không phận, trung tâm đã nâng năng lực sản xuất từ 1 chiếc/tháng lên 2 chiếc/tháng và phấn đấu sản xuất khoảng 30 chiếc/năm.
Thales cũng không ngừng tìm kiếm và phát triển các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng phát hiện và xác định mục tiêu, đặc biệt là đối phó với những hiểm họa đến từ các vật thể bay không người lái, phân biệt giữa các vật thể này với các loài chim.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đang nỗ lực phát triển một loạt kỹ thuật dựa trên cơ sở AI để cho ra đời những cảm biến radar hiệu quả nhất thế giới.
Đối với Việt Nam, Thales không phải là một thương hiệu xa lạ. Từ năm 1994 đến nay, tập đoàn này đã cung cấp cho Việt Nam các giải pháp công nghệ cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự.
Trong suốt ba thập kỷ qua, Thales luôn đồng hành cùng Việt Nam trong một số dự án về hàng không, truyền hình số, Metro Hà Nội, ngân hàng...
Đối tác của Thales tại Việt Nam không chỉ có Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Vietnam Airlines, mà còn có tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội Viettel và công ty cổ phần Tiếp vận AVC Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự triển lãm vũ khí Eurosatory vừa qua tại Pháp, phái đoàn Việt Nam đã đến tham quan không gian Thales.
Theo ông Nicolas Bernardin, Giám đốc Thales Việt Nam, với 3 thế mạnh là hàng không vũ trụ, an ninh quốc phòng và an ninh kỹ thuật số, Thales đã có mặt tại Việt Nam từ 30 năm nay.
Tập đoàn có mối quan hệ hợp tác truyền thống với Vietnam Airlines và Tổng Công ty quản lý bay VATM trong việc giám sát và bảo vệ vùng bay, với Viettel trong sản xuất thẻ sim, với các ngân hàng trong việc sản xuất thẻ tín dụng, với VNPT trong phát triển vệ tinh viễn thông, thành phố thông minh, nhận dạng kỹ thuật số và an ninh mạng.
Đặc biệt từ khoảng 10 năm trở lại đây, Thales có quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nhằm hiện đại hóa các nền tảng quân đội.
Ông Bernardin bày tỏ tự hào khi tập đoàn được Việt Nam lựa chọn cung cấp các giải pháp công nghệ như các hệ thống điều hướng bằng sóng siêu âm (sonar), điện tử hoặc bằng công nghệ radar.
Ông cho biết thêm tập đoàn đang nỗ lực phát triển mối quan hệ đối tác với các ngành công nghiệp địa phương nhằm tăng cường năng lực của họ trong việc ứng dụng và chuyển giao các công nghệ./.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng tương xứng quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp
Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã ký Ý định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp.