Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp sức để ngư dân bám biển

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân Quảng Nam kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí đầu tư và kịp thời tiêu thụ hải sản.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá tiếp sức để ngư dân bám biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hơn 2 năm qua, ngư dân Quảng Nam và các tỉnh trong khu vực đã quen thuộc với hình ảnh chiếc tàu vỏ sắt đi lại như con thoi trên các vùng cửa sông, cửa biển Kỳ Hà làm dịch vụ cung cấp nhiên liệu, ngư lưới cụ và đá lạnh cho tàu đánh cá của ngư dân.

Điều bà con quan tâm nhất là chiếc tàu này cung cấp vật tư nhiên liệu ngay trên biển, nhưng giá cả cũng chỉ ngang bằng với giá niêm yết tại các trạm xăng dầu trên đất liền. Chủ của chiếc tàu này là ngư dân Huỳnh Minh Cảnh nổi tiếng sản xuất kinh doanh giỏi và dày dạn kinh nghiệm trên các ngư trường khơi xa.

Gắn trọn cuộc đời với nghề biển, anh Huỳnh Minh Cảnh, sinh năm 1960, ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam có một gia sản đáng nể: Sở hữu riêng 2 chiếc tàu chuyên hành nghề xa bờ, trong đó có một chiếc tàu lắp 2 chân vịt có tổng công suất 1.100 CV trị giá trên 5 tỷ đồng vừa hạ thủy cách đây không lâu và đang hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa.

Anh Huỳnh Minh Cảnh còn hùn vốn với 6 chiếc tàu khác cùng anh em trong xã khai thác hải sản ở khắp các ngư trường trong Nam, ngoài Bắc. Nỗ lực trong sản xuất kinh doanh của anh Huỳnh Minh Cảnh đã được đền đáp xứng đáng.

Ngoài khối tài sản lớn, chủ của nhiều tàu thuyền và trạm cung cấp nhiên liệu, anh Huỳnh Minh Cảnh còn được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tặng nhiều Bằng khen. Đặc biệt năm 2005, anh Huỳnh Minh Cảnh được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc; Chiến sĩ thi đua toàn quốc vì “Đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.”

Những năm tháng bám biển dài ngày, cũng như tất cả các ngư dân khác, mỗi khi trên tàu đã gần hết vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác thì thuyền trưởng buộc phải ra lệnh “nhổ neo kéo lưới” cho tàu chạy về đất liền, bất kể lúc ấy khai thác được bao nhiêu hải sản hay may mắn gặp được vùng ngư trường giàu hải sản nhưng chưa kịp khai thác.

Thuyền trưởng Huỳnh Minh Cảnh cho biết, có những chuyến ra khơi, cứ tưởng cầm chắc phần trúng đậm, nhưng kết quả sản xuất chỉ vừa đủ trang trải cho chi phí, lợi nhuận không đáng kể, do đó thu nhập của anh em thuyền viên cũng giảm theo. Đó là những chuyến ra khơi dò tìm đàn cá suốt cả tuần lễ nhưng cá bặt tăm.

Những lúc đó không chỉ thuyền trưởng, mà tất cả thuyền viên trên tàu ai cũng buồn vì chi phí cho mỗi chuyến ra khơi không hề nhỏ, khai thác hải sản đạt sản lượng thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của anh em. Đến khi tìm được luồng cá, cứ tưởng sẽ trúng đậm nhưng chưa khai thác được bao nhiêu thì đành ngậm ngùi trong tiếc nuối vì tàu đã sắp hết vật tư nhiên liệu, buộc phải quay về đất liền.

Những lần ngậm ngùi “nhổ neo kéo lưới” vì tàu sắp hết vật tư nhiên liệu và lương thực thực phẩm ấy đã dấy lên trong suy nghĩ của ngư dân Huỳnh Minh Cảnh là phải hình thành một tổ làm dịch vụ chuyên cung cấp vật tư nhiên liệu và các đồ dùng thiết yếu khác cho ngư dân ngay trên biển, mà không cần đưa phương tiện chạy về đất liền.

Nghĩ là làm, anh Huỳnh Minh Cảnh vào Thành phố Hồ Chí Minh nhờ người quen đưa đến một cơ sở sản xuất cơ khí tàu thuyền và mua lại một chiếc tàu cũ với giá hơn 1,6 tỷ đồng, phải sửa chữa tàu này thêm 500 triệu đồng nữa.

Sau một thời gian bổ sung các yêu cầu về mặt kỹ thuật, ngày đầu tiên của năm 2012, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên được sử dụng vào việc làm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân Quảng Nam có công suất gần 200 CV đã chính thức đi vào hoạt động.

Anh Huỳnh Minh Cảnh cho biết chiếc tàu này đã được cơ quan đăng kiểm cấp chứng nhận là tàu S1, tức là chiếc tàu này được phép hoạt động cả trên sông và trên biển. Chiếc tàu dịch vụ của anh Cảnh được thiết kế 6 bồn chứa, có khả năng chứa được trên 90 tấn dầu các loại. Tuy nhiên trong thực tế, để đảm bảo an toàn, tàu làm dịch vụ này chỉ mang theo 76 tấn dầu để cung cấp cho tàu cá của ngư dân.

Từ đó đến nay, trung bình mỗi tháng, chiếc tàu làm dịch vụ của anh Huỳnh Minh Cảnh cung cấp 35.000-40.000 lít dầu và hàng chục nghìn cây đá lạnh cho các tàu thuyền đánh cá của ngư dân mỗi khi vào cảng cá Kỳ Hà.

Hiểu được băn khoăn của nhiều người là vì sao đã hơn 2 năm hoạt động, nhưng chiếc tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá chỉ loanh quanh vùng biển gần bờ mà chưa ra khơi cung cấp dịch vụ hậu cần cho các đội tàu thuyền khai thác dài ngày trên biển, anh Huỳnh Minh Cảnh cho biết muốn ra khơi làm dịch vụ cung cấp vật tư nhiên liệu, lương thực thực phẩm và thu mua hải sản của ngư dân làm ăn trên biển thì không phải chỉ có tàu là đáp ứng ngay được yêu cầu, mà phải có chuyên môn vững vàng để đảm bảo an toàn cả tính mạng và tài sản.

Phương tiện tàu thuyền cũng phải được trang bị thiết bị chuyên dùng để đảm bảo thu mua và bảo quản sản phẩm hải sản. Do vậy trong 2 năm qua, hoạt động dịch vụ này mới chỉ là bước chuẩn bị ban đầu cho kế hoạch.

Ngoài chiếc tàu vỏ sắt của anh Huỳnh Minh Cảnh, ở vùng cửa biển cảng cá Kỳ Hà còn có 3 chiếc tàu vỏ gỗ khác cũng làm dịch vụ cung cấp vật tư nhiên liệu cho tàu đánh cá của ngư dân trên biển. Ý tưởng “sáp nhập” các tàu vỏ gỗ nói trên và tàu vỏ sắt của mình để thành lập tổ “cổ phần dịch vụ” trên cơ sở đóng mới một chiếc tàu vỏ sắt, có công suất lớn, trang bị đầy đủ các thiết bị đi biển, có khả năng vận chuyển lớn cũng như lắp đặt các thiết bị bảo quản sản phẩm để vươn ra khơi xa để vừa làm nhiệm vụ tiếp dầu, tiếp lương thực thực phẩm trên biển và thu mua hải sản cho ngư dân đã hình thành trong suy nghĩ của anh Huỳnh Minh Cảnh và một vài anh em khác.

Dịch vụ này phát triển bài bản không những kéo dài thời gian bám biển mà còn giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất của mỗi chuyến ra khơi, kịp thời thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục