Tàu sân bay Liêu Ninh thử nghiệm trên biển lần hai

Liêu Ninh bắt đầu chuyến thử nghiệm 19 ngày, với một trong các hoạt động chính là tiến hành luyện tập cho máy bay chiến đấu cất và hạ cánh.

Theo báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) số ra ngày 10/11, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ngày 11/11 bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển kéo dài 19 ngày, với một trong các hoạt động chính là tiến hành luyện tập cho máy bay chiến đấu cất và hạ cánh.

 

Các thông tin, hình ảnh do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát đi trước đó cho thấy tàu sân bay Liêu Ninh tháng trước đã thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm mạo hiểm liên quan đến một máy bay chiến đấu trên tàu sân bay, loại máy bay mà các chuyên gia quân sự nói rằng đó có thể là một chiếc máy bay J-15 do Trung Quốc thiết kế và sản xuất.

 

Một cảnh báo hàng hải đã được Cơ quan An toàn Hàng hải Liêu Ninh đưa ra, theo đó cấm tất cả các tàu thuyền dân sự từ phần phía Bắc Bột Hải trong khoảng thời gian từ 8h sáng tới 6h tối các ngày từ 11-30/11.

Trang web people.com.cn của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 9/11 cho biết Cơ quan An toàn Hàng hải Liêu Ninh nói rằng khu vực trên sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, ám chỉ rằng tàu Liêu Ninh chuẩn bị thực hiện chuyến thử nghiệm trên biển thứ hai sau khi được chính thức bàn giao cho hải quân PLA hồi tháng 9/2012.

 

Đại tá cấp cao Lý Kiệt, chuyên gia về hải quân ở Bắc Kinh, nói rằng tàu Liêu Ninh đã đạt được một số thành công trong việc thử nghiệm hoạt động cất-hạ cánh của máy bay trong chuyến thử nghiệm vừa qua. Chuyên gia này cho biết: “Lần này, tàu Liêu Ninh sẽ chủ yếu tập trung vào thử nghiệm hoạt động hạ cánh của máy bay bởi vì so với việc cất cánh, hoạt động hạ cánh nhiều thách thức và nguy hiểm hơn”.

 

Đại tá Lý Kiệt cũng nói rằng hoạt động thử nghiệm hạ cánh liên quan nhiều hơn đến việc hợp tác và phối hợp giữa các phi công với đội ngũ kỹ thuật viên trên tàu sân bay, với việc đòi hỏi các quyết định phải tuyệt đối chính xác.

Đại tá Lý Kiệt nhấn mạnh: “An toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động cất cánh và hạ cánh của chúng tôi. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một sự phối hợp hoàn hảo giữa tàu sân bay và các máy bay chiến đấu”.

 

Chuyến thử nghiệm trên biển trước đó của tàu Liêu Ninh kéo dài 18 ngày, kết thúc vào cuối tháng 10 vừa qua. Một trong những quan chức phụ trách thiết kế của tàu Liêu Ninh, ông Ngô Hiểu Quang, nói với truyền thông Đại lục ngày 8/11 rằng theo dự kiến, các hoạt động thử nghiệm cất và hạ cánh trên tàu Liêu Ninh sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, thậm chí có thể sớm hơn là trong tháng này.

Ông Ngô Hiểu Quang cũng nói rằng tàu Liêu Ninh “chỉ là một sự khởi đầu” trong quá trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc.

 

Cũng trong tuần này, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thẩm Dương, đơn vị chế tạo máy bay chiến đấu J-15 cho tàu sân bay, đã thử nghiệm thành công loại máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai của họ - một loại máy bay nhỏ hơn, hai động cơ phản lực mà các chuyên gia quân sự nói rằng có khả năng thực hiện các nhiệm vụ từ một tàu sân bay trong thời gian một ngày.

 

Các bức ảnh chụp loại máy bay này - được những người say mê quân sự đặt tên là J-31 - đã được đưa lên các diễn đàn quân sự Trung Quốc và được truyền thông Đại lục đăng tải. Sự phát triển này đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, thử nghiệm thành công hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thuộc thế hệ thứ năm, các máy bay chiến đấu hiện đại đa chức năng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục