Tập trung thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng

Tại Đắk Lắk, số tài sản chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, chức vụ phát hiện khoảng hơn 180,9 tỷ đồng nhưng mới thu hồi được khoảng 6 tỷ đồng, đạt 3,3%...
Tập trung thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ảnh 1Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 18/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Đắk Lắk.

Đoàn do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chú trọng và triển khai nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, có sự kiểm tra, đôn đốc về công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời có chỉ đạo kịp thời, cụ thể công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phải tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng mà Đoàn công tác đã chỉ ra, đặc biệt tập trung chỉ đạo và có giải pháp thực hiện thu hồi tài sản, không để tẩu tán, hợp thức hóa tài sản tham nhũng, bởi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở địa phương hiện nay là rất thấp.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phải chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các ngành, các cấp xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng ngay trong năm 2019.

Đại tướng Tô Lâm lưu ý năm 2020, cả nước sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, Tỉnh ủy Đắk Lắk cần rà soát, nắm bắt dư luận nhằm không để lọt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có dính dáng đến tham nhũng vào cấp ủy các cấp. Những vấn đề liên quan đến tham nhũng phải được đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh để góp phần củng bố bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Về những đề xuất của tỉnh Đắk Lắk, Đại tướng Tô Lâm ghi nhận và yêu cầu Tổ công tác bổ sung vào báo cáo, đồng thời kiến nghị với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương đạt hiệu quả hơn.

Theo dự thảo báo cáo của Đoàn công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng...

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chủ động đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương cho ý kiến đối với các vụ án kinh tế khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và kiện toàn các cơ quan, đơn vị, chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; quan tâm tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đặc biệt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; triển khai tốt nhiệm vụ cải cách hành chính (đạt trên 99%); 100% đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tổ chức kiểm tra về thực hiện quy định về công khai minh bạch trong hoạt động, việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ.

Thời gian qua, công tác phát hiện, xử lý sai phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chú trọng hơn, nhất là qua công tác kiểm tra Đảng, thanh tra, rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội và khởi tố, điều tra một số vụ án tham nhũng, kinh tế phát hiện mới.

[Trấn áp tội phạm, đẩy nhanh điều tra và xét xử án kinh tế, tham nhũng]

Qua công tác này, ba vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã bị phát hiện và được chuyển sang cơ quan điều tra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kỷ luật một tổ chức Đảng bằng hình thức khiển trách và kỷ luật một cá nhân với hình thức là cách hết các chức vụ trong Đảng...

Cùng với đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung chỉ đạo giải quyết. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 114 vụ, với 188 bị can về tội danh tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng nhìn chung đạt thấp. Đơn cử, ngành công an thụ lý 10 vụ án, với 15 bị can, tài sản thiệt hại là hơn 97,1 tỷ đồng nhưng mới thu hồi được khoảng 1,2 tỷ đồng (đạt 1,2%).

Số tài sản chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, chức vụ phát hiện khoảng hơn 180,9 tỷ đồng nhưng mới thu hồi được khoảng 6 tỷ đồng, đạt 3,3%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tập trung thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ảnh 2Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan vẫn là một khâu yếu; chưa làm rõ được thực trạng nhũng nhiễu, tiêu cực (biểu hiện của tham nhũng vặt) trong khu vực hành chính, dịch vụ công gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa khắc phục triệt để tâm lý ngại đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn kéo dài, có vụ phải trả hồ sơ để điều tra lại nhiều lần. Đáng chú ý, tiếp tục phát hiện một số sai phạm trong quản lý đất nông, lâm nghiệp kéo dài từ nhiều năm nay tại các ban quản lý rừng nhưng công tác điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục