Tất cả vì lòng yêu trẻ

Dù ở miền ngược hay miền xuôi, là cán bộ trường công lập hay tư thục, có biên chế hay đang là hợp đồng, thử việc..., những thầy cô giáo bậc học mầm non luôn phải đối mặt với nhiều sức ép.

Dù ở miền ngược hay miền xuôi, là cán bộ trường công lập hay tư thục, có biên chế hay đang là hợp đồng, thử việc..., những thầy cô giáo bậc học mầm non luôn phải đối mặt với nhiều sức ép.

Sức mạnh để các thầy cô vượt qua mọi vất vả trong công việc cũng như trong đời sống chính là niềm yêu nghề, tình yêu thương mỗi khi nhìn "những đôi mắt tròn xinh của đàn em thơ ngây" - những hình ảnh trong bài hát “Ước mơ xanh” mà bất cứ ai bước chân vào nghiệp sư phạm cũng thuộc nằm lòng.

"Quay cuồng" cùng đàn trẻ

"Thực tế, có những giáo viên mầm non phải làm việc tới 16 tiếng một ngày", một giáo viên than thở trên diễn đàn về giáo dục qua mạng internet. Theo quy định, giáo viên làm một ngày 8 tiếng trên lớp. Nhưng ngoài ra, mọi giáo viên mầm non cũng như các bậc học khác, phải chuẩn bị bài và soạn giáo án và điều này chỉ có thể làm "ngoài giờ hành chính". Bậc học mầm non cần nhiều dụng cụ dạy học tự làm, nên các thầy cô lại phải đầu tư thêm thời gian còn lại để “cắt cắt, dán dán”.

"Ngày em đỗ trường sư phạm, rồi vào mầm non, ai cũng nắc nỏm là đã chọn được công việc ổn định và nhàn nhã" - cô Tú Oanh, giáo viên một trường mầm non ở quận 3 của Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự -  "Ai ngờ, lúc nào cũng như bận 'con mọn' theo đúng nghĩa đen."

Ngoài việc phải làm quá giờ thì việc quản lý một lớp với hàng chục em nhỏ là điều vô cùng vất vả. Các con vừa học vừa chơi. Lúc các con ăn thì cô trông nom, xúc cho con ăn, bày bàn, lúc các con ngủ thì cô dọn dẹp, cứ thế quay như chong chóng tới lúc hết việc cũng là lúc hết ngày.

Sức ép càng lớn tại các địa phương có kinh tế phát triển. Nhận thức của phụ huynh càng cao, tiêu chí trường mầm non càng khắt khe, thì thầy cô lại càng vất vả để có thể đáp ứng đủ mọi yêu cầu. Từ đồ ăn, thức uống, trò vui chơi, giờ giấc ngủ nghỉ - khi nào cô giáo cũng phải "căng mắt." Lớp có một bé nóng sốt, biếng ăn, sụt sịt hay đau mắt, lở ngứa, cô vừa phải trông chừng bé, vừa phải cẩn thận để không lây sang các con còn lại.

Do công việc vất vả nên dù nhiều trường và phụ huynh rất "thích" các "cô giáo già" (tầm 40-45 tuổi) vì có nhiều kinh nghiệm quản lý, chăm sóc các cháu song trên thực tế, số giáo viên trẻ bao giờ cũng đông hơn. Cường độ làm việc khá căng nên cô giáo mầm non nào sức khỏe kém thì khó mà cáng đáng được lâu dài.

Và một nỗi khổ nếu không nói ra chưa chắc nhiều người đã biết. Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch: "Dù trước khi cho các cháu về, cô giáo đều “kiểm tra” các cháu rất kỹ xem có chỗ trầy xước nào hay không, nhưng chiều hoặc tối, cứ nghe chuông điện thoại hay chuông cửa là cô lại... thót tim, vì sợ có bậc phụ huynh nào 'thắc mắc' về những biểu hiện khác lạ của con em mình!"

Băn khoăn "cơm áo gạo tiền"

Giáo viên là một trong những đối tượng đang được hưởng nhiều trợ cấp ưu đãi nhưng thực tế thu nhập hiện nay của các thầy cô giáo mầm non - bậc học đầu đời của trẻ - vẫn có khoảng cách một trời một vực so với những vất vả của các cô. Tiêu biểu cho sự "mất cân đối" đó là chế độ đối với giáo viên mầm non ở khu vực nông thôn, miền núi, đặc biệt là các thầy cô giáo theo diện hợp đồng.

Trên thực tế, thu nhập của giáo viên mầm non hợp đồng tại các địa phương được lấy từ ba nguồn, gồm ngân sách của tỉnh, thu học phí và hỗ trợ từ ngân sách xã, phường, thị trấn. Ở các địa phương khó khăn, nguồn thu học phí và ngân sách xã, phường eo hẹp, thậm chí có xã, bản hầu như là không có. Chẳng hạn, tại huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) chỉ có 3/11 trường mầm non thu được học phí với mức 8.000 đồng/trẻ/tháng.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân kể lại: Một lần đi thăm trường mầm non tại Bắc Giang, thấy trong trường có xích một chú chó nhỏ. Các cô giáo cho biết phụ huynh phải đóng góp học phí và tiền ăn cho trẻ. Tiền ăn thì phụ huynh đã góp, nhưng học phí thì do nghèo quá, nên gia đình đành... dắt con chó nộp làm học phí!

Do đó, thu nhập chính của giáo viên mầm non hợp đồng miền núi hiện nay chủ yếu vẫn từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, với 730.000 đồng/người/tháng đối với vùng đặc biệt khó khăn và 680.000 đồng/người/tháng đối với vùng núi thấp. Trừ đi 15% bảo hiểm xã hội, 5% bảo hiểm y tế và 2% kinh phí công đoàn, mỗi giáo viên chỉ còn lại hơn 500.000 đồng/tháng.

Đối tượng là giáo viên học việc, thử việc lại càng "bi đát". Không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước, vì Quy định 2480 chỉ dành cho đối tượng là giáo viên hợp đồng trong định biên, nên họ chỉ có thể trông chờ vào nguồn của xã và nhà trường nhưng nguồn này hoặc không có hoặc có không đáng kể. Không hiếm cảnh các cô miệt mài chờ đợi, làm việc không lương, không trợ cấp chỉ để chờ ngày được tuyển dụng!

Tại Hà Nội, điều kiện kinh tế khá hơn nhiều nhưng cũng không phải giáo viên mầm non nào cũng có đời sống xông xênh. Cô Đoàn Thị Bình, hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng An (Hà Nội) phân trần: Trường tôi, các cô cấp dưỡng lương chỉ 500.000-700.000đ/tháng. Giáo viên thì hơn 1 triệu đồng, mà làm ngày 11 tiếng từ sáng tới tối.

Nhưng bất chấp những khó khăn, vất vả, nhiều cô giáo vẫn đang làm việc hết mình, chăm chút cho con trẻ từng ly, từng tý, có khi quên cả mệt nhọc và... quên cả chuyện "cơm áo gạo tiền" đang thúc giục họ phía sau tiếng cười con trẻ!

Xuân Hằng-Dũng Vi (Tin Tức)

Tin cùng chuyên mục